Có tên gọi “Flower Power”, BST của Chris Wolston bao gồm 13 kiểu ghế và ghế dài khác nhau, mang hình dáng của thực vật một cách dễ nhận biết. Với BST này, NTK người Mỹ trình bày kĩ thuật thủ công và những giá trị tự nhiên liên kết cùng chất liệu đất nung.
Nói về việc chọn đất nung làm chất liệu cho các thiết kế độc đáo này, Chris Wolston cho biết: “Đất nung được xem là chất liệu có giá trị thấp nhất và nhận được ít sự quan tâm nhất trong việc làm gốm. Tôi chọn đất nung vì đây là chất liệu đến ngay từ đất. Vì thế, bằng cách tạo nên những thiết kế có hình dạng phức tạp này, tôi muốn mang đến một khoảng không để nhìn nhận lại chất liệu có màu cam đỏ này.”
Những thiết kế ghế ngồi trong BST được làm tại studio gốm của NTK tại Medellin, sử dụng nguồn đất sét từ vùng núi bên ngoài thủ đô Bogota của Colombia. Khác với đất sét nhân tạo, loại đất tự nhiên này mang tính khó đoán. Chris nói: “Tôi đã thử nghiệm và thất bại nhiều lần mới tìm ra cách tạo hình lẫn nung trong lò sao cho chúng không bị rạn nứt.”
Cấu trúc chân đế rỗng, ngoại trừ mặt ghế, được hỗ trợ bởi các phần gia cố bên trong mà Chris ví với các vòm của cầu máng. Bên trên, NTK tạo hình và trang trí bằng những bộ phận bằng đất sét được nặn thành hình hoa lá hoặc thậm chí là đổ theo khuôn theo hình những đóa hoa trong khu vườn của NTK.
Điểm đáng chú ý ở BST ghế này là kĩ thuật hoàn thiện từ thời Tiền Colombo được NTK tìm tòi và áp dụng. Bề mặt bóng nhẵn của sản phẩm được chà bóng bằng đá khi tất cả đã khô ráo. Đây là kĩ thuật làm bóng bề mặt ra đời trước khi có tráng men. Đây cũng là cách thức để trám những lỗ li ti trên bề mặt, làm nước khó thấm hơn.
Nhiều chiếc ghế trong BST mất thời gian đến 3 tháng để hong khô hoàn toàn trước khi đem đi nung. Quy trình nung cũng cần được kiểm soát nhiệt độ kĩ lưỡng để tránh rạn nứt. Chris cho biết: “bước nung gốm thực sự phức tạp và tốn rất nhiều thời gian để có hiệu quả. Nếu nung quá lâu hoặc quá nhanh, đồ gốm sẽ bị nứt và nổ.”
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Dezeen | Ảnh: Joseph Kramm, David Sierra và Radha Leon
Xem thêm
Ghế “Shibari” – tôn vinh biểu tượng nút thắt
10 chiếc ghế phá cách ấn tượng từ các sinh viên thiết kế quốc tế