Với lịch sử hình thành từ lâu đời, chiếc khăn bàn linen đầu tiên xuất hiện cách đây 2000 năm từ thời Đế chế Carthage tại Bắc Phi. Việc sử dụng khăn để trải bàn xuất phát từ thói quen của những thực khách. Họ luôn mang theo một chiếc khăn vải linen nhỏ để đựng đồ ăn thừa. Sau khi thủ đô Carthage bị đánh chiếm, người La Mã đã kế thừa thói quen sử dụng khăn lau và cải tiến chúng. Trong mỗi bữa ăn, mỗi thực khách đều được phục vụ ba chiếc khăn khác nhau, một chiếc dùng để gói đồ ăn thừa, chiếc thứ hai dùng để lau tay và mặt, chiếc cuối cùng dùng để buộc quanh cổ để bảo vệ quần áo.
Trước thời kỳ Trung Cổ, các nguyên tắc ứng xử trên bàn ăn khá đơn giản và tùy tiện. Họ dùng tay không để ăn súp từ bát chung, chia sẻ cốc, chén và cả dao, thìa với người chung bàn ăn. Chưa có khái niệm rõ ràng về khăn trải bàn và khăn ăn, những chiếc khăn đều được dùng để xì mũi, lau tay và dụng cụ ăn uống. Tuy nhiên, thói quen này đã được thay đổi bởi sự ra đời của vải lanh gấm hoa (linen damask). Từ “Damask” vốn có nguồn gốc từ thành phố Damascus ở Syria – một vùng đất quan trọng của Đế quốc Byzantine và nằm trên con đường tơ lụa nổi tiếng. Sau khi chiếm lĩnh xứ Syria, quân thập tự chinh đã lấy kỹ thuật dệt duyên dáng này và lan truyền nó rộng rãi khắp Châu Âu. Nó trở thành một công cụ xa xỉ để phô bày tiền bạc cho giới hoàng gia, quý tộc và các tăng lữ, loại vải này được ưa chuộng rộng rãi và ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen ăn uống, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu. Dần dà, mỗi người đều được phát dụng cụ ăn uống riêng biệt, những món đồ bằng bạc, sành sứ đắt tiền sẽ được trưng bày trên chiếc khăn gấm lanh quý giá.
Vào thế kỷ XVIII, các hộ gia đình giàu có ngày càng chú ý nhiều hơn đến nội thất trong nhà. Họ có một khu vực phòng ăn riêng biệt, nơi chiếc bàn được bày biện bằng những món đồ nội thất bằng vải gấm hoa, pha lê, bát đĩa sành sứ và dụng cụ ăn uống bằng bạc quý giá. Việc bày biện những tấm khăn trải bàn bằng vải đắt tiền và lộng lẫy là một trong những cách phô trương tài sản lúc bấy giờ. Vào khoảng năm 1900, của hồi môn của một cô gái sắp lấy chồng sẽ bao gồm hơn một trăm tấm khăn trải bàn bằng vải linen.
Ngày nay, mọi người thường dùng một đến hai chiếc khăn nhỏ trên bàn ăn. Nhưng trong quá khứ, có rất nhiều loại khăn khác nhau được phân loại, như khăn lau bát đĩa, khăn lau dao, khăn dùng cho các món thủy tinh, khăn lau nước và khăn vệ sinh. Vì thế nên mới xuất hiện một loại khăn có chữ in sẵn khác nhau, dành cho từng loại công việc nhà, thuận tiện để sử dụng và tránh nhầm lẫn. Vào khoảng năm 1930, vải linen trắng là tiêu chuẩn của khăn trải bàn. Những năm sau đó, các màu mới được bổ sung, như hồng, vàng và xanh lá cây. Đến năm 1960, linen là một chất liệu đáng giá của mỗi hộ gia đình. Tuy nhiên, vì chất liệu tổng hợp và cotton có giá thành phải chăng hơn, người ta dần dần quên lãng vải linen trong một quãng thời gian. Thế nhưng, nhờ những đặc điểm nổi trội của mình, linen vẫn có chỗ đứng.
Những ưu điểm của linen bao gồm:
- Dễ hút ẩm và nhanh khô.
- Linen không có lông tơ nên thường được dùng lau khô kính.
- Linen là một trong những loại sợi dệt tự nhiên chắc chắn nhất.
- Có tác dụng sát khuẩn tự nhiên nên vải linen rất vệ sinh và an toàn, đặc biệt cho trẻ nhỏ.
Một chiếc khăn trải làm từ vải linen nguyên chất kết hợp với các chi tiết xếp hoặc thêu cầu kỳ sẽ giúp bàn tiệc trở nên trang trọng và cuốn hút hơn. Vải linen không cần phải ủi gấp quá gọn gàng và tỉ mỉ, chính những nếp nhăn trên bề mặt mới là yếu tố tạo nên linh hồn của chất vải. Nếu bảo quản đúng cách, một tấm khăn bàn vải linen có thể sử dụng được nhiều năm. Dưới đây là một số mẫu khăn bàn linen ELLE Decoration chọn.
Khăn Embroidered Linen Blend
Sự kết hợp hoàn hảo giữa màu cam đất với chi tiết thêu màu be từ chiếc khăn bàn của Zara Home mang đến sự sang trọng và thanh lịch cho bàn tiệc.
Khăn Sashiko
Nghệ nhân Malaika đã tạo ra bộ khăn bàn linen được trang trí bằng những mũi thêu Sashiko đơn giản nhưng sang trọng, thể hiện dấu ấn thủ công tỉ mỉ trên bàn ăn.
Khăn Gregory Parkinson Paprika Melon Spice
Với sự pha trộn giữa những màu sắc nổi bật gồm: xanh lam đậm, mù tạt và tím rasberry, mẫu khăn bàn đến từ Gregory Parkinson mang đến một cảm giác tươi vui và ấm cúng cho những bữa tiệc, đặc biệt trong mùa lễ hội.
Khăn Magic Linen
Điểm nhấn mộc mạc từ tông màu nâu quế ấm áp kết hợp cùng chất liệu thô sờn của linen từ chiếc khăn này phù hợp với những bữa tiệc hội họp gia đình ấm cúng và thân mật.
Khăn họa tiết Palma
Mang âm hưởng của vùng nhiệt đới, họa tiết cây cọ trên chiếc khăn bàn của nhà thiết kế thời trang Johanna Ortiz, đã đem tới cảm giác mùa hè sôi động với hàng loạt những lễ hội nhộn nhịp trên bãi biển.
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm
Bàn trà: Từ cổ điển đến hiện đại đầy màu sắc