Dự án của NTK người Hà Lan Christien Meindertsma được thực hiện từ sự trợ giúp của công ty chế tạo robot TFT với cánh tay robot đặc biệt để xử lý len cho việc in 3D. Flocks Wobot là sáng tạo đưa ra giải pháp thay thế xanh cho vải tổng hợp trên thị trường và nhấn mạnh việc tương tác an toàn giữa con người, máy móc và cách tổng hợp chất liệu len qua nhiều lớp hiệu quả nhất.
Christien đã thực hiện các nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu tại chính thị trường vải Hà Lan. Hằng năm, khoảng 1,5 triệu kg len mịn được thải ra môi trường – một nguồn tài nguyên lớn mà cô nhận thấy đã bị bỏ qua và không được chú ý đến vì tính chất mỏng manh vốn có. Sử dụng len trong in 3D không chỉ là một tuyên bố về giải pháp tái chế mà còn là một chiến lược lâu dài để những lợi ích của vật liệu này được khai thác hiệu quả.
Để có thể cách mạng hóa sản phẩm ứng dụng in 3D trên len, Flocks Wobot hoạt động theo cách tạo ra các lớp len đan vào nhau như lớp vải nỉ, hỗ trợ khối in sau tạo hình một cách chắc chắn. Cách xử lý này giúp làm nổi bật các đặc tính của len như tái chế, phân hủy sinh học, độ bền cao, cách nhiệt đến thấm nước và cả mức độ chống cháy được chú ý rộng rãi hơn. Kỹ thuật in 3D tiên tiến này không chỉ giới hạn ở bất kỳ loại len nào – hiệu quả nhất là với các loại len thô điển hình như len làm từ lông cừu châu Âu sẽ giúp thành phẩm được bền bỉ hơn. Flocks Wobot là một trong hai dự án nghiên cứu kỹ thuật in 3D với len mà NTK trình bày tại Dutch Design Week, triển lãm mang tựa đề The Product Chronicles.
Phương pháp còn lại của NTK là in 3D len thành các khối mềm và có thể cắt thành nhiều hình dạng tùy ý và có thể thay thế cho vật liệu xốp. NTK Christien Meindertsma đã giới thiệu cả hai kỹ thuật này trong triển lãm cá nhân của mình – Christien Meindertsma: Re-forming Waste khai mạc tại V&A, London ngày 22 tháng 11 vừa qua.
Sản phẩm in 3D ra mắt tại triển lãm là chiếc ghế sofa đầu tiên sử dụng công nghệ này trong một kích thước lớn. Đây là thành quả được phát triển khi cô được ủy quyền nghiên cứu về ứng dụng len cho thành phố từ Rotterdam Circulair – chương trình do nhà nước tài trợ ủng hộ hướng đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Dự án đã mang đến một loạt các đồ vật sử dụng kỹ thuật ứng dụng len theo cách thủ công truyền thống. Christien vẫn đang tiếp tục thử nghiệm với các hỗn hợp len, sợi nhuộm và tái chế để sáng tạo một thành phẩm bảng màu từ len trong tương lai.
Thực hiện: Trà Giang | Ảnh: Tư liệu
Xem thêm:
Tường Biomic: Kiến trúc và thiên nhiên hòa quyện