Tiếng gọi nơi hoang dã Namibia

Nếu những điểm đến nhộn nhịp đông đúc, những đền đài di tích đã không còn mới mẻ và bạn đang muốn thực sự hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, tinh khôi ít dấu vết con người mà vẫn hưởng kỳ nghỉ tiện nghi dễ chịu, đất nước rộng lớn Namibia đang chờ bạn.

Cây keo gai lạc đà trên nền cát đỏ sa mạc Namib-Naukluft

Để khám phá El Yunque là lựa chọn hợp lý, cung  đường rừng nguyên sinh đưa tôi đến “miền đất châu Phi trắng” vì còn rất đông người gốc châu Âu từ Đức, Bồ Đào Nha, Hà Lan… sống ở Namibia cùng với 11 dân tộc bản địa và từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Anh nên vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc cũng như cách điều hành xã hội theo kiểu châu Âu. Diện tích rất rộng đến 810.000 km2, mà dân số chỉ vỏn vẹn khoảng 2,1 triệu người lại tập trung sống ở một số khu vực nhất định (gần biên giới phía Bắc với Angola, Zambia, Botswana và một vài thành phố ven biển ở phía Nam), chưa đến đã thấy vắng vẻ rồi.

Đất nước rộng, địa hình đa dạng, các chủng loại thú hoang phong phú với hàng trăm loài đặc hữu chỉ có ở Namibia, nếu đã chọn du lịch ở đây, bạn nên dành ra ít nhất hai tuần cho chuyến đi của mình. Di chuyển từ điểm nọ tới điểm kia cũng hàng trăm cây số đường bộ, từ biển chỉ đường nhà nghỉ ngoài quốc lộ vào tới nơi có khi cũng cả chục cây số và thậm chí ở nhiều khu nghỉ chúng tôi nói vui là khéo cũng cần đến thiết bị dẫn đường GPS vì quá rộng.

Đụn cát đỏ chứa nhiều ô-xít sắt ở nơi hầu như chưa biết đến mùi mưa Sossusvlei.

Bỗng dưng thành… thợ săn ở Etosha

Người Đức có câu, “Sống một lần dường như là chưa sống” nhưng cũng lại có câu khác rằng “Một lần chưa hẳn đã tệ”. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nếu có cơ hội gom thật nhiều khung cảnh của các miền đất trên thế giới vào tầm mắt mình thì cuộc đời đó có ý nghĩa thật nhiều. Suốt chuyến đi hai tuần ở Namibia, qua thật nhiều vùng đất với các kiểu địa hình cảnh vật khác nhau, chúng tôi cảm giác đã được sống những khoảnh khắc quý giá nhất trong đời.

Bầu trời Namibia mùa Đông (từ tháng 6 đến tháng 8) không mấy khi trong xanh vời vợi, có những ngày oi ả kỳ lạ, cảm giác như ở Việt Nam những ngày Xuân. Ngay chặng đầu từ sân bay gần thủ đô Windhoek đã thấp thoáng một bầy hươu cao cổ ăn lá. Cả đoàn đã rạo rực vui sướng trước khi chính thức tiến sâu vào Công viên quốc gia Etosha rộng 22.270km2.

Vết bánh xe đi mãi thành đường trên sa mạc Kalahari.

Những thân cây keo gai lạc đà đã chết vì khô hạn khoảng 900 năm trước và vẫn còn nguyên cho đến ngày nay cũng vì khô hạn.

Tổ chim khổng lồ dưới tán cây camel thorn tree.

Không hề gợn chút băn khoăn lo ngại nào trước khi trèo lên các xe ô tô dã ngoại safari không vách kính, chạy ngược xuôi quần thảo một chuỗi các vũng nước lớn để ngắm thú hoang uống nước theo bầy. Mỗi người khách du lịch như biến thành thợ săn mắt sắc không ngừng “tăm tia” thú dọc đường xe chạy. Có những lúc vừa reo lên, bên trái hướng 12 giờ một đàn linh dương sừng kiếm thì lại có tiếng hô, bên phải hướng 10 giờ một bầy đà điểu kìa. Đầu quay trái phải liên tục như trên khán đài xem thi đấu tennis. Chưa kể vài cá thể linh cẩu lững thững đánh lẻ, dăm con sóc đất chuồn rất lẹ, những con chim im lìm đậu trên ngọn cây lá bướm… Tiến gần đến một trong những vũng nước hút thú nhất ở Etosha, mọi người không ngừng thốt lên những tiếng cảm thán. Thú hoang uống nước theo trật tự riêng, kẻ đông và mạnh được lượt trước nhóm ít và yếu. Đàn linh dương đông cỡ mấy đang thỏa thuê vây quanh water hole mà chỉ cần một con tê giác lừng lững đi đến từ xa, lập tức lảng ra ngoài nhường chỗ ngay. Dù đàn to hay nhỏ, đều không uống cùng lúc mà luôn chia nhóm cảnh giới. To lớn như hươu cao cổ cũng vẫn phải e dè thay nhau cúi xuống uống.

Mùa Đông khô cạn, thú tập trung uống nước ở những vũng nhất định trong Etosha.

Tê giác ở Công viên quốc gia Etosha phần lớn bị cưa sừng để tránh bị giết hại.

Một vũng nước hiếm hoi giữa vùng lòng chảo khô cằn La Puerta de San Juan.

Cảnh tượng đàn voi chừng 40 con dàn hàng ngang đen sẫm cả phía chân trời thật ấn tượng khiến xe chúng tôi vừa ra ngoài đường chính vội vàng quay lại water hole. Đàn voi tới gần vũng nước liền chuyển thành hàng dọc vòng quanh vũng, các đàn ngựa vằn, linh dương nhảy, linh dương kudu, linh dương oryx… chạy hết ra ngoài xa chờ. Voi mẹ hiền từ nhìn đám voi con lăn lộn quậy đục ngầu cả vũng. Đại gia đình voi sinh hoạt vui vẻ chừng nửa tiếng rồi từng con rời đi nhường chỗ cho các đàn khác đang xếp hàng ngoài xa.

Trên đất Phi châu, voi và muông thú đi giữa đất trời.

Nguồn thức ăn dồi dào cho mọi loài thú ở Etosha, đàn nào cũng mượt mà, đủng đỉnh. Chúng tôi tận mắt nhìn thấy nhõn một con sư tử lảng vảng gần xác một con voi to đùng, lưng nhô cao hơn cả ngọn cây lá bướm. Bầy kền kền tranh thủ cơ hội, xớn xác lao xuống rỉa. Mùi thịt tươi đậm nồng trong không khí. Thú trong Công viên Quốc gia không được săn bắn nên không sợ người và xe cộ. Xe safari chở du khách thậm chí còn phải dừng lại nhường cho thú qua đường. Chẳng bù cho lúc ở sa mạc Kalahari vốn đã chia nhỏ hết những phần đất thảo nguyên sử dụng chăn nuôi trồng trọt được cho các chủ đồn điền da trắng, họ nuôi thú theo dạng chăn thả tự nhiên, đàn rất đông nhưng cực kỳ cảnh giác vì thường xuyên bị săn lấy thịt và da. Có tiếng động cơ xe liền lảng xa, thậm chí đám linh dương còn nhảy qua cả ngọn cây chạy trốn.

Những dãy núi bàn, sa mạc, hồng hạc và đàn cá heo

Càng đi sâu vào hoang mạc, càng thấy màu xanh diệp lục là của hiếm. Lúp xúp toàn cây bụi trên nền đất sỏi đá. Núi liền thành dải như sống lưng và rất bằng, cô đơn nổi lên trên thảo nguyên mênh mông. Những con đường cấp phối dài vô tận như không có điểm cuối xóc ghê gớm và vắng tanh. Lỡ hỏng xe chắc cũng phải chờ hàng tiếng mới có xe khác đi qua mà nhờ giúp đỡ. Lâu lắm mới nhìn thấy một người đi bộ ven đường, cả nhóm ồ lên: Ôi, người! Thật sự thú hoang ở Namibia có lẽ nhiều hơn số dân. Đến tới khu camping Sossusvlei gần những đụn cát đẹp nhất trong Công viên quốc gia Namib-Naukluft gặp thêm các xe khác cũng tập trung lại, mới thấy có chút gì của cuộc sống con người.

Cảnh tượng đẹp không bút nào tả xiết của bầy hồng hạc bên bờ Walvis Bay.

Sa mạc Namib chạy ra tận sát biển. Đại Tây Dương xanh mát vỗ sóng miên man, nước quá lạnh để tắm nhưng vẫn đủ ấm giữ chân bầy hồng hạc không di cư vào mùa đông. Trên bãi biển mênh mông, hàng chục nghìn đôi chân hồng thanh nhã di chuyển như một điệu vũ không bao giờ ngừng. Những du khách phố thị bỗng ngừng bặt, chỉ có tiếng gió đại dương cuồn cuộn, tiếng chim kêu, tiếng đập cánh trong không trung. Con người ngưng lời để chiêm ngưỡng bầy hồng hạc nhưng phải nhường lời cho nguyên đám trăm con hải cẩu tập trung trên một bãi biển vì thực ra đọ giọng không nổi với chúng. Ồn ào náo nhiệt không thể tả được. Ra xa bờ một quãng thì lại có cơ hội đùa với cá heo, ngắm chúng nhảy lên tạo những vòng cung tuyệt đẹp.

Cả trăm con hải cẩu oe óe kêu trên bãi biển và ngụp lặn nô đùa dưới làn nước Đại Tây Dương.

Fish River Canyon dài thứ hai trên thế giới.

Chọn thăn vằn đen hay vằn trắng?

Các món ăn ở Namibia không phong phú lắm, thường là thịt nướng, nhưng lại nhiều loại thịt để chọn. Người bản địa vốn nghề săn bắn có phương pháp cất trữ thịt để dành rất hay, lóc thịt thành từng dải thăn, ướp với gia vị và treo lên phơi khô dần trong nắng. Thịt khô mà vẫn dẻo dẻo, dễ ăn. Vào một tiệm bán thịt khô có hàng chục loại để chọn. Nếu bạn mua khô ngựa vằn, cô bán hàng người dân tộc Ovampo cười toe răng trắng phau tinh quái hỏi: vậy muốn chỗ vằn đen hay vằn trắng?. Còn anh hướng dẫn người Herero thì thản nhiên bảo: với người châu Phi thì thịt chính là rau, khi cả nhóm phàn nàn bữa ăn nào cũng quá ít rau củ.

Người dân tộc Damara không mặc quần áo, chỉ quấn một miếng da che phần dưới và bôi một hỗn hợp bột đá để tránh nóng, côn trùng cũng như làm đẹp.

Trang phục đặc trưng của phụ nữ dân tộc Herero lấy nguồn từ châu Âu.

Đất rộng, người thưa không nhiều dịch vụ để lựa chọn. Nhưng dù khách sạn, lodge hay camping, chỗ nào cũng tinh tươm sạch sẽ. Nhiều lodge đẹp giản dị đến mê lòng. Ngồi ngay hàng hiên cũng ngắm được thú hoang di chuyển uống nước. Hay là nhìn rừng cây Quiver in bóng thẫm trên nền hoàng hôn dần buông màu tím. Và ngày hôm sau, mặt trời lại rực rỡ trên đất Phi châu.

Bungalow lợp mái cỏ nhỏ xinh mà tiện nghi trong Bitterwasser Lodge

Quầy bar ấn tượng trong nhà hàng Canyon Road House gần Fish River CanyonJuan.

Bài: MINH LÝ – Ảnh: NAM VINH