Những giải pháp bảo quản bề mặt gỗ | ED Tips

Gỗ đem lại sự ấm áp và sang trọng, gần gũi cho ngôi nhà, tuy vậy gỗ lại là vật liệu khá đỏng đảnh, khó chiều. Hãy trang bị cho mình vài lưu ý khi sử dụng nội thất gỗ nhé!

Loại bỏ bề mặt

Tuy không thực sự là cách bảo quản chất liệu nhưng việc loại bỏ bề mặt hiện tại của vật dụng gỗ là bước thiết yếu trước khi áp dụng giải pháp sơn, phủ sau đó.

Cách thực hiện:
– Bước 1: Loại bỏ toàn bộ các chi tiết kỹ thuật cứng (ốc, vít, tay nắm…)
– Bước 2: Nơi thực hiện cần phải được thoáng khí và sử dụng giải pháp che chắn để bụi gỗ không ảnh hưởng đến hô hấp (mắt kính, khẩu trang bảo hộ).
– Bước 3: Sử dụng trực tiếp chất tẩy sơn và dung môi lên bề mặt gỗ. Hãy đảm bảo quá trình này diễn ra thật gọn gàng và bao phủ cùng lúc các bề mặt, tránh để khô dung môi. Đợi đến khi hóa chất sủi bong bóng, dùng dao để cạo toàn bộ lớp bề mặt.
– Bước 4: Lau sạch bề mặt gỗ bằng khăn nhúng sơn lau gỗ để loại bỏ phần sơn phủ còn sót lại. Sau đó cẩn thận chà nhẹ các vết bẩn cứng đầu bằng giấy nhám mịn và lau lại bằng khăn sạch một lần nữa. Hãy thật cẩn thận với giai đoạn này.

Cần chuẩn bị:
– Chất tẩy sơn (paint stripper)
– Dung môi (hay còn gọi là cồn khoáng)
– Sơn lau gỗ
– Khăn lau, găng tay cao su, kính bảo hộ, khẩu trang, giấy nhám, cọ (dùng 1 lần), tăm, tua-vít

gỗ 1


Đánh bóng gỗ

Việc đánh bóng bề mặt gỗ không chỉ giúp bảo vệ mà còn kéo dài thời gian sử dụng của chúng. Thậm chí giải pháp này còn có thể lặp lại định kỳ khi lớp đánh bóng đã mài mòn theo thời gian.
Để bắt đầu quy trình, trước tiên hãy đảm bảo khu vực làm việc đủ độ thông thoáng để đảm bảo sức khỏe trước các chất gây hại cho cơ thể từ dung dịch đánh bóng.

Cách thực hiện:
– Bước 1: Kiểm tra độ thích ứng của sáp đánh bóng và chất tẩy bằng cách thử trước một mảng nhỏ, dùng khăn ẩm lau khu vực thử để chắc chắn rằng gỗ sẽ không bị hư hại trong quá trình thực hiện.
– Bước 2: Phủ nhẹ toàn bộ bề mặt gỗ trước khi đánh bóng bằng chất tẩy, để khô tự nhiên một vài phút và lau lại bằng khăn khô sạch. Đối với một số vết bẩn khó lau chùi, hãy thử dùng bùi nhùi kim loại để loại bỏ chúng.
– Bước 3: Đánh bóng bề mặt gỗ với lượng sáp vừa đủ và thực hiện chậm rãi. Không nên sử dụng quá nhiều để dễ dàng kiểm soát độ bóng theo ý muốn, chúng ta có thể tăng cường độ bóng bằng cách phủ thêm nhiều lớp sáp. Điều này giúp quá trình thực hiện trở nên hiệu quả hơn.
– Bước 4: Sau khi hoàn tất quá trình đánh bóng, để sáp khô tự nhiên khoảng 20 phút và lau sạch lại bằng khăn khô sạch.

Cần chuẩn bị:
– Khăn lau sạch
– Găng tay cao su
– Bùi nhùi kim loại
– Sáp đánh bóng gỗ
– Chất tẩy và khử bụi, lông

gỗ 2

gỗ 3


Sơn dầu

Ở một số môi trường khô ráo, thường xuyên chịu không khí lạnh sẽ rất dễ dẫn đến việc nứt nẻ bề mặt gỗ. Chính vì vậy giải pháp phủ sơn dầu là cách khá hiệu quả để bảo vệ gỗ trước các tác nhân gây hại này. Sơn dầu sẽ giúp bề mặt gỗ trở nên bóng và tối màu hơn, vì vậy hãy cân nhắc trước khi lựa chọn giải pháp này.

Cách thực hiện:
– Bước 1: Làm ướt khăn lau bằng chất đánh bóng và lau trên bề mặt gỗ. Hãy chắc chắn rằng mọi bề mặt gỗ đều được lau qua và thao tác làm sạch được thực hiện theo một chiều nhất định.
– Bước 2: Để gỗ khô tự nhiên trong khoảng 20 phút.
– Bước 3: Lau lại toàn bộ bằng vải mềm.

Cần chuẩn bị:
– Chất đánh bóng gỗ và dầu sơn gỗ
– Khăn lau sạch
– Vải mềm

Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Những biến tấu thú vị cùng cửa đi | ED Tips

Tối ưu hoá ánh sáng tự nhiên trong không gian sống | ED Tips