6 sản phẩm thân thiện với môi trường

Từ xe ô tô cho đến vật liệu đa năng, ngành công nghiệp sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực trên thế giới dường như đang dần chuyển hướng sang hình thức sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm hướng đến tương lai lâu dài hơn, giảm tải chất thải ra môi trường tự nhiên.

Xe ôtô EXP 100GT | BENTLEY

Nhằm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, hãng xe ôtô nổi tiếng Bentley đã cho ra mắt sản phẩm mới nhất với tên gọi EXP 100GT, đưa trí tuệ nhân tạo vào để vận hành hệ thống. Nhưng đó chưa phải là điểm nhấn đáng chú ý của EXP 100GT, để bắt kịp xu thế và thúc đẩy cơ chế “xanh” trong ngành công nghiệp xe hơi, hãng đã tạo nên sản phẩm với các vật liệu chú trọng tính bền vững, nguồn gốc tái chế.

Phần sơn ngoại thế được làm từ tro trấu tái chế – một sản phẩm thải ra từ quá trình thu hoạch lúa gạo. Phần nội thất của xe như ghế ngồi được bọc từ da sinh học thải ra từ chất thải trong sản xuất rượu vang, thảm len xuất xứ từ Anh Quốc với bề mặt bông thêu hữu cơ, gỗ lấy từ The Fenland Black Oak Project – một tổ chức được thành lập với mục tiêu bảo tồn gỗ. Ngoài ra, xe còn sử dụng các loại sợi carbon nhẹ trong cấu trúc và tích hợp chế độ lọc không khí bảo vệ sức khỏe.

sản phẩm 10

sản phẩm 9


Gạch Green Charcoal | INDIAN SCHOOL OF DESIGN AND INNOVATION MUMBAI

Gạch Green Charcoal là loại vật liệu có nguồn gốc từ đất, xi măng, than và sợi luffa hữu cơ, được nhóm nghiên cứu thuộc Indian School of Design and Innovation Mumbai phát triển nhằm thay thế cho bê tông trong xây dựng. Loại gạch này vì được tạo nên từ các nguyên liệu hữu cơ nên khi đạt đủ điều kiện cho phép, chúng sẽ trở thành bề mặt cho thực vật sinh sôi mạnh mẽ, từ đó làm tiền đề cho tiêu chí chăm sóc sức khỏe trong xây dựng.

Một thành phần khác khá đặc biệt của loại gạch này chính là “không khí”. Gạch Green Charcoal chứa nhiều túi khí hơn bê tông thông thường, bên cạnh việc trung hòa nhiệt độ thì những bong bóng khí này chính là điểm mấu chốt để phát triển hệ sinh thái thu nhỏ trên bề mặt.

sản phẩm 8

sản phẩm 7


Vật liệu sinh học đa dụng | THOMAS VAILLY

NTK Thomas Vailly và các nhà khoa học từ phòng nghiên cứu ENSIACET vừa qua đã công bố loại vật liệu sinh học đa năng có nguồn gốc từ hoa hướng dương, phát kiến này dự kiến sẽ áp dụng được trong nhiều lĩnh vực đời sống. Hoa hướng dương thường được trồng để sản xuất dầu, nhiên liệu sinh học hoặc lấy hạt, nhưng lượng chất thải công nghiệp còn tồn đọng không được đánh giá cao trong khi tiềm năng lại khá lớn.

Vật liệu sinh học làm từ hoa hướng dương có thể tạo nên tấm cách nhiệt, ốp điện thoại, gạch, bao bì đóng gói hay thậm chí là đồ nội thất. Để tạo ra sản phẩm cuối cùng, Thomas Vailly đã tận dụng mọi nguồn chất thải sau vụ mùa để tạo nên chất kết dính và vecni không độc hại. Các sợi vỏ cây được làm nóng, ép vào tấm cứng trong khi phần lõi được trộn với keo (làm từ hạt hướng dương) để cho ra loại vật liệu composite nhẹ, xốp thay thế cho polystyrene.

sản phẩm 6

sản phẩm 5


Xà phòng không chất thải Soapack  | MI ZHOU

Mi Zhou – một sinh viên thuộc đại học Central Saint đã thiết kế và công bố rộng rãi sản phẩm chai xà phòng mang tên Soapack , đây là loại xà phòng được đúc từ chính…xà phòng gốc thực vật và sẽ tự động phân hủy hoàn toàn khi không còn dùng đến thông qua việc tiếp xúc với nước. Để tạo ra Soapack, xà phòng được nhuộm các sắc tố từ khoáng chất, thực vật và hoa, sau đó đúc trong khuôn rồi phủ một lớp sáp ong lên bề mặt để chúng không thấm nước ở mức độ nhất định.

Sản phẩm này thực chất có sự tương đồng với phong trào không sử dụng bao bì nhựa. Một chai nhựa tiêu chuẩn cần đến 450 năm để phân hủy, với Soapack, chúng sẽ hoàn toàn biến mất khi sử dụng xong. Mặc dù được thiết kế để hòa tan nhưng nếu được bảo quản trong môi trường khô ráo, xà phòng vẫn sẽ giữ nguyên vẹn được hình dáng như một vật trang trí hiệu quả.

Ảnh: Tom Mannion & Xinjia Zhou.

sản phẩm 4


Bàn Joaquim | GIORGIO BONAGURO

Bàn Joaquim được NTK Giorgio Bonaguro tạo ra với mục đích thu hồi các chất thải chưa qua xử lý giúp nâng cao tinh thần bền vững, tạo tiền đề cho những sáng tạo mang đậm tính sinh thái tại Brazil. Quan điểm này góp phần mang hơi thở của cuộc sống vào các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống thường nhật mà vẫn đảm bảo chất lượng tinh tế.

Chiếc bàn lấy cảm hứng từ đồ nội thất Brazil trong những thập niên 40-60, nổi bật thông qua các dạng thức hình học, đường nét đơn giản nhưng thanh lịch, đây được xem là tiền thân của các thiết kế nhiệt đới đương đại. Quá trình sản xuất sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu bền vững với chân bàn kim loại và mặt bàn đá cẩm thạch được tái chế bởi rác thải thu từ các nhà máy sản xuất công nghiệp.

sản phẩm 3

sản phẩm 2


Thảm Jacquard | JAYME HAYON

Bonotto – xưởng sản xuất dệt may lâu đời tại Italia với 4 đời nối nghiệp, được thành lập bởi Luigi Bonotto vào năm 1912 và hiện đang là tên tuổi khá nổi bật trong nền công nghiệp thời trang toàn cầu. Đây cũng là nơi NTK Jayme Hayon cho ra mắt mẫu thiết kế thảm Jacquard với nguồn vật liệu xanh bền vững và phương pháp gia công thủ công của thợ lành nghề tại xưởng.

Để tạo nên thảm Jacquard, NTK đã chuyển đổi hơn 300kg nhựa tái chế thu được từ rác thải chai, lọ sử dụng hàng ngày thành vải dệt rồi biến tấu, thêm thắt các yếu tố mang tính di sản và thủ công của xưởng dệt Bonotto. Sản phẩm là một phần của cuộc thi Plastic Prize do Rossana Orlandi tổ chức nhằm thúc đẩy các thiết kế mang tính thân thiện với môi trường.

sản phẩm 1

Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Nhà tái chế làm từ những khối gỗ bần

Trồng rừng có phải giải pháp đương đầu biến đổi khí hậu?