ED tips: 6 mẹo tạo góc làm việc tại nhà hiệu quả

Cách bày trí khoa học ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc của bạn. Với những công việc làm tại nhà, bạn có toàn quyền tự do để trang trí, sắp xếp theo sở thích, nhu cầu cá nhân. Vậy nhưng, bạn đã biết cách làm điều đó sao cho hợp lý? Hãy cùng theo dõi 6 mẹo nhỏ dưới đây của ELLE Decoration để có được góc làm việc ưng ý, giúp bạn tối đa hoá hiệu quả công việc nhé.

1.VỊ TRÍ ĐẶT GÓC LÀM VIỆC YÊN TĨNH, NHIỀU ÁNH SÁNG

Dù bạn có đặt góc làm việc ở đâu thì hãy luôn ưu tiên chọn nơi có ánh sáng tự nhiên và thoáng đãng không khí. Bởi những yếu tố này không chỉ khiến cho đầu óc bạn tỉnh táo mà còn giúp tiếp truyền cảm hứng, thúc đẩy năng lượng tích cực và đảm bảo sức khoẻ về lâu về dài. Hãy tìm ra một góc yên tĩnh và ít bị xáo động bởi những sinh hoạt thường nhật để có được mức độ tập trung cao nhất cho công việc. Trừ khi văn phòng của bạn nằm ở tầng cao, bạn cũng nên hạn chế đặt bàn làm việc nhìn thẳng ra cửa sổ, bởi quang cảnh sinh hoạt ở ngoài ít nhiều sẽ khiến bạn xao nhãng.

Nơi làm việc ngập tràn ánh sáng tự nhiên và yên tĩnh là lý tưởng nhất để phát huy hiệu quả công việc. Photo: Holly Marder

2. CHỌN BÀN GHẾ VỪA VẶN

Công việc đôi khi đòi hỏi hàng tiếp đồng hồ ngồi một chỗ, vậy nên sự vừa vặn của bàn ghế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của bạn. Một chiếc ghế lý tưởng sẽ không chỉ cần phần đệm ngồi, lưng tựa êm ái mà còn phải đảm bảo về chiều cao. Khoảng cách lý tưởng từ mặt đất lên đệm ghế dao động từ 40.5-53cm đủ để cho chân bạn có thể duỗi thẳng, và tay có thể tựa lên mặt bàn một cách vừa vặn. Độ sâu lòng của ghế từ 43-48cm sẽ cho bạn góc tựa vừa phải, không bị căng cứng lưng hoặc quá tụt về phía sau. Bàn làm việc phù hợp là chiếc bàn nơi bạn có thể ngồi thẳng lưng, vai thư giãn; khi ngồi, đùi và cùi chỏ có thể tạo thành góc vuông góc với sàn. Để giảm áp lực lên xương sống, bạn có thể kê sau lưng mình một chiếc gối tựa nhỏ hoặc đồ gác chân để thi thoảng co giãn thân thể sau một hồi làm việc.

Bàn ghế vừa vặn giúp bạn thoải mái và bảo đảm sức khoẻ về lâu dài. Photo: IKEA.com

3. SẮP XẾP MẶT BÀN TỐI GIẢN, GỌN GÀNG

Hãy để thiết bị phục vụ công việc chính yếu (giấy,bút, máy tính) ở vị trí trung tâm của bàn với các dây cáp điện được bó gọn hoặc giấu đi để giảm cảm giác bừa bộn. Bạn nên sắm cho mình một chiếc kệ nhỏ ở dưới chân hoặc bên góc tường để lưu giữ hồ sơ giấy tờ liên quan và giữ cho mặt bàn được sạch, thoáng. Đồ dùng văn phòng dự trữ cũng nên được cất gọn sang một ngăn riêng, chỉ bày biện lên bàn những vật cần thiết lên bàn bởi hàng đống thứ chất chồng sẽ gây ra những khó chịu, căng thẳng không cần thiết, cản trở bạn trong việc suy nghĩ. Một số vật không thể thiếu đó là: laptop, bút, giấy, đèn bàn, hộp đựng văn phòng phẩm nhỏ (ghim bấm, ghim cài, thước đo v.v..) nên được để trong tầm tay, tránh mất thời gian tìm kiếm khi cần kíp.

Bàn làm việc gọn gàng, tối giản giúp bạn tránh được áp lực căng thẳng, tập trung tốt hơn. Ảnh: roomed.com

4. THIẾT KẾ TẠO “MOOD” LÀM VIỆC

Mọi thứ trên bàn cần có sự chỉn chu, chuyên nghiệp để xác định rằng “đây là là chốn làm việc” nhưng không nhất thiết cứ phải cứng nhắc, buồn chán. Trên thực tế, bạn nên đầu tư một chút vào đồ dùng, chọn ra những món được thiết kế tinh tế, không chỉ để nâng cao tầm thẩm mỹ của nơi làm việc mà còn để tạo sự hài lòng, hứng khởi hơn ở chỗ bạn đang ngồi. Khu vực làm việc nên được bày trí gọn gàng với những màu sắc trung tính, điềm đạm như beige, xám xanh, xanh lá đậm hoặc các màu pastel tươi tắn nhưng nhẹ nhàng. Nếu bạn yêu thích các màu nổi, hãy cứ dùng chúng, nhưng đừng quên bổ sung những mảng trầm để trung hoà cảm giác, tránh gây xao nhãng.

Bên cạnh máy tính, đồ dùng văn phòng hãy dành không gian cho những vật gợi cảm hứng nhỏ như tranh ảnh. Đừng ngại ngần thêm vào một chút texture từ mặt ghế đan, vải phủ để cân bằng với mặt bàn, mặt tường trơn láng tránh cảm giác lạnh lẽo và trống trải. Với các công việc chuyên về thiết kế, sáng tạo, hãy dành lấy một mảng tường để tạo ra moodboard (nơi lưu giữ cảm hứng) của riêng bạn.

Việc lựa chọn các chất liệu tự nhiên như gỗ, bần, hoặc kim loại sơn phủ mờ cũng sẽ tạo cảm giác điềm tĩnh, tự tin, giúp bạn thể hiện hết mình và vui vẻ hơn khi làm việc.

Một việc cần thiết khác đó là thêm vào điểm nhấn cá nhân để tạo lập cá tính cho chốn riêng tư này. Đó có thể là những mảnh artwork nhỏ của riêng bạn, những vật phẩm đánh dấu kỉ niệm du lịch đã qua, hay một món đồ nổi bật bạn đã rước về vì nó phù hợp với thẩm mỹ cá nhân.

Tất cả những món mang tính chất trang trí, gợi cảm hứng nói trên chỉ nên được giới hạn ở số lượng ít hoặc vừa phải để tránh làm loãng mục đích chính của góc chức năng này.

Không gian làm việc nghiêm túc nhưng không buồn chán nhờ sự đầu tư vào thiết kế đồ dùng, gia tăng thẩm mỹ. Photo: IKEA.com

Màu trung tính cùng các vật liệu tự nhiên đem lại sự thư thái, điềm tĩnh cho nơi làm việc. Các moodboard không chỉ để trang trí mà còn giúp bạn khơi nguồn sáng tạo. Photo: Pinterest.com

5. ĐÓNG KỆ VÀ CÁC TỦ TRỮ ĐỒ

Mục đích chính của việc làm này là để giữ cho chiếc bàn của bạn không bị chật ních, xô xẹo đầy những vật dụng phụ trợ. Một chiếc kệ và tủ nhỏ sẽ làm công việc tích trữ, trả về cho bạn khoảng không tự do quý giá. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sắm tủ, kệ ở số lượng tối thiểu để tránh cảm giác bủa vây, ngột ngạt. Dù bạn không làm việc nhưng xung quanh lúc nào cũng bị đè nén bởi hàng đống sách, tài liệu chất chồng hoặc đồ dùng bày kín kệ thì cũng sẽ không tốt. Chưa kể đến công việc dọn dẹp sẽ rất vất vả sau đó. Bí quyết là giữ cho mặt bằng được thoáng đãng bằng việc cất kín hết những món đồ thỉnh thoảng mới cần đến. Với các kệ để trần, kệ treo, bạn cũng chỉ nên chọn loại nhỏ, gọn gàng, vừa thanh lịch lại không tạo môi trường cho bạn bày biện “quá tay”. Giữ cho góc làm việc được nhẹ nhàng cũng là một cách tốt để thúc đẩy năng lượng cho chính bạn và giúp môi trường sinh hoạt được trong lành hơn.

Các tủ, kệ nhỏ giúp bàn làm việc của bạn gọn gàng và giúp tầm mắt trở nên thông thoáng. Photo: Pinterest.com

6. TẠO QUÃNG NGHỈ GIỮA GIỜ LÀM VIỆC

Một chút nghỉ giữa giờ có giúp bạn giải toả căng thẳng, tìm lại cảm hứng và nâng cao hiệu quả công việc. Bạn có thể sắm một chiếc side-table nhỏ (bàn kê bên cạnh) làm nơi để trà, máy pha cà phê hoặc đồ ăn vặt nhẹ để tranh thủ nhâm nhi trước khi quay lại guồng làm việc. Sự xuất hiện của những mảnh xanh tưng bừng sự sống như cây cảnh để bàn, lọ hoa nhỏ cũng sẽ khiến bạn thư giãn hơn bởi chúng có thể làm dịu lại sự cứng nhắc của những vật dụng văn phòng, hấp thụ bớt các tia điện từ, cũng như thanh lọc không khí. Màu xanh của lá cũng là một trong những màu kích thích trí sáng tạo, và tạo cảm giác xoa dịu tinh thần. Đừng vì mải mê làm việc mà để nơi lao động trí óc của mình trở nên cằn cỗi bạn nhé.

Photo: Pinterest.com

Photo: Pinterest.com

Chúc bạn thành công trong việc xây dựng góc làm việc tại gia vừa hiệu quả, vừa đẹp và tràn đầy cảm hứng nhé.

Thực hiện: Phương Nguyễn

Photo: tổng hợp