Không giống như thời trang, lĩnh vực thiết kế nội thất vẫn chưa bị buộc phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững như: xử lý rác thải… Tuy nhiên, điều đó sẽ không còn xa nếu chúng ta vẫn duy trì tỷ lệ gần như 0% nhựa được tái chế sau khi sản xuất đồ nội thất. Trước hiện trạng đáng lo ngại khi chưa đến 10% rác thải nhựa trên toàn cầu được tái chế đúng cách, nhà thiết kế Guy Snover và Daniel Martinez đã bắt tay vào nghiên cứu và tìm thấy cơ hội từ nguồn tài nguyên chưa được khai thác triệt để này. Họ tiên phong trong việc áp dụng nền tảng mỹ thuật và kỹ thuật chế tác vào những bộ sưu tập lọ hoa sử dụng nhựa PLA tái chế làm nguyên liệu thô để in 3D, từ đó giải quyết vấn đề khủng hoảng chất thải nhựa. “Chúng tôi đang cố gắng đưa khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn đến gần hơn với người tiêu dùng và biến mô hình kinh tế đó thành trung tâm của mọi sản phẩm.” – Daniel Martinez chia sẻ.
Cyrc tìm thấy cơ hội từ nhựa hậu công nghiệp
Năm 2020, Guy Snover và Daniel Martinez cùng sáng lập thương hiệu nội thất tái chế Cyrc có trụ sở tại Montréal. Với tên gọi đặc biệt, kết hợp tái chế (recycle) và tròn (circular) thành một từ ghép, Cyrc xác định rõ phong cách và sứ mệnh sáng tạo của mình ngay từ những ngày đầu.
Hầu hết các sản phẩm do Cyrc phát triển đều được làm từ nhựa PLA. Tuy nhiên, nhận thức được vấn đề rằng PLA là một loại nhựa có nguồn gốc từ thực vật và có khả năng phân hủy sinh học nhưng đa số các cơ sở quản lý rác thải địa phương không đủ điều kiện để thực hiện quy trình tái chế loại nhựa này, thương hiệu Cyrc đưa ra cam kết về việc sẵn lòng thu hồi sản phẩm để cắt nhỏ, ép đùn hoặc tạo thành viên cho một vòng đời mới – đúng theo mô hình thiết kế tuần hoàn.
Những bộ sưu tập lọ hoa mới nhất của Cyrc sử dụng màu siêu sắc tố được làm từ đường hóa học để tạo ra bảng màu đậm đà, cuốn hút cùng lớp hoàn thiện bề mặt mang lại cảm giác pha trộn giữa độ sần của vỏ trứng và độ bóng của lụa satin. Lấy cảm hứng từ những bức tranh sơn dầu kiểu Baroque của nghệ sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer, chín lựa chọn màu có sẵn hiện nay mang một vẻ đẹp sang trọng mà hiếm thiết kế làm từ nhựa nào đạt được.
Hữu cơ và công nghệ
Bộ sưu tập Banksia
Bộ sưu tập Banksia là những thiết kế lâu đời nhất nhưng vẫn đang được phát triển của Cyrc. Lấy cảm hứng từ lọ hoa tulip cổ điển nhưng được chuyển đổi thiết kế thành cấu trúc phân nhánh chỉ có thể thực hiện bằng kỹ thuật in 3D, những chiếc bình Absalon, Augustus và Mariette thuộc bộ sưu tập là sự kết hợp độc đáo giữa ngôn ngữ thẩm mỹ hữu cơ và công nghiệp.
Bộ sưu tập Idio
Cấu trúc gân dọc là đặc trưng thiết kế của các sản phẩm in 3D. Tuy nhiên, thay vì tìm cách ẩn đi những đường lớp này, Cyrc lại sử dụng và tinh chỉnh chúng thành các gân dọc chia đôi, rẽ theo nhiều nhánh để tạo ra bộ sưu tập lọ hoa Idio mang phong cách ấn tượng. Sự thay đổi mật độ và phương hướng của các đường cắt tạo ra vô số họa tiết độc đáo cho các thiết kế.
Bộ sưu tập Wicker
Wicker, một trong những bộ sưu tập thành công nhất của Cyrc, là ví dụ điển hình cho khả năng biến hóa đa dạng hoa văn của công nghệ in 3D thông qua thuật toán. Bao gồm hai chậu trồng cây Reed, Bamboo và hai lọ hoa Rattan, Willow với độ bền đáng kinh ngạc, bộ sưu tập được chế tác tỉ mỉ để đạt được những họa tiết phức tạp nhất trên một bề mặt liên tục, không phân nhánh.
Bộ sưu tập Forge
Hiện nay, lọ hoa Lukus là sản phẩm duy nhất thuộc bộ sưu tập Forge, được phát triển trong một dự án nghiên cứu về thao tác sau khi in 3D. Đội ngũ thiết kế của Cyrc khẳng định: “Không thể tạo ra được hình dáng cuối cùng của chiếc bình Lukus chỉ với kỹ thuật in 3D đơn thuần”, thay vào đó, quy trình sản xuất được bắt đầu với kiểu dáng đơn giản có cấu trúc bề mặt tương tự như vải dệt. Sau đó, tác động nhiệt bằng tay vào những điểm cần thiết để chúng chảy ra và tiến hành tạo hình. Các đường mép uốn lượn là một phần của quá trình đông đặc, mang đến cho những chiếc bình Lukus vẻ đẹp hữu cơ tối giản.
Thực hiện: Thùy Như | Theo: design milk
Xem thêm:
Lọ hoa đương đại: Nét đẹp từ công nghệ