Đồ nội thất mang tính ý niệm và ứng dụng cao: Tiềm năng của sáng tạo

Những nguồn cảm hứng từ di sản văn hóa, đời sống và xã hội đã thúc đẩy các nhà thiết kế trẻ tạo ra sản phẩm độc đáo mang tính ý niệm lẫn ứng dụng cao.

Ranh giới giữa nghệ thuật và chức năng luôn là không gian thú vị cho sự sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Xu hướng này càng trở nên rõ nét khi các nhà thiết kế trẻ đang ngày càng táo bạo trong việc kết hợp yếu tố di sản văn hóa, đời sống thường nhật và các vấn đề xã hội vào tác phẩm của mình. Những món đồ nội thất không chỉ kể câu chuyện đầy ý nghĩa mà còn đáp ứng tối ưu nhu cầu sử dụng thực tế trong không gian sống hiện đại. 

1. Mok-04: Di sản đồng quê

Lấy cảm hứng từ chiếc gùi jige của Hàn Quốc, Sukchulmok Studio đã hợp tác với Happ Studios để thiết kế mẫu ghế thứ hai mang tên Mok-04, tạo ra chiếc giá đỡ hình chữ A mô phỏng ghế bằng gỗ của những người nông dân xưa kia. Chiếc ghế là phiên bản mở rộng từ mẫu Mok-03 với các chân được mô-đun hoá, có tỉ lệ được tính toán đều là bội số của 3.

Thiet ke ghe gui go do noi that Sukchulmok Studio mok 04

Chiếc gùi gỗ vác rơm rạ của người nông dân Hàn Quốc được phát triển thành thiết kế ghế ngồi độc đáo.

Thiet ke ghe gui go do noi that Sukchulmok Studio mok 04

Ảnh: Sukchulmok Studio

Trọng tâm của thiết kế là khả năng thích ứng với những thời tiết khác nhau trong năm, nằm ở phần chi tiết phụ nằm ngang dùng làm đệm ngồi và tay vịn được làm bằng rơm rạ và dệt thành chiếu, sau đó quấn quanh lõi gỗ đường kính 3cm. Khi thời tiết thay đổi, các vật liệu khác sẽ được thay thế cho phù hợp hơn khi sử dụng. Đây là loại vật liệu bền vững thường dùng vào mùa Đông nhờ đặc tính cách nhiệt, dễ tìm, rẻ, dễ dàng phân hủy và thay thế.

2. Đèn Polycycle Illumination: Thiết kế đan xen bền vững

Sử dụng vật liệu nhựa tái chế và ứng dụng công nghệ hiện đại, Xuanhao Li đã thiết kế BST đèn bàn trang trí bền vững mang hình dáng của loài sứa. Túi nilon được thu thập từ các bãi rác và trên biển, sau đó được làm sạch rồi ép nhiệt nhiều lớp thành một tấm phim dẻo dai. Tiếp đó, chúng được cắt CNC thành nhiều bộ phận và đan cài thủ công vào nhau, tạo thành chiếc chao đèn mang hình dáng bầu bĩnh của những con sứa biển.

Polycycle Illumination den tai che ben vung

Ảnh: Xuanhao Li

BST khai thác tính dẻo dai linh hoạt và độ trong mờ của vật liệu làm từ rác thải màng nhựa dùng một lần khó xử lý, biến chúng trở thành những món đồ có giá trị sử dụng thay vì bị thải ra đại dương. Thông qua những đổi mới kép trong thiết kế và sản xuất, Polycycle Illumination thể hiện tiến bộ công nghệ trong thiết kế bền vững và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về nhu cầu thẩm mỹ của sản phẩm chiếu sáng lẫn trách nhiệm môi trường.

3. Bình gốm Anthropophorae: Tiếng vọng từ La Mã cổ đại

Anthropophorae binh hoa thiet ke san pham

Ảnh: Maxwell Mustardo

BST đồ gốm Anthropophorae được NTK Maxwell Mustardo tái hiện lại từ những chiếc bình hai quai La Mã cổ đại, mang những đường nét mềm mại tự nhiên và bảng màu huỳnh quang rực rỡ. Loại bỏ những hình thức trang trí cầu kỳ, NTK tập trung vào tính thô mộc của vật liệu và kết cấu bề mặt. Các thiết kế có hình dáng bất đối xứng, trông vụng về so với hình tượng những chiếc bình gốm truyền thống nhưng lại dễ tiếp cận và mang một sự gợi cảm riêng. Các sản phẩm được làm từ đất sét tổng hợp, sử dụng kỹ thuật phun cát và rửa trôi để tạo kết cấu bề mặt trông giống như rêu. Sau khi nung, chúng tiếp tục được phủ lên nhiều lớp sơn gốc PVC để tạo sự mịn màng, thú vị và bắt mắt ở vẻ ngoài sống động.

4. Culm Chair: Mạnh mẽ và dẻo dai

Thiet ke ghe Culm do noi that ghe tre

Toàn bộ các chi tiết chính và mối nối đều được làm bằng thân tre già và mài nhẵn các cạnh để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Thiet ke ghe Culm vat lieu tre

Ảnh: Shunnosuke Sannomiya

Khai thác vẻ đẹp của tre qua những đặc tính tự nhiên của nó, NTK Shunnosuke Sannomiya đã tạo ra chiếc ghế CULM cho đồ án tốt nghiệp tại trường Musashino Art University. Thiết kế có phần đơn giản nhưng được trau chuốt tinh tế trong từng chi tiết. Từ những nghiên cứu về tính chất của cây tre cũng như sự thoải mái cho người sử dụng, NTK đã lựa chọn các phần khác nhau trên thân cây dùng cho từng chi tiết của ghế, cụ thể là mặt ngồi và lưng tựa phẳng phiu còn chân ghế và các thanh ngang có đốt. Đặc biệt, linh kiện để kết nối đều được làm bằng tre, tôn vinh sự bền bỉ và linh hoạt của vật liệu.

5. Bàn The Uncomfortable: Những bữa ăn với thiết kế đầy thử thách

Mang tính ý niệm cao, chiếc bàn mang tên The Uncomfortable của nhóm thiết kế Capitalism gây ấn tượng bởi 34 chân bàn khác nhau, xuất phát từ việc ai đó ngồi phải vị trí góc bàn trong những bữa tiệc hay buổi họp mặt. Với thiết kế này, các NTK muốn đảm bảo rằng mỗi người tham gia bữa ăn đều có trải nghiệm giống nhau.

The Uncomfortable do noi that ban an

Sự thể nghiệm trong thiết kế tạo nên điểm nhấn vui mắt cho một sản phảm nội thất nghệ thuật.

The Uncomfortable do noi that ban an

Ảnh: imagen subliminal

Mặt bàn làm bằng gỗ sồi nguyên khối có chiều dài 2,75m với 34 chân khác nhau. Hơn một nửa trong số đó được chính Capitalism thiết kế và sản xuất, số còn lại được lấy từ những chiếc bàn nổi tiếng và bán chạy ở Tây Ban Nha. Sự kết hợp đa hình dáng và vật liệu này tạo ra tính cân bằng và tương phản, không hướng đến nhiều về công năng và sự tiện dụng mà thay vào đó nêu lên thông điệp về sự bất bình đẳng một cách hóm hỉnh.

6. Time-Created: Ảo ảnh của vật liệu

NTK trẻ Rikuo Takada giới thiệu BST đồ nội thất mang tên Time Created với mong muốn khai thác tiềm năng của nghề làm giấy washi truyền thống tại quê hương Fukui của mình. Những món đồ bằng gỗ có hình khối tối giản và vững chãi đầu tiên được sơn phủ một lớp mực đen Sumi, sau đó đắp bột giấy washi màu trắng bên ngoài. Bằng kỹ thuật tạo hình độc đáo, sản phẩm lúc này trông giống như những phiến đá cẩm thạch tự nhiên với những đường vân đẹp mắt và kết cấu bề mặt kích thích xúc giác.

Thiet ke Time Created do noi that ban da cam thach

Ảnh: Rikuo Takada

Bài: Hoàng Lê | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Đồ nội thất gỗ burl: Những đường vân độc đáo

Thiết kế đồ nội thất kết hợp giữa ý niệm và kỹ nghệ

Căn hộ Đài Trung: Khu vườn thiết kế của nhà sưu tập đồ nội thất