Bệnh viện thú y Tirana: Khi kiến trúc là một phần của liệu pháp điều trị

Với không gian mở, đường cong mềm mại và sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, con người và động vật, Bệnh viện thú y Tirana nâng tầm trải nghiệm chăm sóc thú cưng từ sự giao thoa giữa kiến trúc và khả năng cải thiện tinh thần.

Nằm tại thủ đô Tirana của Albania, bệnh viện thú y với diện tích 2.243m2 này được xem như một phần trong làn sóng đổi mới kiến trúc tại Albania. Công trình được xây dựng dựa trên những đặc điểm đặc thù về khí hậu, truyền thống và lịch sử phong phú của quốc gia này. Davide Macullo Architects, studio chịu trách nhiệm thiết kế công trình, luôn đặc biệt chú trọng đến sự kết hợp giữa kiến trúc và thiên nhiên. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những tòa nhà có thể hòa nhập với môi trường xung quanh. Sự xuất hiện của mỗi công trình phải góp phần làm giàu cho cảnh quan, khiến người nhìn cảm thấy thoải mái với sự kết hợp của ánh sáng, màu sắc và hình khối trong đó” – Davide Macullo, kiến trúc sư sáng lập studio, chia sẻ.

benh vien thu y Tirana Davide Macullo Architects kien truc brutalism

Ảnh: Leonit Ibrahimi

Tirana pet hospital Davide Macullo Architects kien truc brutalism tho moc be tong

Bê tông là vật liệu chủ đạo được sử dụng xuyên suốt trong công trình, từ ngoại thất đến nội thất. Nó mang lại độ bền, khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, đồng thời cho phép sáng tạo các hình khối phức tạp, đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ và chức năng.

Khác với hình ảnh một bệnh viện thú ý truyền thống, Tirana được tạo nên từ các khối bê tông uốn cong, tạo hiệu ứng sóng bao bọc các sân vườn và hiên trồng cây xanh. Những đường cong này không chỉ là điểm nhấn thị giác mà còn giúp xóa nhòa ranh giới giữa không gian trong và ngoài của tòa nhà. Sự đối lập giữa các hình khối mềm mại và vật liệu bê tông thô ráp, vững chãi đậm chất brutalist vừa đảm bảo tính bền vững vừa tạo nên chiều sâu thẩm mỹ.

benh vien thu y Tirana Davide Macullo Architects

Ảnh: Leonit Ibrahimi

Tirana pet hospital Davide Macullo Architects kien truc brutalist tho moc

Các bức tường được tạo hình cong tạo cảm giác chuyển động liên tục.

Sự kết hợp của những yếu tố như đường cong, ánh sáng tự nhiên và cây xanh đã kiến vật liệu bê tông vốn thô cứng trở nên gần gũi, ấm áp, tạo nên sự cân bằng giữa tính bền vững, mạnh mẽ và yếu tố cảm xúc. Đây là cũng là một trong những điểm độc đáo, tạo nên dấu ấn riêng biệt cho công trình.

Sự góc cạnh và không gian kín đáo cũng có thể khiến cho động vật dễ trở nên hoảng loạn. Chính vì vậy, các đường cong, không gian mở và ánh sáng tự nhiên được ứng dụng trong bệnh viện thú y Tirana hướng tới việc loại bỏ cảm giác bị giam hãm, mang lại sự an toàn, thư thái cho thú cưng.

benh vien thu y Tirana Davide Macullo Architects

Tòa nhà được thiết kế nhằm nâng cao phúc lợi của vật nuôi khi điều trị tại đây.

Tirana pet hospital Davide Macullo Architects benh vien thu y

Các đường sóng lượn tạo thành một mạng lưới không gian mềm mại, tạo cảm giác thoải mái khi bước vào.

Đại diện studio chia sẻ: “Cũng giống như chăm sóc sức khỏe con người, tâm lý học không gian đóng vai trò quan trọng với cả các loài động vật khác. Những chi tiết mềm mại, ít góc cạnh sẽ giúp giảm bớt nỗi sợ hãi cố hữu về sự bao vây, tạo ra một môi trường cởi mở và tự do. Việc tổ chức không gian cho thú cưng tại đây cũng tuân theo các nguyên tắc tương tự đối với con người, đáp ứng cả yêu cầu về sự thoải mái, riêng tư và sự tiện nghi, chu đáo ở không gian công cộng”. 

Các khu vực cho chó và mèo được tách biệt khoa học, lối đi trực quan giúp giảm stress, tăng hiệu quả chữa trị. Sự linh hoạt trong tổ chức không gian còn tạo điều kiện cho sự giao tiếp giữa chủ nhân và thú cưng, hỗ trợ quá trình phục hồi.

benh vien thu y Tirana Davide Macullo Architects

Ảnh: Leonit Ibrahimi

Tirana pet hospital Davide Macullo Architects gieng troi eco brutalism

Không gian mở giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên.

benh vien thu y Tirana Davide Macullo Architects

Cây cối được trồng xen kẽ trong khuôn viên tòa nhà.

Tầng trệt gồm có khu khám chữa bệnh, phòng điều trị, và văn phòng, được bố trí theo hình chữ L, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Tầng lửng và tầng hai là không gian chung, phòng nghỉ cho thú cưng và chủ nhân của chúng. Sân thượng và vườn được thiết kế như phòng trị liệu ngoài trời, nơi động vật và con người cùng thư giãn, phục hồi.

Cây xanh là điểm nhấn thẩm mỹ, gia tăng sinh khí cho công trình và mở ra không gian trị liệu xanh. Cây cối, ánh sáng, không khí trong lành giúp giảm stress, tăng tốc độ phục hồi cho cả động vật và con người. Ngoài ra, thiết kế mở giúp cho ánh sáng tự nhiên lan tỏa khắp các tầng, tạo sự thông thoáng, kết nối mạnh mẽ với thiên nhiên.

Thực hiện: Bình Nhi | Theo: Archdaily | Ảnh:Leonit Ibrahimi


Xem thêm: 

Những món đồ nội thất phong cách cho thú cưng

Bệnh viện nhi Zurich: Mô hình kiến trúc y tế tiên tiến

Những món đồ nội thất phong cách cho thú cưng