Hành trình kiến trúc xanh của kiến trúc sư Lê Lương Ngọc

Ba căn nhà tại Hội An trong bài này là chân dung rõ nét của KTS Lê Lương Ngọc trong hành trình thực hành kiến trúc xanh ở Việt Nam.

Ngôi nhà thứ nhất trong cụm ba nhà Hội An thực hiện bởi kiến trúc sư Lê Lương Ngọc

Đây là công trình đứng riêng độc lập trong cụm ba căn nhà mà kiến trúc sư Lê Lương Ngọc đã thực hiện cho 3 gia đình vốn là những người bạn lâu năm của nhau. Nằm trên mặt tiền con đường nhỏ cách trung tâm Hội An không xa, ngôi nhà của chị Hoa gây ấn tượng đặc biệt khi nhìn từ mọi góc ngoại thất. Phần lan can của các phòng ngủ đều hình thành từ những viên gạch ống được sắp đặt theo lối đan cài độc đáo, rực rỡ màu gạch nung thuần chất và kiêu hãnh dưới ánh nắng của miền Trung.

Cụm 3 nhà Hội An KTS Lê Lương Ngọc cầu thang nhà thứ nhất

Cầu thang là tâm điểm của không gian căn nhà. Sự xuất hiện của 2 cầu thang trong không gian đều làm thành điểm nhấn độc đáo cho nội thất.

Cụm 3 nhà Hội An KTS Lê Lương Ngọc nơi chiếu nghỉ nhà thứ nhất

Nơi chiếu nghỉ, một chiếc ghế gỗ mộc mạc chờ người dừng chân.

Cụm 3 nhà Hội An KTS Lê Lương Ngọc đồ trang trí nhà thứ nhất

Những đồ trang trí với màu sắc bắt mắt, tươi tắn tạo nên sắc thái riêng cho căn nhà.

Đây cũng là căn nhà có 2 tầng lầu và hai cầu thang với lối thiết kế dẫn dắt mềm mại, sinh động trong tổng thể ba công trình, nới rộng không gian sử dụng và sinh hoạt của căn nhà trên một diện tích thoải mái, dễ bày biện và sắp đặt. Làm nền cho không gian ấy là lối xử lý đá mài liền lạc, mát lạnh bàn chân khi vừa từ ngoài bước vào bên trong nhà. Chọn một phong cách giản dị trong trang trí nhưng căn nhà vẫn hiển hiện những nét riêng rất duyên dáng, ngầm bộc lộ những trải nghiệm và quan điểm của chủ nhân. Các bức tường đa hướng với khe cửa hẹp liền kề rất nhạy cảm với điều kiện ánh sáng, bóng đổ theo bầu trời và góc mặt trời, đồng thời cho phép ngôi nhà được thông gió liên tục, phù hợp với đặc điểm khí hậu đổi hướng gió ban ngày và ban đêm ở Hội An. Các diện tường với ánh sáng tự nhiên linh động tạo điều kiện cho tác phẩm nghệ thuật đương đại mà chủ nhà sưu tầm trình hiện theo những cách khác nhau, làm nổi bật chủ đích vừa là không gian sống, vừa là bảo tàng cá nhân của ngôi nhà.

Cụm 3 nhà Hội An KTS Lê Lương Ngọc căn bếp mở nhà thứ nhất

Căn bếp mở với đường cong êm ái giúp làm mềm không gian của tầng trệt căn nhà. Những món trang trí đơn giản và mộc mạc, tạo chất cảm tự nhiên cho từng góc nhà.

Hai căn nhà tiếp theo mang tên Nhà áo tơi

Hai căn nhà tiếp theo trong cụm ba nhà này được đặt tên là công trình Nhà áo tơi – chiếc áo che nắng che mưa cho người nông dân mỗi khi ra đồng áng. Nhà áo tơi nằm giữa khu vực làng cổ nên được thiết kế để cùng với ruộng lúa, ngôi đình phía trước trở thảnh một mảnh cảnh quan bản địa nguyên bản của Hội An.

Hai căn nhà nằm liền kề là của hai gia đình đồng nghiệp thân thiết, nhiều năm làm việc cùng nhau trong lĩnh vực tư vấn chính sách phát triển bền vững. Khi đặt hàng kiến trúc sư thực hiện không gian cho mình, họ chia sẻ chung phần không gian vườn trước nhà và hiên sau, cũng như cách hai ngôi nhà có cùng những chi tiết đặc thù về giải pháp thiết kế. Với đặc điểm là nhà vùng nông thôn có diện tích khá thoải mái, đồng thời nằm trong vùng khí hậu tương đối khắc nghiệt của miền Trung, công trình đã được kiến trúc sư Lê Lương Ngọc và cộng sự phác thảo và lên chi tiết với những dấu ấn riêng. Đầu tiên có thể kể đến là phần mái nhà có độ dốc khá lớn, nhằm đem đến sự che chắn vững chãi với những đợt giông gió và mưa bão lớn nơi đây.

kien truc xanh le luong ngoc

Hai căn nhà tiếp theo trong cụm ba nhà Hội An mang tên Nhà áo tơi.

kien truc xanh le luong ngoc

Dàn dây leo là loại cây phù hợp với ánh nắng ở miền Trung, đồng thời cũng tạo lớp đệm ngăn tác động trực tiếp của gió mưa.

Cụm 3 nhà Hội An KTS Lê Lương Ngọc sàn đá mài nhà áo tơi

Những chi tiết hoa văn kim loại được đặt làm riêng để tạo điểm nhấn cho sàn nhà đá mài.

kien truc xanh luong le ngoc

Hai căn nhà gắn bó với nhau như một thể thống nhất, nhưng cũng có nét rất riêng trong sắp đặt không gian nội thất.

Cả ba ngôi nhà đều được thiết kế để con người có thể kết nối tối đa với thiên nhiên, hòa nhập với môi trường xã hội địa phương. Tuy nhiên, chủ nhà lại là người nước ngoài với lối sống ít nhiều khác biệt với cư dân bản địa, nên kiến trúc sư đã tạo ra những không gian “nửa kín, nửa hở”, “nửa chung – nửa riêng”, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại có lớp vỏ công năng linh hoạt. Khi sống trong không gian đó, tùy theo điều kiện thời tiết nắng mưa, trời gió hay mùa trăng, chủ nhà có thể điều chỉnh lớp vỏ của ngôi nhà và tìm ra vị trí, hoạt động thích hợp của mình tại thời điểm đó.

Được bố trí hài hòa trong khoảnh đất có hồ cảnh, hồ bơi, sân cỏ và cả chuồng gà, hai căn nhà gắn bó với nhau như một thể thống nhất, nhưng cũng có nét rất riêng trong sắp đặt không gian nội thất. Bản thân từng căn phòng trong nhà cũng là sự kết hợp của những giải pháp uyển chuyển. Phòng ngủ có hai hệ cửa sổ phương ngang cho khu vực bàn làm việc, đủ đón sáng nhưng không gây chói mắt khó chịu, lại cũng mở ra khung cảnh rộng rãi thoáng đãng ở bên ngoài. Trong khi đó cửa ra ban công thiết kế hẹp theo từng module để lần lượt mở ra theo nhu cầu đón sáng và sử dụng của chủ nhà.

le luong ngoc kien truc xanh

Xung quanh nhà áo tơi có hồ cảnh, hồ bơi, sân cỏ và cả chuồng gà.

kien truc xanh luong le ngoc

Tầng trên của căn nhà với nét duyên dáng của cây xanh và ánh sáng đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho hành lang nhỏ này.

Cụm 3 nhà Hội An KTS Lê Lương Ngọc phòng khách nhà áo tơi

Mô phỏng lại lối sống của hai gia đình khác nhau dựa trên căn nhà chính của họ ở Hà Nội, phòng khách của mỗi nhà tại Hội An cũng có diện tích và cách bài trí tương đối khác nhau.

Ba căn nhà là vệt công trình kiến trúc không quá đồ sộ về quy mô, nhưng lại phản ánh rõ nét những suy tư và triết lý về thiết kế của kiến trúc sư Lê Lương Ngọc. Dẫu được sử dụng như căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng của ba gia đình, mỗi công trình đều là một câu chuyện giàu chi tiết, cảm xúc và trải nghiệm, như một quyển sách thú vị nằm yên chờ người đọc.

Bài: Thùy Dương| Hình ảnh: Duy Thanh

Xem thêm:

Thăm nhà của NTK Phạm Kiều Phúc – Kìa nắng kìa mưa

Nhà Gia Nghĩa – Chiếc lá sầu riêng khô rơi chạm nhẹ đất