Đường dẫn mạch lạc

Thiết kế tinh giản, lược bỏ hình thức, chuyên tâm vào giá trị sử dụng. Từng chi tiết ráp nối lẫn nhau không chỉ cấu thành ngôi nhà hoàn chỉnh mà còn kiến tạo không gian ấm áp, giàu tính tương tác gia đình.

Sở hữu diện tích 300m², căn nhà là loại dự án cho phép thoải mái phát triển những cách tiếp cận thiết kế khác nhau, nhưng cả KTS và chủ nhà đều thống nhất ở việc lựa chọn những đường nét đơn giản, trầm lặng và vững chãi. Được truyền cảm hứng từ lối sinh hoạt thường ngày của gia chủ, ngôi nhà được thiết kế thông thái, khước từ những chi tiết thừa thãi. Ngược lại, chính sự chắt lọc, tĩnh tại trong không gian lớn lại càng định hình rõ nét lối sống gia đình.

nhà 8

Ảnh: Đỗ Sỹ.

Tiết chế hình thức không có nghĩa là lược bỏ thẩm mỹ. Mọi thiết kế trong ngôi nhà đều quy về yêu cầu công năng cơ bản nhất, không đi vào chi tiết trong hình khối, màu sắc và vật liệu. Những gì còn lại chính là khoảng trống của trải nghiệm và sự kết nối liền mạch giữa những không gian chức năng. Khoảng trống không nhất thiết phải lấp đầy vật dụng, nhưng không vì thế mà trở nên nhạt nhòa vô ý nghĩa. Khi di chuyển và sinh hoạt trong nhà, từng thành viên tạo nên mạch chảy vô hình mà sinh động của không gian sống. Khoảng không ở đây giữ vai trò như mối dây liên kết chặt chẽ các thành viên trong gia đình.

nhà 7

Ảnh: Đỗ Sỹ.

nhà 6

Bếp nấu đơn giản, loại bỏ yếu tố màu sắc, đẩy mạnh vào thẩm mỹ hình khối và vật liệu. | Ảnh: Đỗ Sỹ.

MỌI THIẾT KẾ TRONG NHÀ ĐỀU QUY VỀ YÊU CẦU CÔNG NĂNG CƠ BẢN NHẤT. ĐỐI VỚI KTS, KHÔNG GIAN MỚI CHÍNH LÀ ĐIỀU KIỆN THEN CHỐT TẠO NÊN CẢM XÚC, CHỨ KHÔNG PHẢI CHI TIẾT TRANG TRÍ ĐÔI KHI DỄ GÂY SỰ PHÂN TÂM, XAO NHÃNG.

nhà 5

Khu vực sofa với tầm nhìn hướng về không gian phòng ăn và bếp nấu đúng như mong muốn của gia chủ. | Ảnh: Đỗ Sỹ.

Ranh giới tiếp giáp khu vực chính vì thế trở thành điểm then chốt, mang tính quyết định sâu sắc đến tổng thể và sự hấp dẫn của toàn bộ công trình. Thông qua giải pháp cửa lùa, ứng dụng đường cong hay phương pháp chiếu sáng gián tiếp, các khu vực khác nhau được gắn kết nhờ vùng chuyển nhẹ nhàng. Đồng thời nhiều khuyết điểm về kết cấu hiện hữu cũng được giải quyết trọn vẹn. Từ giải pháp nặng lý tính, các phân vùng, khu vực chung – riêng trở nên liền mạch, xuyên suốt. Không gian được gợi mở tương tác mà vẫn đảm bảo tính ngăn nắp tuần tự khi sử dụng.

nhà 4

Hành lang lưu thông đáp ứng vừa đủ yêu cầu lưu trữ, đồng thời tạo khoảng đệm dẫn đến các khu vực chính. | Ảnh: Đỗ Sỹ.

nhà 3

Không gian phòng ăn thông thoáng nhờ tận dụng tốt khả năng lấy sáng từ vị trí hướng cửa. | Ảnh: Đỗ Sỹ.

nhà 2

Phòng tắm sử dụng vật liệu đồng bộ với điểm nhấn là vách kính tối màu được bo viền cong. | Ảnh: Đỗ Sỹ.

Gam màu trầm mặc cũng là một đường dây mạch lạc, duyên dáng. Nội thất gỗ tối màu đi cùng nền gạch mô phỏng đá tự nhiên nhưng không gây cảm giác nặng nề hoài cổ. Những chấm phá bằng sản phẩm nội thất mang tinh thần đương đại đã cân đối lại cảm hứng thẩm mỹ của toàn bộ công trình.

nhà 1

Không gian phòng ngủ chính sử dụng tông gỗ thẫm mang lại cảm giác ấm áp, kết hợp cùng cửa sổ lấy sáng tự nhiên. | Ảnh: Đỗ Sỹ.


Đơn vị thiết kế: Vietline Interior Design.
Diện tích: 300 m².
Địa điểm: Quận 7, TP.HCM.


Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Đỗ Sỹ.


Xem thêm:

House Recast – Sân chơi của thử nghiệm sáng tạo

North Perth House – Những phân vùng tinh giản