Căn hộ nhuộm màu phù sa

Căn hộ từ tầng cao nhìn về đoạn Sông Hồng chảy vắt ngang một khoảng trời Hà Nội, dòng sông tĩnh lặng chứa trọn từng chuyển động trên nhịp cầu Long Biên. Hai hình ảnh luôn đi đôi và gắn liền với Hà Nội nay trở thành chất liệu để KTS vay mượn vào thiết kế của mình.

Phủ lên toàn bộ căn hộ là lớp màu của phù sa, là đất, cát hay những gì còn lại khi nước sông đi qua. KTS hoàn toàn không giấu đi những tâm tư mà anh muốn gửi gắm trong thiết kế, một cảm giác yên bình về Hà Nội được bện chặt trong không gian bằng ngôn ngữ hồn hậu và mới mẻ. Kể câu chuyện Hà Nội vừa lạ lại vừa quen.

căn hộ Mipec

Ảnh: Quý Xuân Bùi.

Ta bắt gặp sự dàn trải của tông màu gỗ trong căn hộ, từ những tấm vách ốp tường, ván sàn cho đến các vật dụng nội thất. Dường như ngôi nhà được kiến tạo vừa vặn cho những tâm hồn điềm tĩnh từng kinh qua hằng hà các biến động. Theo chia sẻ của KTS, vì chủ nhân ngôi nhà là đôi vợ chồng đã lớn tuổi nên cách tiếp cận công trình của anh có phần khác đi so với các khách hàng tuổi đời trẻ hơn. “Những buổi gặp ban đầu, hai bên trao đổi rất ít về nhu cầu thiết kế và công việc. Tôi cảm giác đó là buổi gặp gỡ, dùng cơm thân mật hơn là một cuộc họp trao đổi thông tin với khách hàng. Qua đó tôi dần hiểu họ hơn và có cảm giác rằng: người lớn tuổi cần người hiểu họ thông qua nhu cầu được chia sẻ.”

căn hộ Mipec

Ảnh: Quý Xuân Bùi.

căn hộ Mipec

Ngôi nhà và các tác phẩm được sắp đặt hài hòa trong không gian. Ảnh: Quý Xuân Bùi.

“Khi băng qua cầu Long Biên để đến công trình, đứng trên căn hộ ngắm dòng Sông Hồng một chiều lặng gió. Tôi nhận ra chủ nhà là người lãng mạn, vậy căn hộ nên có chút chất thơ.”

căn hộ Mipec

Tác phẩm “Cầu Long Biên ngày trở gió” của nghệ sĩ Vũ Bình Minh. Ảnh: Quý Xuân Bùi.

căn hộ Mipec

Góc bàn ăn lặng yên và ấm cúng. Ảnh: Quý Xuân Bùi.

Thiết kế căn hộ đã tạo ra nét đặc trưng trong cách bố trí không gian. Bằng hai yếu tố đan xen lẫn nhau là “khoảng trống” và “dòng chảy”, KTS luôn tưởng tượng ra khung cảnh những người sống trong không gian ấy sẽ sinh hoạt và chuyển động ra sao. Làm thế nào để khơi thông dòng chảy thật mượt mà: câu trả lời chính là tạo ra khoảng trống. Căn hộ ba phòng ngủ được rút gọn chỉ còn hai phòng ngủ và một góc thờ nhỏ. Tất cả các không gian mang tính chất tĩnh được dồn về một phía để khoảng trống chuyển động còn lại được kết nối hoàn toàn. Đồng thời KTS đã sắp xếp mặt bằng các không gian lệch nhau theo hình chữ công để tránh đi sự buông tuồng về góc nhìn. Bên tĩnh – bên động, khoảng trống – dòng chảy, sông Hồng và cầu Long Biên, những tính cách lệch nhau được xếp gọn gàng trong căn hộ, các câu chuyện rời rạc giao thoa ở một điểm tụ, và câu chuyện thiết kế bỗng được kể liền lạc.

căn hộ Mipec

Ảnh: Quý Xuân Bùi.

căn hộ Mipec

Ảnh: Quý Xuân Bùi.

Sự chồng lớp của những không gian tĩnh – động. Ảnh: Quý Xuân Bùi.

Những mẩu chuyện được kể không đầu cuối lại là chất liệu quan trọng trong thiết kế của ngôi nhà. “Quá trình thực hiện căn hộ rơi vào thời điểm mùa đông Hà Nội, khoảng thời gian đó tôi thường đi lang thang gần khu vực căn hộ để tìm đồ trang trí, và phát hiện rằng Hà Nội có những khoảng không rất yên. Và điều khiến tôi nhớ nhất là cảm giác chơi vơi trong những chiều chạng vạng trên Sông Hồng.”

Góc nhìn về Sông Hồng từ căn hộ. Ảnh: Quý Xuân Bùi.

Thực hiện: Đức Nguyên | Ảnh: Quý Xuân Bùi


Xem thêm:

Giếng trời ôm giữ khoảng xanh cho nhà phố

Chuyện nhà qua nghệ phẩm

NQ4 Villa: Hài hòa giữa không gian và thiên nhiên