Dấu ấn kiến trúc trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel

Kiến trúc trong các bộ phim siêu anh hùng của Marvel với những bối cảnh hoành tráng kết hợp giữa nghệ thuật, công nghệ và cốt truyện đã phản ánh bản sắc văn hóa, sức mạnh và tư duy của thế giới mà nó đại diện.

Vũ trụ Điện ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universe – MCU) là một trong những thương hiệu phim siêu anh hùng thành công nhất của điện ảnh Mỹ. Được Marvel Studios xây dựng từ những bộ truyện tranh của Marvel Comics, loạt phim đưa khán giả vào cuộc hành trình chống lại cái ác gay cấn. Trong đó, kiến trúc và bối cảnh là yếu tố chủ đạo để tạo ấn tượng thị giác, góp phần định hình tính chân thực của cốt truyện, đồng thời tác động đến cách nhân vật và khán giả tương tác với thế giới giả tưởng rộng lớn.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU

Concept cho Jabari Land trong Black Panthern của hoạ sĩ 3D Till Nowak. Ảnh: Nexus Studio

dien anh Cinematic Universe MCU

Một phân đoạn trong Doctor Strange. Ảnh: Marvel

Iron Man

Một trong những bộ phim mở đầu của MCU – Iron Man – kể về Tony Stark, một tỷ phú thiên tài có chất ngông và một nhà từ thiện. Với khả năng phát minh xuất chúng, Tony bị bắt cóc và ép chế tạo vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên, thay vì khuất phục, anh đã bí mật tạo ra một bộ giáp công nghệ cao, giúp mình trốn thoát và đặt nền móng cho hành trình trở thành siêu anh hùng Iron Man. Nằm trên vách đá ven biển California, dinh thự của Tony Stark là biểu tượng hoàn hảo của sự xa hoa và hiện đại. Đây vừa là nhà, vừa là phòng thí nghiệm cá nhân của nhân vật chính, được thiết kế với kết cấu thép không gỉ, kính, bê tông và các bề mặt tương tác thông minh.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Iron Man

Những phác thảo chì nghiên cứu cấu trúc hữu cơ đồ sộ của ngôi nhà với khối nhà hình đĩa nhô khỏi vách đá. Ảnh: Phil Saunders

dien anh Cinematic Universe MCU Iron Man

Kiến trúc của căn biệt thự lấy cảm hứng từ Razor House ở La Jolla do kiến trúc sư theo trường phái hiện đại Wallace E. Cunningham thiết kế. Ảnh: Marvel

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Iron Man

Ngoài tầm nhìn hướng biển, Razor House còn có vị trí thuận lợi gần các địa điểm nổi tiếng như sân golf Torrey Pines, trường đua Del Mar Racetrack, và nhà hát La Jolla Playhouse – biến nơi đây trở thành biểu tượng của đẳng cấp và phong cách sống thượng lưu. Ảnh: Wallace Cunningham

Mặc dù công trình thực tế được hoàn thành sau đó vào năm 2011, phần nội thất của nó đã được sử dụng làm bối cảnh cho biệt thự của Tony Stark trong loạt phim Iron Man. Nơi đây đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, từ cảnh chế tạo bộ giáp Iron Man đầu tiên, trận đấu giáp trụ với War Machine, cho đến khi bị phá hủy. Dĩ nhiên, đó chỉ là số phận của biệt thự trong phim, còn Razor House thực tế đã được bán với giá 20,8 triệu USD, tiếp tục trở thành một trong những kiệt tác kiến trúc đắt giá nhất tại California.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Iron Man

Trong phim, trí tuệ nhân tạo J.A.R.V.I.S. chịu trách nhiệm điều khiển toàn bộ hệ thống trong nhà, bao gồm quản lý ánh sáng, an ninh, dữ liệu và hỗ trợ Tony trong quá trình chế tạo giáp. Ảnh: Marvel

Thor

Lấy bối cảnh tại vương quốc huyền bí Asgard, loạt phim kể về hành trình kế vị ngai vàng của Thor từ vua cha Odin, vị thần tối cao của thần thoại Bắc Âu, và những thử thách mà anh phải đối mặt, bao gồm việc bị trục xuất xuống Trái Đất trước khi có thể đăng quang. Giống như nhiều bộ phim khác trong MCU, Thor khéo léo kết hợp giữa thực tế và tưởng tượng, tạo nên một thế giới vừa kỳ ảo vừa có chiều sâu. 

dien anh Cinematic Universe MCU Thor

Asgard được mô tả như một hành tinh nhỏ, phẳng, trôi nổi giữa vũ trụ, là nơi sinh sống của các vị thần, người ngoài hành tinh và những sinh vật có hình dạng tương tựa con người. Ảnh: Marvel

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Thor

Thành trì Asgard, nơi ở của gia đình hoàng gia, là một trong những bối cảnh nổi bật nhất của bộ phim.nội thất sử dụng rất nhiều màu vàng, cột, hình khối đồ sộ và chi tiết trang trí choáng ngợp.

Bản chuyển thể của Asgard trong Thor mang dấu ấn La Mã và Kitô giáo hơn thần thoại Bắc Âu thuần túy. Trong thần thoại Bắc Âu, các vị thần không phải là những thực thể toàn năng hay đáng sợ như thần linh trong thần thoại La Mã hay Kitô giáo. Thay vào đó, họ gần gũi với con người, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa, và những sự kiện giống như con người thường ngày. Trái lại, trong thế giới của Marvel, các Asgardian – đặc biệt là Loki – vẫn bị mắc kẹt trong tư duy của một thời đại khi họ từng được loài người tôn thờ và khiếp sợ. Odin dù thừa nhận sự tương đồng giữa Asgardian và con người, vẫn giữ quyền uy tối cao với Chín Cõi và mong muốn được kính trọng như trên Asgard.

dien anh Cinematic Universe MCU Thor

Tổng quan thành trì Asgard. Ảnh: Marvel

Một điểm thú vị của bộ phim là trang phục của người Asgard trong Thor có nét giống với y phục La Mã và Hy Lạp cổ đại hơn là trang phục của người Bắc Âu. Những bộ áo choàng dài gần với toga của La Mã hoặc áo dài Hy Lạp, vốn không phù hợp với khí hậu lạnh giá của vùng Bắc Âu. Đồng thời, nó cũng gợi nhắc đến một điểm bất hợp lý khi so sánh với những vũ trụ viễn tưởng khác như Dune, Star Wars hoặc Blade Runner, ví dụ: người Arrakis trong Dune (tương tự với hành tinh Tatooine trong Star Wars) luôn mặc một bộ đồ bảo hộ chống nắng, bụi và sống trong những công trình đơn giản. Với Blade Runner, thành phố Los Angeles năm 2019 luôn đắm mình trong những màn mưa, vậy nên bối cảnh chính sẽ gồm các nhân vật trong bộ áo khoác nhựa, cầm theo ô và những chiếc xe hơi lơ lửng.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Thor

Trang phục của người dân Asgard. Ảnh: Marvel

Hoàng cung Asgard trong phim không mang kiến trúc thuần Bắc Âu mà lai tạp giữa phong cách La Mã, Hy Lạp, Ai Cập và cả kiến trúc nhà thờ Trung Cổ. Những hàng cột lớn trong cung điện gợi nhớ đến đền thờ La Mã hoặc nhà thờ Gothic thay vì kiến trúc Bắc Âu, vốn sử dụng gỗ làm vật liệu chính để xây dựng. Trong khi đó, các cột đá cao và hành lang dài là yếu tố không phổ biến trong kiến trúc Bắc Âu do tài nguyên đá khan hiếm. 

dien anh Cinematic Universe MCU Thor

Một ví dụ về chạm khắc gỗ của Bắc Âu. Ảnh: Wikipedia

Tuy kiến trúc mang nặng ảnh hưởng La Mã, các họa tiết trang trí trong chánh điện lại lấy cảm hứng từ nghệ thuật Celtic. Dù có sự giao thoa giữa người Viking và người Celtic, các họa tiết này chủ yếu gắn liền với nghệ thuật Hiberno-Saxon (hay còn gọi là Insular art) thay vì các vị thần Bắc Âu. Các hoa văn dạng nút thắt xuất hiện khắp nơi, đặc biệt trên ngai vàng của Odin, mô phỏng những bảo vật còn sót lại của nền văn hóa Bắc Âu cổ.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Thor

Đai lưng với hoạ tiết Celtic, được trưng bày tại British Museum. Ảnh: Wikipedia

dien anh Cinematic Universe MCU Thor

Hiện vật có tuổi đời 900 năm sau Công Nguyên, là ngai vàng của Odin. Ảnh: Wikimedia Commons

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Thor

Ngai vàng của Odin trong “Thor (2010)”. Ảnh: Marvel

Black Panther

MCU đã thành công trong việc tái hiện một thế giới viễn tưởng dựa trên văn hóa châu Phi, thay vì áp đặt những ảnh hưởng từ phương Tây như cách họ làm với Asgard. Kiến trúc của Wakanda có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống của châu Phi và thiết kế hiện đại, lấy cảm hứng từ các công trình của kiến trúc sư Zaha Hadid, đặc biệt là Dongdaemun Design Plaza (DDP) ở Seoul và Wangjing SOHO ở Bắc Kinh. Các tòa nhà này có những đường cong mềm mại, trừu tượng, làm liên tưởng đến thiên nhiên nhưng vẫn mang vẻ ngoài tân tiến. 

dien anh Cinematic Universe MCU Black Panther marvel

Vương quốc Wakanda trong Black Panther. Ảnh: Marvel

Theo giải thích của nhà thiết kế bối cảnh Hannah Beachler, kiến ​​trúc truyền thống của Châu Phi là khởi đầu cho kiến ​​trúc và quy hoạch đô thị của Wakanda, kết hợp với công nghệ, tự động hóa và đổi mới tiến bộ do đất nước này có nguồn Vibranium dồi dào. Để tạo ra Wakanda, Hannah đã đi khắp Châu Phi và Hàn Quốc để nghiên cứu về con người, kiến ​​trúc và địa lý, đồng thời quan sát thói quen và lối sống của các bộ lạc khác nhau. 

Thành phố của Wakanda không giống như các siêu đô thị, mà có sự phân tầng hài hòa giữa những tòa tháp mang hơi hướng Art Nouveau hoặc Futurism, cùng những công trình tầm trung màu ấm và các túp lều lợp mái cỏ xanh. Vị trí con sông uốn lượn qua trung tâm thủ đô Birnin Zana rộng lớn với những tòa nhà cao tầng của Wakanda được lấy cảm hứng trực tiếp từ dãy núi Maluti bao quanh Vương quốc Lesotho ở Nam Phi.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Black Panther

Quy hoạch của thủ đô Birnin Zana lấy cảm hứng từ Nairobi – nơi vốn hạn chế đô thị hoá nhằm tránh ảnh hưởng đến những khu bảo tồn thiên nhiên. Ảnh: Marvel

Khu phức hợp Citadel là nơi ở của những người cai trị Wakanda, lấy cảm hứng từ nhà thờ Hồi giáo Djenné và Djinguereber. Cả ba phần nhô ra được gọi là “toron”, được sử dụng để duy trì tòa nhà, tăng khả năng gia cố tương tự như cốt thép bê tông, và đồng thời cũng là một yếu tố trang trí. Hai tòa tháp chính của công trình, được kết nối bằng một cây cầu trên không, gợi nhớ đến các tháp nhọn được tìm thấy trên những nhà thờ Hồi giáo. 

dien anh Cinematic Universe MCU Black Panther

Khu phức hợp Citadel. Ảnh: Marvel

Có thể chúng ta đã thấy hoặc xem qua rất nhiều thành phố “Utopia” với những toà nhà cao vút và hệ thống giao thông trên không chằng chịt, nhưng xét theo khía cạnh tổng quan, đô thị Wakanda là một kiểu mẫu mới theo hướng Afro-futurism. Trong đó, kiến trúc truyền thống của Châu Phi là cốt lõi chính, từ đó mở rộng ra các thiết kế đương đại, tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa hình dạng và chi tiết.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Black Panther

Ảnh: Nexus Studio

dien anh Cinematic Universe MCU Black Panther

Ảnh: Marvel Studio

Guardians of the Galaxy

Câu chuyện của bộ phim xoay quanh một nhóm kẻ lạc loài ngoài hành tinh đang chạy trốn sau khi đánh cắp một quả cầu quyền năng và bất đắc dĩ phải hợp lực để giải cứu thiên hà của chính họ. Giống như hầu hết các bộ phim lấy bối cảnh tương lai, Guardians of the Galaxy mang đến nhiều yếu tố hấp dẫn cho những ai đam mê thiết kế bối cảnh và kiến trúc. Đội ngũ thiết kế đã đầu tư rất nhiều công sức để tạo ra không gian điện ảnh ấn tượng trong bộ phim này, từ nhà tù The Kyln được thiết kế dựa trên triết lý Panopticon, hành tinh Xandar với các công trình lấy cảm hứng từ kiến trúc của Santiago Calatrava, cho đến chiến hạm Dark Aster mang dáng dấp của một mộ phần. 

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

Cấu trúc hình trụ 360o của nhà tù Kyln cần gần 100 tấn thép cho không gian ba tầng và sau đó được mở rộng thêm khoảng 60m trong giai đoạn hậu kỳ. Ảnh: Marvel

dien anh Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

Mặt bằng bố trí đèn trong set quay tại The Kyln. Ảnh: Theasc

Nhà tù không gian The Kyln là nơi nhóm Guardians lần đầu gặp nhau. Bối cảnh được xây dựng trên sân khấu dài 90m tại Longcross Film Studios, một cơ sở xây dựng và thử nghiệm xe tăng trước đây của Bộ Quốc phòng tại Hạt Surrey miền Đông Nam nước Anh. Bối cảnh bao gồm một hệ thống đường hầm nhiều tầng được lót bằng các phòng giam dẫn đến sân chính được neo ở giữa bằng một tháp canh bốn tầng. Thiết kế của nơi này lấy cảm hứng từ Panopticon, một hệ thống kiểm soát do nhà triết học người Anh Jeremy Bentham phát triển, có thể được mô tả là một triết lý thiết kế cho phép giám sát tất cả tù nhân chỉ bằng một lính canh duy nhất, trong khi các tù nhân không thể biết liệu mình có đang bị theo dõi hay không. Cách tổ chức không gian hướng tâm này thường được sử dụng để trấn áp tinh thần, từ đó tù nhân buộc phải tự điều chỉnh hành vi của mình, ngay cả khi không có ai quan sát thực sự.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

Một mô hình cơ bản của Panopticon, các phòng giam được bố trí theo hình vòng cung quanh tháp, với mặt trước là song sắt để cai ngục có thể nhìn thấy từng tù nhân. Ảnh: Space on space

dien anh Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

Đây là một trong những bối cảnh lớn nhất được xây dựng trong quá trình sản xuất bộ phim. Sau đó, bối cảnh này được biến đổi thành phòng thí nghiệm của The Collector, còn gọi là bảo tàng của Taneleer Tivan.

Hành tinh Xandar trong bộ phim nổi bật với vẻ đẹp hiện đại, mang đậm dấu ấn của kiến trúc sư Santiago Calatrava. Những công trình phản ánh sự hòa quyện giữa công nghệ và thiên nhiên, với các đặc điểm thiết kế nổi bật như kết cấu bê tông trắng tinh khiết, khung thép, và các vòm kính lớn uốn lượn mềm mại. Những yếu tố này gợi nhớ đến các công trình nổi tiếng của Santiago Calatrava, như nhà ga Liège-Guillemins ở Bỉ, nơi có các vòm thép tinh tế và mái che kính mang tính biểu tượng, hay Ciudad de las Artes ở Valencia, nơi những công trình tương lai tạo ra một không gian mở và thu hút ánh sáng tự nhiên. 

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

Phần giới thiệu của bộ phim cho thấy hầu hết các công trình trên Xandar đều lấy cảm hứng từ các tác phẩm của kiến ​​trúc sư người Tây Ban Nha nổi tiếng Santiago Calatrava. Ảnh: Marvel

Thiết kế của Xandar sử dụng những nguyên vật liệu này để tạo nên một không gian tráng lệ, nhưng vẫn rất thanh thoát và tinh tế, kết hợp giữa thẩm mỹ hiện đại và thiên nhiên mời gọi. Những công trình này là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của hành tinh, đồng thời là yếu tố nổi bật trong xây dựng bối cảnh vũ trụ của Guardians of the Galaxy, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ với những môi trường tối tăm và hủy diệt khác. Chính sự kết hợp giữa các yếu tố kiến trúc này đã khiến Xandar trở thành một xứ sở tươi sáng và đầy hy vọng, đồng thời tạo ra một hình ảnh đối lập rõ rệt với sự tàn phá mà Ronan muốn mang đến cho nó.

dien anh Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

Trước đó, ga xe lửa Liege cũng đã xuất hiện trong các bộ phim như The Fifth Estate (2013) của Bill Condon có sự tham gia của Benedict Cumberbatch và Lorna’s Silence (2008). Ảnh: Marvel

Ngoài ra, một trong những yếu tố kiến trúc ấn tượng nhất trong Guardians of the Galaxy là Knowhere, trạm khai thác được mô tả như cái đầu bị chặt đứt của một sinh vật thiên thể cổ đại. Framestore, đội ngũ VFX chịu trách nhiệm thực hiện Guardians of the Galaxy, đã xây dựng Knowhere với 250 mô hình độc đáo của các tòa nhà, ống dẫn, lan can và đèn, được lắp ráp thành một thế giới 1,2 tỷ đa giác. Nhóm thực hiện cho biết rằng cấu trúc này cực kỳ phức tạp vì lượng hình học khổng lồ cần được chứa đựng trong một không gian. 

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

Ảnh: Marvel

dien anh Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

Theo thông tin, đạo diễn và nhóm thiết kế sản xuất đã lấy cảm hứng từ hình ảnh của những thị trấn khai thác công nghiệp bẩn thỉu để tạo nên không khí cho bối cảnh nơi này, đặc biệt quán bar Boot of Jemiah. Ảnh: Marvel

Con tàu của Ronan – The Dark Aster, được cho là lấy cảm hứng từ một lăng mộ. Đạo diễn James Gunn đã chia sẻ về thiết kế này: “Đó là một khối không gian tối giản và tàn bạo, một thế giới xám xịt đơn điệu không có bất kỳ trang trí nào, hoàn toàn phụ thuộc vào lối diễn giải nặng nề như bê tông để truyền tải tâm trạng và chức năng của nó.” Cấu trúc này có thể so sánh với những công trình của các chế độ phát xít hay Liên Xô, thường xuất hiện trong các bộ phim tương lai u ám như Equilibrium với sự tham gia của Christian Bale.

dien anh Marvel Cinematic Universe MCU Guardians of the Galaxy

The Dark Aster nổi bật với hình khối kiến trúc brutalist lạnh lẽo. Ảnh: Marvel

Thực hiện: Vân Thảo


Xem thêm: 

Bối cảnh Emily in Paris 4: Những bước ngoặt mới bất ngờ

Bối cảnh nghệ thuật trong phim The Taste of Things

Bối cảnh siêu thực trong phim Poor Things