Quên chuyện đời về nghe tiếng thiên nhiên

Nơi đó có gió, có nước, ánh sáng, có mảng xanh bất tận kín vây cùng trùng điệp núi non ngút mắt nơi cuối trời. Sự vần vũ của mây trời thiên nhiên như được lắng đọng, tụ lại trong một khối vuông gọi là nhà. Nét kiến trúc lạ thường ấy là tác phẩm phi diệu của nhà văn Nguyễn Quý Đức, suốt bốn mùa phô diễn vẻ đẹp như chênh vênh, chơi vơi bên sườn núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Kiến trúc tổng thể ngôi nhà nhìn ra hướng núi, hoà theo mây trời thiên nhiên nơi Tam Đảo.

Là nhà văn, tự viết lên một “tác phẩm kiến trúc” cho chính mình, sự trái khoáy nghề nghiệp ấy của Nguyễn Quý Đức đã hình thành những dấu ấn chẳng giống ai nơi ngôi nhà mà anh đã thực hiện trên dãy núi Tam Đảo. Ngôi nhà nghỉ mang khối vuông hình hộp với diện tích sàn 100 mét vuông, vật chất là sự kết hợp những yếu tố từ thiên nhiên như gỗ, đá, nước và gió, còn tinh thần chính là hơi thở đương đại được chủ nhân tích góp từ hơn nửa đời phiêu lãng khắp nhân gian. Thế nên, nếu ai đó đang hình dung một kiến trúc về ngôi nhà thuần Việt, khi nhìn vào chốn đi về của Nguyễn Quý Đức, sẽ chẳng thấy gì gọi là nhà trong đó cả. Sự phá cách, cá tính, táo bạo trong thiết kế kiến trúc, sự sắp đặt trang trí nội thất với các hiện vật và bố cục – nói như chủ nhân là – ba lăng nhăng, hình thành một tác phẩm độc – đẹp – đã với phong thái lãng tử mà bằng hữu thân quen “ngộ” được từ lâu nơi Nguyễn Quý Đức.

Nội – ngoại thất chỉ cách nhau qua lớp cửa kính, tạo nên không gian mở tối đa hướng về thiên nhiên. Gáo dừa bỏ đi được tận dụng thành bộ đèn treo bình dị nhưng đặc biệt.

“Khi tôi muốn quay lưng với người, với đời để tìm lại chính mình, thì đó là không gian lý tưởng nhất” – gã “kiến trúc sư” tay ngang Nguyễn Quý Đức đã miêu tả ngắn gọn về ngôi nhà của mình như thế kèm một nụ cười tươi đầy mãn nguyện. Chủ nhà tự nhận mình là người may mắn khi sở hữu được một mảng sườn núi đắc địa để phô diễn ý tưởng, tạo nên một tổng thể không gian sống từ nội thất đến ngoại thất đều hòa quyện với thiên nhiên mây núi Tam Đảo. Mặt vọng cảnh của ngôi nhà hướng ra phía núi non trùng điệp, đệm bởi một hồ nước xanh ngắt căng ngang tầm nhìn, tạo nên thế “tọa sơn hướng thủy” – một dấu gạch nối hoàn hảo giữa kiến trúc và thiên nhiên. Sắc màu từ nội thất đến ngoại thất đều được thể hiện tối giản, tự nhiên và trung tính, điểm xuyết trong trang trí nội thất là sự góp nhặt, biến tấu các vật dụng bỏ đi để biến thành các tác phẩm trang trí nội thất đầy cá tính.

Sự sắp đặt, bố cục trong ngôi nhà đều mang tính tự nhiên, thân thiện và tiện dụng. Một góc thiên nhiên trong nhà chỉ với vài điểm xuyết giản đơn từ gạch đá, rong rêu.

Không nguyên tắc, không phong cách, không màu mè đã định hình nên vẻ đẹp tối giản cho ngôi nhà. Trong không gian sống ấy, từng cục đá, đụn cỏ đến những vật dụng góp nhặt vô tri, nhưng đủ để thủ thỉ cả về một miền hoài niệm đầy cảm xúc.

Từng hiện vật trong trang trí đều là những hoài niệm, những câu chuyện đầy thú vị góp nhặt về ngôi nhà từ mỗi chuyến đi xa.

Nhà văn chia sẻ rằng “khi tôi muốn quay lưng với người, với đời để tìm lại chính mình”, thì không gian này, với mọi giá trị tinh thần cao nhất, chính là chốn trú ẩn lý tưởng của anh.

Nương vất trong không gian ấy là sự khắc khổ, là nội tâm, là chẳng có gì cố định. Sự dịch chuyển tưởng như bừa bộn, không ngăn nắp lại bao hàm tính tiện dụng, giản đơn, gần gũi đến thân thương trong từng hiện vật dùng trang trí khắp nhà.

Không gian này là “tác phẩm độc – đẹp – đã”, lãng tử như chính chủ nhân.

Những hiện vật tầm thường đến bỏ đi, qua chế tác của nguyễn quý đức trở thành tác phẩm mang vẻ đẹp khác biệt dùng trang trí nội thất, chẳng hạn chỉ hai miếng tôn ghép đục lủng, hiệu ứng ánh sáng từ chiếc đèn đã tạo nên góc duyên đầy lãng mạn.

Bài: NGUYỄN ĐÌNH – Styling: SARAH NGUYỄN – Hình ảnh: HẢI ĐÔNG