Gỗ carbon hóa: Vật liệu Nhật Bản chinh phục kiến trúc thế giới

Là vật liệu phổ biến có tính thẩm mỹ và bền bỉ cao, gỗ carbon hóa sử dụng kĩ thuật truyền thống Yakisugi đã được công nhận và áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.

Khi nhắc về kiến trúc Nhật Bản, đất nước từ lâu đã đóng vai trò là nguồn cảm hứng văn hóa và công nghệ, nhiều người nghĩ ngay đến những tính từ như di sản, bản địa, tối giản và hài hòa. Các kỹ thuật nổi tiếng của người Nhật đã vươn xa khỏi biên giới quốc đảo, thu hút sự quan tâm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kỹ thuật thủ công đến đổi mới kỹ thuật số, và không thể thiếu xử lý vật liệu cho kiến trúc. Trong số đó có Shou Sugi Ban (còn được gọi là Yakisugi), hiện có độ tuổi hơn 300 năm. Xuất hiện lần đầu tiên trên đảo Naoshima, đây là kĩ thuật xử lý gỗ được sử dụng trong xây dựng các làng chài truyền thống, với mục tiêu bảo vệ vật liệu khỏi tác hại do khí hậu gây ra.

gỗ cacbon hoá 1

Weekend House ở Kirishima. Ảnh: Shigeo Ogawa

Quy trình diễn ra trên lớp ngoài của những cách cửa hay vách tường gỗ bằng phương pháp đốt trên lửa. Nghe có vẻ lạ nhưng bằng cách thức này, gỗ trở nên bền bỉ hơn, có thể chống được mối, nấm và các phản ứng tự nhiên khác làm hư gỗ trong nhiều thập kỉ. Với hiệu quả độc đáo này, kĩ thuật đốt gỗ đã được nghiên cứu sâu hơn về quá trình carbon hóa, làm lan rộng quy mô sử dụng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Quá trình carbon hóa gỗ hoạt động như thế nào và lợi ích của chúng là gì?

Quy trình về cơ bản bao gồm bốn bước, bắt đầu bằng việc đốt gỗ, được thực hiện trước khi lắp đặt hoặc áp dụng trực tiếp vào bề mặt công trình. Sau đó, bề mặt được mài nhẵn bởi một loại đá mài đặc biệt giúp loại bỏ lớp carbon trên cùng và tạo cho vật liệu một vẻ ngoài mới. Gỗ sau khi được xử lý sẽ có màu đen với lớp chống thấm đặc biệt, sử dụng dầu tuyết tùng để đảm bảo khả năng chống chịu cao hơn. Cuối cùng, bề mặt được phủ thêm một lớp chất nhằm  Lớp cuối cùng của bề mặt là một lớp chất có khả năng bọc bề mặt, ngăn những vết bẩn từ than cháy.

gỗ cacbon hoá 2

Hualle House. Ảnh: Felipe Fontecilla

Cấu trúc  chủ yếu của gỗ là lignin và hemi-cellulose carbohydrate. Khi bề mặt bị cháy thành than, lớp cellulose bị cháy theo làm mặt gỗ có khả năng chống lại nhiều loại côn trùng, thời tiết và phai màu, bất kể loại khí hậu nào. Nó cũng có khả năng chống nước cao  vì các lỗ khí bắt đầu co và đóng lại khi bị đốt cháy, gỗ sẽ khó thấm và hút nước hơn bình thường. Và vì lý do tương tự, gỗ carbon hóa cũng có khả năng chống cháy do lớp ngoài mềm hơn của nó được thay thế bằng một lớp carbon mới, ổn định lâu dài.

Gỗ carbon hoá_1

Forest Retreat. Ảnh: Jan Kuděj

Tất cả những điều kiện này làm cho gỗ được xử lý theo kỹ thuật Yakisugi trở nên cực kỳ bền trong các bối cảnh và khí hậu khác nhau. Như Satoshi Kimura, giám đốc điều hành của công ty Japan Yakisugi có trụ sở tại Nhật Bản giải thích, kỹ thuật này giúp gỗ có thể tồn tại từ 80 đến 90 năm khi được bảo trì đúng cách. Trên thực tế, chúng ta vẫn có thể thấy một số ngôi nhà cổ của Nhật Bản với hơn 120 năm tuổi, trong khi vách ngăn bằng gỗ truyền thống được biết là có tuổi thọ trung bình khoảng 20 đến 50 năm. Ngoài độ bền vượt trội, sự phổ biến của gỗ carbon hóa còn được thúc đẩy bởi vẻ đẹp tự nhiên, kết hợp giữa hiện đại và thanh lịch, bổ sung chất lượng thẩm mỹ mạnh mẽ cho bất kỳ dự án nào.

Kỹ thuật Yakisugi 1

Hualle House. Ảnh: Felipe Fontecilla

Nghệ thuật Yakisugi và sự phổ biến ngày càng tăng của nó trong kiến ​​trúc đương đại

Tại sao một kỹ thuật cổ xưa như vậy chỉ mới trở nên phổ biến ở thế giới phương Tây trong thời gian gần đây? Trước đây, gỗ carbon hóa chỉ được sử dụng trong các công trình bản địa. kiến ​​trúc sư Nhật Bản Terunobu Fujimori được ghi nhận vì đã áp dụng quy trình carbon hóa gỗ với những đổi mới. Các công trình của ông đã giúp Yakisugi được biến đến nhiều hơn, lan rộng nó ra ngoài biên giới Nhật Bản. Ngày nay, các công ty vật liệu quốc tế như WoodArch của Chile thực hiện quy trình này trong các dự án đương đại, mô phỏng lại và mang đến cho nghề thủ công Nhật Bản một giá trị mới. Andrés de Solminihac, Đối tác quản lý của WoodArch cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm, vì nhiều kiến ​​trúc sư hiểu biết về gỗ rất hào hứng với những lợi ích về độ bền của gỗ đốt.”

gỗ cacbon hoá 3

RT Residence. Ảnh: Pedro Kok

Gỗ carbon hóa ngày nay đã được sử dụng một cách rộng rãi trong các công trình từ dân dụng cho đến văn phòng, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở các quốc gia khác với các đặc tính về khí hậu khác nhau.

Weekend House ở Kirishima, thiết kế bởi EAL (Nhật Bản)

Ngôi nhà sử dụng ván gỗ tuyết tùng carbon hóa làm lớp ốp bên ngoài. Quy trình Yakisugi được thực hiện thủ công, mang lại vẻ ngoài truyền thống nhưng hiện đại, thể hiện sự tương tác đầy mê hoặc của các sắc thái tương phản, gợi lên cảm giác về chiều sâu và sự tinh tế.

gỗ cacbon hoá 4

Ảnh: Shigeo Ogawa

Platform House thiết kế bởi studioplusthree (Úc)

Cấu trúc hình tam giác đặc biệt của Platform House được ốp bằng gỗ cháy làm nổi bật hình dạng của khối và tương phản với phần còn lại của công trình. Kiến trúc sư Simon Rochowsky cho biết: “Chúng tôi đã chọn Shou Sugi Ban để thực hiện phần ngoại thất ít phải bảo trì nhưng cũng có lớp gỉ tự nhiên và kết cấu có thể thay đổi rất tinh tế theo thời gian.”

gỗ cacbon hoá 5

Ảnh: Brett Boardman

RT Residence thiết kế bởi Jacobsen Arquitetura (Brazil)

Các lớp hoàn thiện chính trong dinh thự hiện đại này là gỗ cháy và đá cẩm thạch travertine. Mặt ngoài tối màu hoàn thiện bảng màu tự nhiên của khu nhà, bổ sung cho cảnh quan bãi biển xanh tươi đặc trưng của khu phố Laranjeiras của Brazil.

gỗ cacbon hoá 6

Ảnh: Pedro Kok

Cabin Shangri-la thiết kế bởi DRAA + Magdalena Besomi (Chile)

Nằm trong khu rừng tự nhiên của Coihueco Chile, nội thất của căn nhà gỗ trên núi này được ốp bằng các tấm ván gỗ từ cây địa phương, trong khi bên ngoài có các tấm ván thông cháy được xử lý theo phương pháp Yakisugi.

gỗ cacbon hoá 7

Ảnh: Felipe Camus

Trụ sở ASI Reisen thiết kế bởi Snøhetta (Áo)

Lớp ngoài của tòa nhà văn phòng làm bằng gỗ được đốt cháy nhẹ, mang đến vẻ ngoài mộc mạc tự nhiên, đồng thời giải quyết được các vấn đề về thấm nước, mối mọt.

Kỹ thuật Yakisugi 2

Ảnh: Christian Flatscher

Hualle House thiết kế bởi Ampuero Yutronic (Chile)

Ở vùng Araucania phía nam Chile, Hualle House được ốp bằng những thanh gỗ mềm carbon hóa thẳng đứng giống với một số tòa nhà trong khu vực được bao phủ bởi đá núi lửa đen của vùng.

Gỗ carbon hoá_9

Ảnh: Felipe Fontecilla

Nhà nghỉ hè Kuku-Ranna thiết kế bởi Công ty kiến ​​trúc Eek & Mutso (Estonia)

Công trình có cấu trúc như chiếc lều tối giản có mặt tiền bằng gỗ với lớp hoàn thiện Yakisugi hài hòa với những gốc thông xung quanh. Các mặt bên có kết cấu bị cháy đen trong khi lớp than trên các bề mặt dốc có ,màu xám do đã được rửa trôi một phần.

gỗ cacbon hoá 8

Ảnh: Toomas Tuul

Văn phòng gỗ cháy (Luxembourg)

Đúng như tên gọi của nó, lớp vỏ ngoài của tòa nhà văn phòng được làm bằng bằng gỗ thông của khu vực được làm cháy, có khả năng chịu lực và hài hòa với các mảng tối đặc trưng nổi bật ở quận Bonnevoie, Luxembourg.

Gỗ carbon hoá_11

Ảnh: STEINMETZDEMEYER

La Dacha Mountain Hut (Chile)

Nằm giữa khu rừng có góc nhìn ra khu phức hợp núi lửa Nevados de Chillan đầy ấn tượng, La Dacha Mountain Hut sử dụng các tấm ván gỗ lá kim đã đốt cháy giúp cách nhiệt hiệu quả.

gỗ cacbon hoá 9

Ảnh: Nico Saieh

Villa gỗ Meijendel (Hà Lan)

Mặt tiền đen kịt của công trình có thể thay đổi theo ánh sáng: gần như vô hình vào ban đêm giữa bìa rừng tối và óng ánh dưới ánh nắng mặt trời vào ban ngày.

Kỹ thuật Yakisugi 4

Ảnh: Christian van der Kooy

Thực hiện: My Lương | Theo: Archdaily


Xem thêm

Những lưu ý khi chọn đồ ngoại thất

Ý tưởng bồn cầu bền vững với chất liệu từ gỗ vụn

Đồ cổ trong không gian mới: Xu hướng mới lên ngôi