Sống giữa văn hóa & lịch sử

Một biệt thự sang trọng nằm trong góc phố yên tĩnh hiếm hoi của trung tâm thành phố với lối kiến trúc xưa tinh tế chính là nơi ở và làm việc của Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM. Công trình theo phong cách modernism, do kiến trúc sư Rene Nguyen Khac Scheou thiết kế trong thập niên 50 của thế kỷ trước. Đã từ lâu nơi đây được xem là “nhà” của cộng đồng người Thái.

Công trình bao gồm hai tòa nhà. Tòa nhà đầu tiên là văn phòng làm việc, nơi tổ chức các buổi họp, nơi nhận xét duyệt thị thực. Tòa nhà còn lại là tư dinh tổng lãnh sự, nơi dùng để tổ chức các buổi tiệc chiêu đãi chính thức và không chính thức, các buổi viếng thăm trang trọng hay các nghi lễ quan trọng có liên quan đến Quốc vương Thái Lan. Ngoài ra, khu vực bên ngoài là nơi tổ chức hoạt động văn hóa nhân dịp lễ hội như lễ Songkran, chương trình ẩm thực đường phố, hoạt động cộng đồng nhân ngày của Cha của cộng đồng người Thái.

Thái Lan 1

Không gian khu vực phòng ăn chính với những bài trí chuẩn mực theo phong cách tiếp đãi khách trọng thị.

Thái Lan 2

Biệt thự luôn tràn ngập trong ánh sáng ban ngày và có đủ khoảng lùi để tránh tiếng ồn của phố xá bên ngoài.

Khi bà Ureerat Ratanaprukse mới đến nhận nhiệm vụ, tòa tư dinh này không được trang trí như thời điểm hiện tại. Bà mất khoảng một tháng để bố trí tòa nhà xuất phát từ sở thích và kinh nghiệm của bản thân. Bước đầu là việc sắp xếp lại các thiết bị nội thất để tạo nên không gian thông thoáng, thoải mái như thay mới vải bọc ghế, bao gối tựa và sắp xếp lại các vật dụng trang trí sao cho phù hợp và đẹp mắt. Bà thích phong cách trang trí nhà đơn giản nhưng tao nhã, ấm cúng và sáng sủa, làm cho các vị khách viếng thăm cảm nhận được sự tiếp đón nồng hậu hơn so với những ngôi nhà mang phong cách trang trọng mà lạnh lẽo và không có bản sắc riêng của gia chủ.

Thái Lan 3

Trang trọng trưng bày trong không gian phòng ăn chính là chân dung nhà vua và hoàng hậu Thái Lan, thể hiện lòng tôn kính đấng quân chủ.

Thái Lan 4

Những món trang trí được sưu tầm và sắp đặt theo tông màu trang hoàng tạo thêm sự sang trọng của khu vực tiếp khách.

Các tủ kính trưng bày các đồ vật sưu tầm
theo tông màu chủ đạo là xanh dương và trắng.

Bên cạnh đó là một số lượng các bình gốm và sứ
sưu tầm theo sở thích cá nhân
trong thời gian bà công tác tại Bắc Kinh.

Thái Lan 5

Phòng khách lầu trên phản ánh rõ cá tính của bà Ureerat hơn qua những tác phẩm nghệ thuật do chính bà vẽ.

Phòng khách ở tầng hai là nơi thể hiện đậm nét nhất phong cách của bà Ureerat bởi đây là nơi bà thường tiếp bạn bè và người thân hữu. Các tủ kính trưng bày đồ vật sưu tầm theo tông màu chủ đạo là xanh dương và trắng. Bên cạnh đó là một số lượng các bình gốm và sứ sưu tầm theo sở thích cá nhân trong thời gian bà công tác tại Bắc Kinh. Trên tường là 4 bức tranh thư pháp có con dấu của chính bà Ureerat vẽ. Bà cho rằng nhiệm vụ của một nhà ngoại giao ngoài việc quảng bá văn hóa nghệ thuật của quốc gia cũng cần phải học hỏi thêm về văn hóa nghệ thuật nước sở tại khi mình đến làm việc.

Thái Lan 6

Những ô cửa sổ tròn lấy sáng và giúp đối lưu không khí là dấu ấn thiết kế của KTS Rene Nguyen Khac Scheou.

Thái Lan 7

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thái Lan luôn được ưu tiên lựa chọn để trang hoàng cho ngôi nhà của bà Ureerat.

Thái Lan 8

Phần thể hiện phong cách Thái Lan nhiều nhất là phòng khách ở tầng trệt. Tại đây bà Ureerat trưng bày nhiều bức tranh thể hiện đậm nét văn hóa nghệ thuật và đời sống của người dân Thái trong quá khứ cho đến trưng bày các bình sứ mạ vàng rất đẹp mắt. Bà luôn tin rằng điều phản ánh rõ nét nhất phong cách Thái hay còn gọi là Thainess chính là con người Thái với tính cách thân thiện, hiếu khách của mình.

Thái Lan 10

Tổng thể của công trình là một dấu ấn đáng gìn giữ của dòng kiến trúc Modernism đặc trưng tại TP.HCM được xây dựng từ hơn 70 năm trước.

Thực hiện: Thùy Dương | Ảnh: Naoto Ohike | Trợ lý: Đức Nguyên.


Xem thêm:

Sự chặt chẽ của không gian mở

Bến Xuân – Chốn tinh hoa Huế