Sự yên tĩnh của thời gian

Ngôi nhà với mặt tiền khá lớn, nằm trên một con phố đông người qua lại, đặc biệt là khách du lịch, nhưng yên tĩnh kỳ lạ. Gọi là gallery, lại án ngữ tại một trong những địa điểm đẹp trên bản đồ du lịch Thủ đô, 39A Lý Quốc Sư là nơi lui tới của bao tao nhân mặc khách đất Hà thành, nhưng đồng thời cũng là nơi sinh sống của gia chủ, nên nó phải vừa mở, lại vừa đóng; vừa động, lại vừa tĩnh…, để vừa tiện khách, vừa hợp chủ.

Chủ nhân là một họa sĩ nổi tiếng, thường đứng ra tổ chức những cuộc tao ngộ ấm cúng cho văn nghệ sĩ Hà thành, nhưng bước vào nhà, thứ đầu tiên đập vào mắt lại không phải là tranh mà là những món đồ gỗ và gốm sứ mang sức nặng thời gian. Tay họa sĩ tự nhận mình kỹ tính trong việc tổ chức và kiểm soát không gian sống của mình. Những món đồ gỗ đắt giá trong nhà anh hầu hết được chạm khắc rất cầu kỳ và tinh tế, nhưng ngay cả những con tiện nhỏ cũng không hề bám bụi. “Tôi là người gọn gàng và sạch sẽ. Tôi muốn mọi thứ phải có trật tự, và mình phải kiểm soát được chúng từ mọi góc nhìn”, Cương bảo. Nhưng đó là một thứ trật tự rất tự nhiên, không căng thẳng. Nghiêm ngắn, nhưng vẫn thả lỏng.

Những tiếng nói (vào những ngày gallery không mở cửa đón khách), có chăng, là vọng ra từ những món đồ cổ, được gia chủ bày một cách trang trọng mà giản dị, uy nghi mà gần gũi, lạnh mà ấm…

Có vẻ hơi giống cách Cương chơi với bạn: Thân mấy thì thân, nhưng vẫn phải có một khoảng cách nhất định, cho sự riêng tư, và bặt thiệp. Ngôi nhà, dù ít nhiều là một “địa chỉ công cộng” và có phòng khách ở cả tầng 2, nhưng từ tầng 2 trở lên đã được tính là khoảng riêng tư.

 

Sự khéo léo trong cách trưng bày, chạm trổ cầu kỳ chen vài đường nét đơn giản, khoáng đạt, tạo ra những “điểm thở thị giác”. Lắm lúc chủ nhân lại quyết biến đổi hoàn toàn công năng của một món. Để trong một vòng quay nào đó của thị giác, người ta sẽ thú vị nhận ra có một sự gắn kết vô hình giữa hai món đồ tưởng như không liên quan. “Không hẳn thuộc về nhau là cứ phải đứng kè kè cạnh nhau”, Cương quan niệm.
Cương có kiểu chơi của anh, không chỉ thông tỏ về đồ cổ, từ những món đồ gỗ có niên đại từ đời Minh bên Tàu hay Louis thứ XIV bên Pháp, món nào là nguyên bản, cái nào là mô phỏng… Cương chơi cả trong những thứ anh… chẳng hiểu gì. Ấy là khoảng giếng trời rộng 14m2 được anh biến thành không gian sắp đặt nhỏ: dây leo thả mình chới với từ trên cao; những tác phẩm gốm sứ cỡ đại, màu sắc mạnh mẽ hơn để phù hợp với không gian ngoài trời.

Ngồi trong nhà Cương lúc bóng chiều nhập nhoạng, thở cùng những đồ vật biết nói trong bầu không gian tịch mịch thấm đẫm hương xưa, tự dưng tôi nhớ đến bài thơ “Trong căn nhà thật buồn” của Hoàng Nhuận Cầm, dù buồn vui, sướng khổ đều là thứ không dễ gì “đọc vị” được ở Cương.

Nếu có một không gian có vẻ dại khờ, suồng sã hơn cả trong ngôi nhà thì có lẽ chính là khoảng sân này. Cương có thể nhớ vanh vách niên đại của từng đồ gỗ, đồ gốm sứ cổ trong gian nhà phía trước, nhưng chỉ cần tiến sâu thêm vài mét vào đến đoạn sân sau, là ngay lập tức anh trở thành một kẻ ngẫn, vì chẳng biết bất kỳ tên một loại cây nào, ngoài… vạn niên thanh.

Cương chuộng phong cách tối giản. Hiển nhiên, tay chơi tối giản mới chính là kẻ cầu kỳ nhất. “Hội họa tối đa (dĩ nhiên cũng có cái đẹp riêng của nó) có thể nương tựa vào cái này hay cái khác. Riêng hội họa tối giản chỉ chẳng có gì để nương vào, ngoài sự tinh tế”, Cương nói.
Trưng bày gốm sứ, Cương tiết chế hết sức cả về bố cục lẫn màu sắc. Tuyệt đối không lạm dụng quyền năng của một người sáng tạo, trừ quyền… được tối giản. Ngôi nhà của anh cũng được trình bày theo một cách như vậy. Những đồ vật, ngay cả khi không có được một độ giãn cách cần thiết trong một không gian không quá rộng, vẫn quyết không làm phiền đến giọng điệu của nhau.
Số 39 trong Kinh dịch là một con số “đựng” được rất nhiều. Ngôi nhà mang con số này ở phố Lý Quốc Sư quả cũng là một tổ hợp nén trong hình hài không quá đồ sộ, vì nó giúp chủ nhân “đựng” được rất nhiều: Bạn bè tao nhân mặc khách, những đồ vật Đông Tây kim cổ mà không hề chõi nhau…. Và đựng cả chính chủ nhân của nó, cả khi anh điềm nhiên tĩnh tại để vẽ hay trăn trở loay hoay để thích ứng với đời phàm. Ở một khía cạnh khác, chính anh cũng bao hàm cả ngôi nhà. Vì nó là anh!

Lê thiết Cương chuộng phong cách tối giản. Hiển nhiên, tay chơi tối giản mới chính là kẻ cầu kỳ nhất!

 

Hình ảnh Lieta Studio

Bài Thủy Lê