Xu hướng công nghệ của ngành chất liệu nội thất

Hội chợ dệt may Heimtextil lớn nhất thế giới dự đoán các chất liệu và công nghệ mang tính thử nghiệm sẽ trở thành xu hướng phát triển bền vững đầy tiềm năng cho ngành chất liệu nội thất.

Những năm gần đây, xu hướng nghiên cứu vật liệu tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, cho ra đời những giải pháp thay thế mang tính bền vững cao. Đóng vai trò ngành công nghiệp trọng điểm, ngành dệt may nói chung và chất liệu nội thất nói riêng cũng không đứng ngoài những cuộc thảo luận về tình trạng rác thải, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, sức khỏe tâm thần và số hóa sản phẩm, dẫn đến việc hình thành những xu hướng chất liệu mới.

chat lieu det may rac thai kho phan huy

Theo báo cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, vào năm 2018, 66% lượng rác thải dệt may không thể phân hủy được đưa vào bãi chôn lấp là 11.300 tấn, chiếm 7,7% tổng lượng rác thải được chôn lấp năm đó. | Ảnh: National Geographic

Mới đây, các kỹ thuật dệt may kết hợp công nghệ hướng đến phát triển bền vững trên khắp thế giới đã được tổng hợp và trưng bày trong hội chợ dệt may toàn cầu quy mô lớn Heimtextil ở Messe Frankfurt, Đức. Hội chợ cung cấp đầy đủ thông tin về màu sắc, kiểu dáng, kết cấu và lý giải góc độ tiếp cận tính bền vững của các chất liệu tiềm năng trong tương lai.  

Dệt may và thực vật – liên kết độc đáo

Một trong những nguồn nguyên liệu vô tận của ngành dệt may là thực vật, có thể kể đến như: vải dệt làm từ cây xương rồng, cây gai dầu hoặc rong biển… Những chất liệu này có nguồn gốc thân thiện với môi trường, không chứa nhựa, kim loại, khoáng chất và chất tạo màu, không gây hại cho môi trường sống và dễ dàng phân hủy sinh học. Chúng hướng tới mục tiêu chung là giải quyết bài toán rác thải khổng lồ mà những người hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang luôn trăn trở.

giay goi thuan chay tao dau oliu xu huong chat lieu

Giấy gói Oleatex được làm từ tảo tẩm dầu ô liu của Notpla, sử dụng chất thải từ ngành công nghiệp ô liu để tạo ra một giải pháp đóng gói thuần chay.

chat lieu gia da xu huong chat lieu

Periskin – một loại chất liệu thay thế da, được làm từ chất thải trong quá trình sản xuất hồng khô.

Khai thác tài nguyên công nghệ

Sự phát triển vượt trội của khoa học và công nghệ cải thiện khả năng tái chế và nâng cấp chất liệu dệt may của con người, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các loại vật liệu nguyên chất khó phân hủy. Các phương pháp mới như: dệt kim 3D có thể thay thế cho dệt vải truyền thống, đồng thời ít lãng phí tài nguyên hơn. Ngoài ra, còn có những kỹ thuật dệt hiện đại cho phép tạo ra sản phẩm đa dạng màu sắc chỉ với một vài sợi màu.

tham det soi thuc vat mau sac ruc ro

Những tấm thảm dệt của Tanja Kirst được làm từ sợi cam quýt, cây gai dầu, quả dứa và sợi đi biển. Sự đa dạng của màu sắc đạt được chỉ bằng cách sử dụng bảy loại sợi kết hợp với các kỹ thuật dệt khác nhau.

det kim 3D vai boc ghe hoa van do

Variant 3D, công ty phần mềm tiên phong trong kỹ thuật dệt kim 3D, giới thiệu vải bọc ghế hoa văn bắt mắt, thu hẹp khoảng cách giữa trang trí và chức năng cho nhiều ngành công nghiệp bao gồm: ô tô, thời trang, dệt may và nội thất.

Dệt may đồng hành cùng công nghệ sinh học

Được đánh giá là sự kết hợp tiềm năng giữa thiên nhiên và công nghệ, thay vì trồng cây để chiết xuất sợi, protein, carbohydrate hoặc vi khuẩn trong ngô, cỏ và đường mía còn có thể được sử dụng để chế tác chất liệu dệt. Quy trình tách phân tử sinh học cho phép tạo ra các loại sợi trông như sợi tơ, vừa có khả năng tự phân hủy, vừa đáp ứng tiêu chuẩn may mặc hiện hành. 

vai det chat lieu protein

Bio-Tex (TM) của Modern Meadows là loại vải dệt làm từ protein có tráng phủ, mang lại độ rung màu và hiệu năng sử dụng cao, đồng thời giảm hơn 90% lượng khí thải GHG so với quy trình sản xuất da thuộc bằng crom truyền thống.

chai thai nong nghiep det vi sinh chat lieu xu huong

Modern Synthesis chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nanocellulose, sử dụng công nghệ dệt vi sinh để tạo ra hình dạng và cấu trúc mong muốn, tránh lãng phí vật liệu.

Thiết kế tái tạo 

Thiết kế tái tạo thực chất là cách nói khác của việc tái sử dụng những thành phần trong tự nhiên với nguyên tắc tạo ra các phương pháp sáng tạo toàn diện nhằm khôi phục hoặc làm mới tài nguyên một cách tốt hơn. Đại diện tiêu biểu cho xu hướng này chính là vải dệt da dừa hữu cơ đến từ FranklinTill, một công ty tư vấn thiết kế có trụ sở tại London với quy trình sản xuất độc đáo: lưu trữ, khử trùng và sử dụng nước dừa sau khi thu hoạch phần cùi để nuôi cấy vi khuẩn, tạo ra một loại chất liệu có thể phân hủy, dẻo, bền và sở hữu đặc tính chống thấm nước vượt trội. 

vai det da dua vat the 3D vi khuan huu co

Được phát triển từ cellulose vi khuẩn hữu cơ, vải dệt da dừa có thể được đúc thành các vật thể 3D liền mạch và có sẵn 10 màu nhuộm tự nhiên.

Chú trọng thẩm mỹ và màu sắc

Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu và phát triển chất liệu dệt may bền vững, tính thẩm mỹ về màu sắc và đường nét cũng rất được chú trọng. Nhiều bảng màu có sắc tố tự nhiên từ trái đất như: hạt bơ, tảo, vi khuẩn sống hay các sắc tố cổ như siena thô, màu chàm và cochineal được đẩy mạnh sản xuất để phục vụ cho công đoạn nhuộm vải.

chat lieu nguon goc thuc vat phan huy sinh hoc

Sự kết hợp giữa cao su vàng Amadeau Materials, sợi Ciclo và da Banbu của Von Holzhausen tạo ra chất liệu thay thế có 83% nguồn gốc thực vật (tre), có thể phân hủy sinh học ở bãi chôn lấp nhưng vẫn dẻo và bền như da.

Đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn

Ngày nay, bên cạnh tính bền vững và bảo vệ môi trường, các sản phẩm vải dệt nhất là chăn ga gối nệm, rèm cửa cần phải đáp ứng những yêu cầu an toàn cao hơn. Chúng được trang bị thêm tính năng chống cháy, hấp thụ âm thanh, bền, nhẹ, kháng khuẩn, chống bụi bẩn, thậm chí chống thấm nước. “Hàng dệt may hiện đại đang trở nên hiệu quả hơn, đảm đương được các chức năng quan trọng không kém chất liệu truyền thống.” – Bettina Bar, giám đốc hội chợ Heimtextil chia sẻ. 

Thực hiện: Thùy Như | Theo: Metropolis Magazine | Ảnh: SPOTT trends & business studio 


Xem thêm: 

Xu hướng nhà ở năm 2030 qua tầm nhìn của IKEA

Vật liệu in 3D có thể thay thế bê tông không? 

Kiến trúc pod nhỏ gọn và xu hướng sống tập trung vào trải nghiệm