Không kém phần quan trọng như kiến trúc công trình mà thậm chí, kiến trúc cảnh quan ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị trong bối cảnh quỹ đất trở nên khan hiếm. Qua những gì có thể thấy ở hầu hết các công viên, khu dân cư, chung cư, khu thương mại, cảnh quan đang chỉ dừng lại là một lớp trang trí. Trên thực tế, yêu cầu ở thiết kế cảnh quan còn là môi trường và văn hóa.
Nhà thực vật học Ricardo Cardim, tác giả cuốn sách Paisagismo Sustentável para o Brasil (Cảnh quan bền vững cho Brazil) nhận định cảnh quan thông thường ở Brazil hiện đại nói chung không có những lo ngại lớn về môi trường và chức năng. Theo ông, lĩnh vực thiết kế cảnh quan, bao gồm cả các dự án và kinh doanh cây cảnh góp phần gây ra tình trạng những khu vườn bị ngắt kết nối với thế giới tự nhiên, các dịch vụ sinh thái còn hạn chế và người dân không được tiếp cận nhiều. Vì vậy, hoa viên hay công viên dù công cộng hay thuộc sở hữu tư nhân nên được đánh giá cao hơn như một nơi đem lại lợi ích cho sức khỏe và có giá trị cư ngụ.
Công viên được quy hoạch và thiết kế cần có sự kết nối ở các quy mô khác nhau, diễn ra với hệ động thực vật địa phương, đáp ứng quần thể sinh vật tự nhiên của nó, mang lại lợi ích cho cả môi trường xung quanh và cho người sử dụng. Ngoài ra, nơi đây còn là cơ hội để trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu về khí hậu, hệ động thực vật, thiết lập lại mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên vốn đã bị mất trong quá trình đô thị hóa, và thực tế nhất là thúc đẩy các hoạt động giải trí và chăm sóc bản thân, mang lại lợi ích cho sức khỏe thể chất và tâm lý.
Như Ricardo đã nêu trong cuốn sách của mình, có một số giải pháp thiết kế cần được vạch ra để công viên có thể phát huy hết tiềm năng.
Nghiên cứu môi trường tự nhiên
Hệ thực vật bản địa của mỗi địa điểm là kết quả của hàng nghìn năm tiến hóa của Hành tinh Trái đất, ứng phó với địa hình, khí hậu, độ ẩm, tính thời vụ và nhiều khía cạnh tự nhiên khác. Tuy nhiên, các dự án cảnh quan chống lại việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và các loài ban đầu của từng quần xã, thường rơi vào tình trạng dễ dàng mua các loài có sẵn trên thị trường gây ảnh hưởng kết nối sinh thái vốn có, dẫn đến kết nối lỏng lẻo với cảnh quan thiên nhiên địa phương.
Tìm kiếm sự đa dạng về loài
Theo Ricardo Cardim, công việc thiết kế cảnh quan hiện nay dựa trên sự lặp lại của khoảng 15 loài từ thị trường cây cảnh toàn cầu, dẫn đến toàn bộ khu vực lân cận có sự lặp lại và đơn điệu. Sự đồng nhất của hệ thực vật đô thị này tạo ra những khu vực được coi là “sa mạc xanh”, trong đó, các loài xâm lấn tác động đến môi trường tự nhiên, gây thiệt hại về môi trường và cả bản sắc văn hóa.
Cân bằng chiến lược trang trí bởi cảnh quan
Cảnh quan hiện đại thường dựa trên các hình ảnh trong quá khứ, chẳng hạn như sử dụng các loài có màu sắc bão hòa hoặc thậm chí là kỹ thuật cắt tỉa tạo hình cây. Hai chiến lược này liên quan đến những khu vườn quý tộc châu Âu, đặc biệt là những khu vườn của Pháp, và gắn liền với sự giàu có và quyền lực. Tương tự như vậy, một chiến lược khác là tái tạo các khu vườn theo chủ đề lấy cảm hứng từ các nền văn hóa ngoại quốc. Tất cả các ý tưởng trang trí này chủ yếu sử dụng các loài thực vật không phải bản địa, có thể xem như con người ra khỏi môi trường tự nhiên thực sự của địa phương. Vì vậy, một kế hoạch xây dựng cảnh quan cân bằng, chú trọng hệ sinh thái và địa lý tự nhiên của khu vực là việc làm cần thiết để có thể tạo ra không gian thiên nhiên trong đô thị có giá trị sử dụng chứ không chỉ để ngắm nhìn.
Chuyển ngữ: My Lương | Theo: Archdaily
Xem thêm:
Beatrix Farrand: Cái nhìn nhạy cảm với cảnh quan và tình yêu thực vật