Mimi Nguyễn Hoàng Lan – Vừa đủ, đẹp và nữ tính

“Bạn không nên có một chiếc xe hơi quá xịn trong khi thiếu một ngôi nhà đẹp và ấm cúng. Bạn không nên ăn mặc quá sang trọng, quý phái trong khi bạn không sống trong một ngôi nhà đạt đẳng cấp với phong cách ăn mặc của bạn” – những chia sẻ thú vị của Hoàng Lan về không gian sống của mình ở Prague, Cộng hòa Séc.

Mimi Nguyễn Hoàng Lan là NTK thời trang, sáng lập và sở hữu thương hiệu La Femme MiMi từ 2008, chuyên thiết kế quần áo phụ nữ, túi xách cho thị trường thời trang cao cấp tại Séc và các thành phố thuộc châu Âu như Vienne, Munchen, Amsterdam, Berlin… Đồng thời cũng là chuyên gia tư vấn về trang phục cho các công ty tại Prague, kiêm luôn việc thiết kế ghế sofa cho Funiture Polstrin. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong gia đình cả ba mẹ đều là họa sĩ, nhưng thời bé, Hoàng Lan từng ước rằng: “Tôi ước là con nhà bán phở (bởi tôi rất thích ăn phở), hoặc mẹ bán hàng trong chợ Đồng Xuân (vì đông vui), chứ có cả ba mẹ đều là họa sĩ thì không đơn giản chút nào, bởi hồi bé khi ba mẹ giải thích cho tôi một vấn đề gì đấy về nghệ thuật, thường tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng đó lại là điều may mắn, tôi thật sự biết ơn bố mẹ đã cho tôi được làm quen với nghệ thuật từ bé, làm quen với màu sắc, cách pha màu và phối hợp mọi vật xung quanh để tạo nên sự hài hòa, nhờ đó tôi có được một kiến thức cơ bản về cái Đẹp và phong cách nhìn nhận cái Đẹp”.

Bộ bàn ăn của Thonet, tường bếp gạch mosaic của họa sĩ Jiri Kilanek, sàn gỗ nguyên thủy từ năm 1905

Các bộ ấm trà của gia đình Jakub từ năm 1900-1920, quà cưới của ông bà cho vợ chồng Mimi được trưng bày và sử dụng hàng ngày cùng gốm Bát Tràng. Trên tường là BST đĩa cổ của nữ chủ nhân. Đồng hồ treo tường hiệu Barometer của CH Séc được sản xuất từ năm 1900 và vẫn được gia đình dùng cho đến ngày nay. Tác phẩm “Design Subject Flowerpot” bằng thủy tinh của NTK Jakub Berdych (qubus.sz).

Phòng đợi rộng khoảng 20m2 là trung tâm căn hộ, được decor với tủ gỗ cổ Đức (1882), lọ hoa Bát Tràng, đèn lụa Hà Nội, tranh treo tường của họa sĩ Hoàng Tuyết Hạnh (mẹ của Mimi). Những túi xách tay cũ mua ở chợ trời Berlin,

Antwerp, Paris. Phòng đợi là một nơi rất quan trọng, khi đi làm về, mệt mỏi, bạn mở cửa vào nhà và không gian đầu tiên chạm mặt lúc ấy là phòng đợi. Nếu nó được thiết kế thoáng mát và ấm cúng, bạn sẽ có ngay cảm giác hạnh phúc khi về đến nhà… và nhìn vào đó sẽ cảm nhận rất nhiều về phong cách sống của chủ nhân, không gian ấy tựa như quầy tiếp tân của các khách sạn vậy.

Ảnh chụp và vẽ các thành viên của gia đình dòng họ Pelnar (chồng Mimi) từ năm 1720-1916. Piano cổ của gia đình được chế tác tại Vienne từ năm 1900. Tủ màu vàng của Ikea + Gramophone của hãng Pro-Ject + “Design Glass Subject” của Jakub Berdych, tranh trên tường của họa sĩ Nguyễn Tường Huân (bố của Mimi) và sơn mài của họa sĩ Mai Văn Kiệt.

Tôi thích quan niệm sống “đủ” kể cả trong thời trang lẫn trong nội thất nhà ở. Ít quá thì khó sống, mà nhiều quá thì chỉ để bám bụi.

Phòng khách sống động và vui tươi với thảm hoa “limited edition by Ikea”, sofa Senso by La Femme MiMi for Polstrin Furniture và ghế có tay mua ở chợ trời.

Nếu đề cập đến đặc điểm hoặc nét tổng thể trong ngôi nhà chị ở, điểm dễ nhận sẽ là gì?
Tôi sang Prague từ năm 15 tuổi, nên văn hóa Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung liên quan đến nhau rất nhiều và ảnh hưởng cả trong công việc và cuộc sống. Nếu nhìn trong thiết kế nội thất của ngôi nhà, sẽ dễ nhận ra ngay sự hoà hợp nhẹ nhàng giữa Âu và Á, những họa tiết và hoa văn, màu sắc đan xen nhau. Tôi rất thích hoa lá cành, cả sự giản đơn, nhẹ nhàng và thoải mái, điều quan trọng là ở trong nhà mọi thứ phải hòa hợp với nhau.

Những yêu cầu nhất định nào thường được chị thể hiện lên không gian sống của mình?
Không gian sống của tôi phải đảm bảo sự ấm cúng, cách sắp xếp, bài trí đồ đạc trong căn nhà cũng ở mức vừa phải vừa đủ để sử dụng, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Tôi thích quan niệm sống “đủ” kể cả trong thời trang lẫn trong nội thất nhà ở. Ít quá thì khó sống, mà nhiều quá thì chỉ để bám bụi. Tôi thích sử dụng ánh sáng đèn, do đặc điểm ở châu Âu mùa Đông rất ít ánh sáng ban ngày, nên các thể loại đèn giúp căn nhà trở nên ấm cúng hơn.

Việc trang trí nội thất trong ngôi nhà của chị có thường xuyên được làm mới theo cảm hứng cá nhân?
Tôi không thuộc dạng người thích sự nổi trội, hay thay đổi. Riêng với trang trí nhà cửa, mặc dù tôi cũng thích thay đổi không gian sống, chẳng hạn đổi tranh treo tường, lọ trưng bày hoa hoặc thảm, rèm cửa, nhưng không quá thường xuyên, thường 2 năm một lần hoặc tùy hoàn cảnh, hoặc ngẫu hứng. Dù sao thì trang trí nhà cửa cũng là một công việc tôi rất yêu thích.

Mimi gọi phòng ngủ của cô là Cái giếng trời với giường Ikea, đèn chùm pha lê Kamenicky Senov (đã phá sản) làm thủ công từ năm 1920. Tủ quần áo bằng gỗ từ năm 1900 là quà cưới của ông bà Jakub. Tủ đầu giường Art Deco 1920 mua từ cửa hàng đồ cổ, chiếc ghế cũ được bọc lại… kết hợp với một số đồ sơn mài Việt Nam và gốm Bát Tràng.

Không gian sống nào trong ngôi nhà của chị mà khi nhìn vào đó, người ta có thể cảm được những nét tinh tế mà chị đã tạo dựng cho thời trang La Femme MiMi?
Ngay khi bước vào phòng khách mọi người sẽ nhận ra ngay ngôn ngữ của La Femme MiMi từ chiếc ghế sofa, rèm cửa kết hợp với các vật dụng trang trí là sự pha trộn giữa hai nét văn hoá Á – Âu. Phòng ngủ được thể hiện phong cách trang trí nội thất rất nữ tính, đem lại sự thoải mái từ sắp đặt và kết hợp màu sắc hài hòa. Đó chính là những nét riêng trong thời trang của La Femme MiMi được tôi đưa vào trang trí không gian sống.

Ở nhà, ai là người đóng vai trò chủ đạo trong việc chăm chút và trang trí không gian sống?
Để giữ sạch đẹp, mọi người sống trong nhà đều cùng chăm sóc nó, các bạn nhỏ có trách nhiệm với căn phòng, tự dọn đồ chơi, chăn gối, bố giúp rửa bát, dọn phòng khách vì ông xã sử dụng phòng khách nhiều nhất, tôi thì dọn phòng ngủ. Với tôi, không gian sống rất quan trọng, tôi rất ghét khi đi làm về gặp cảnh nhà bừa bộn, và để chế ngự chuyện đó, trước khi về nhà khoảng 1 giờ, tôi sẽ gọi cho các bé biết là mẹ sẽ về, và nhà cửa không được bừa bãi. Còn về trang trí nội thất, gia đình tôi không tiếc tiền trong việc mua sắm, tôi có thể tiếc khi bỏ ra một khoản mua cái túi Louis Vuitton, nhưng không suy nghĩ khi quyết định mua một cái lọ hoa đắt tương đương dù biết nếu không dùng cẩn thận sẽ làm vỡ nó mất.

Phòng trẻ em thiết kế bởi KTS Lukas Vacek (Atelier L). NTK Mimi Nguyễn Hoàng Lan cùng các con. Trên tường là tranh họa sĩ Ivan Kral.

Chất liệu được chị yêu thích trong trang trí nhà cửa và sử dụng là gì?
Thời tiết ở Prague thường là lạnh, nên tôi thích chất liệu gỗ bởi nó giữ nhiệt cho mùa Đông và mùa Hè thì rất mát. Trong sử dụng tôi thích chất liệu gốm sứ vì nó giữ ẩm tốt cho đồ ăn và thức uống.

Sự thanh lịch, quyến rũ, và cách phối màu ăn ý cùng chất liệu và các chi tiết thủ công là điểm dễ nhận từ các BST thời trang của chị. Vậy nếu miêu tả về ngôi nhà của chị, chị sẽ gọi nó thế nào?
Ấm cúng, nhẹ nhàng, vừa đủ, và dù có thay đổi không gian sống đến bất kỳ đâu, trong ngôi nhà của tôi không thể thiếu: Tranh treo tường, tủ sách và đĩa hát.

Phỏng vấn: NGUYỄN ĐÌNH – Hình ảnh: JAKUB PELNAR