Nhà Patmos – Thần thoại, Sử thi và mùa hè 1963

John Stefanidis và người cộng sự quá cố Teddy Millington Drake, trên chiếc thuyền và đôi chân đã tìm đến hòn đảo của những câu chuyện huyền bí, trước mắt họ không phải là các khối đá vỡ mà là viên ngọc thô dưới tầng tầng lớp lớp bụi thời gian. Từ ngôi nhà Patmos, câu chuyện trong mơ bắt đầu.

Patmos là hòn đảo nhỏ nhất trong cụm 12 đảo mang tên Dodecanese nằm ở phía bắc Crete thuộc Địa Trung Hải, một mảng địa chất tách ra từ bờ biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Suốt nhiều thiên niên kỷ, lịch sử của hòn đảo là dấu ấn rõ nét nhất về những kẻ đã xâm chiếm hoặc tìm đến đây làm nơi trú ẩn. Trong thần thoại Hy Lạp, Patmos được cho là nơi Orestes ẩn náu khỏi sự truy đuổi của các nữ thần Erinyes. Nơi đây, sứ đồ John bị lưu đày đã cải đạo cư dân sang Cơ Đốc giáo trước khi lui về để viết tác phẩm Apocalypse. Hòn đảo cũng từng được cai trị bởi người Byazantine, người Venice và người Thổ Nhĩ Kỳ. Vào những năm 1960, một làn sóng mới bắt đầu và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay: sự xuất hiện của giới thượng lưu Châu  và Châu Mỹ. Ngôi nhà Patmos của NTK John Stefanidis tạo nên cùng với người cộng sự cũ của mình – Teddy Millington Drake chính là khởi đầu cho làn sóng này. Họ đã mang đến cảm giác mang tính thần thoại với các vật dụng được ví như nằm ngoài dòng chảy của thời gian và xu hướng.

noi that nha co dia trung hai

Hình ảnh: Davide Lovatti

noi that nha y co dien dia trung hai

Hình ảnh: Davide Lovatti

Câu chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 1963, khi thế giới trải qua thời kỳ hậu chiến, Chủ nghĩa hiện đại đang chiếm ưu thế, các cấu trúc xã hội cũ dần sụp đổ, sự kết hợp của các nghệ sĩ, giới trí thức và quý tộc bắt đầu hình thành nên một hướng đi mới mang tên Bohemian. John Stefanidis khi ấy đang là một giám đốc trẻ trong ngành quảng cáo đã tìm đến đảo Patmos cùng với Teddy Millington Drake. Họ đến trên một chiếc thuyền, tản bộ qua con đường dốc từ bến cảng để ngắm nhìn những ngôi nhà nằm rải rác bên sườn đồi; thị trấn gần như bị bỏ hoang phía sau từng bức tường đổ nát. Mùa hè đầu tiên đó, họ đã mua một trang trại từ thế kỷ XVI với giá 1000 Bảng Anh.

ngoai that nha hy lap patmos

Hình ảnh: Davide Lovatti

Ngôi nhà 3 tầng nhìn xuống những khu vườn bậc thang, trải rộng tầm nhìn đến cánh đồng được quây quanh bởi nhiều bức tường đá, phía xa là tu viện cao chót vót, một hình ảnh như bước ra từ kinh Cựu Ước, nơi “những cánh đồng khô cằn và là chốn ẩn náu của nhà tiên tri Elijah”. John Stefanidis từng viết trong cuốn sách An Island Sanctuary của mình: “Ở đây khắp mọi nơi đều là biển, màu xanh của thép, xanh lam, ngọc lam, màu sapphire sâu thẳm, tất cả tùy vào hướng gió. Bầy dê gặm cỏ trên sườn đồi, màn đêm tĩnh lặng bị phá vỡ bởi tiếng chuông đeo của chúng. Thế giới tâm linh của Byzantium ôm lấy ta. Chuông nhà thờ vang lên, âm vang thánh ca ngân nga trôi qua cánh đồng, cảm tưởng như những vị thần Hy Lạp cổ xưa đang bay lượn ngay phía trên mình – nhà nguyện Elijah, xét cho cùng vẫn được xây dựng trên nền đất của đền thờ Apollo.”

nha bep noi that co xua hy lap

Hình ảnh: Davide Lovatti

noi that ban an hy lap

Hình ảnh: Davide Lovatti

Ngôi nhà bị bỏ hoang 25 năm mang theo âm thanh ấy bên trong những bức tường dày, từng cánh cửa chạm khắc cũ và sàn gỗ tẩy trắng. Mùa đông năm đó, John trở lại Patmos, đi theo cùng ông là hai người thợ từ đất liền. Cùng với sự giúp đỡ của nhân công địa phương, John bắt đầu khôi phục lại ngôi nhà. Ông cẩn thận để lại càng nhiều càng tốt những yếu tố kiến trúc bản địa cũ, nhiều năm tháng ở Ý trước đây đã mài dũa và trau dồi đời sống thẩm mỹ của ông. Vật dụng nội thất được gia công trên đảo như một sự tiếp nối tính truyền thống Ottoman từng một thời hiện hữu tại đây của người Dodecanese. Việc trùng tu ngôi nhà ở Patmos mang lại kết quả bất ngờ, đây cũng là khởi sự để John Stefanidis theo đuổi tới cùng công việc thiết kế.

noi that phong ngu hy lap dia trung hai

Hình ảnh: Davide Lovatti

John chia sẻ: “Cái được gọi là phong cách Địa Trung Hải thực chất bao gồm nhiều lớp của nền văn minh, văn hóa và những ảnh hưởng góp phần tạo nên chúng; bao gồm Chủ nghĩa lãng mạn, hấp dẫn và thực tế. Những bức tường quét vôi trắng phản chiếu ánh sáng lẫn nhiệt độ; tường dày làm căn phòng trở nên mát mẻ hơn; nội thất bằng vải cotton khi chạm vào sẽ có độ mát nếu so với len và nhung. Món quà quý giá nhất của Địa Trung Hải đối với cuộc sống là sự liền lạc trong ngoài giữa các vùng không gian.”

Nếu John là người định hình bộ khung của ngôi nhà thì tác phẩm của Teddy lại vương vấn ở mọi ngóc ngách. Từ phòng chờ với hình vẽ mặt trăng – mặt trời, cho đến bộ ba tác phẩm trừu tượng mô tả lại các từ ngữ như Psyche, Eros và Zeus. Cả hai cùng nhau chứng kiến hòn đảo bắt đầu thay đổi, một phần lý do là vì sự hiện diện của chính họ.

noi that ghe banh hy lap dia trung hai

Hình ảnh: Davide Lovatti

vuon dia trung hai nha co hy lap

Hình ảnh: Davide Lovatti

“SỰ TINH TẾ VÀ PHONG CÁCH BẮT NGUỒN TỪ YẾU TỐ THOẢI MÁI, LỐI ỨNG XỬ PHÙ HỢP, MÀU SẮC ĐẸP MẮT, CÁC TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT, HOA LÁ VÀ NHỮNG VẬT DỤNG TRÂN QUÝ. ĐÂY LÀ MÓN QUÀ GIÚP NÂNG TẦM THẾ GIỚI DO CHÚNG TA TẠO NÊN. CHÍNH NGÔI NHÀ VÀ KHU VƯỜN Ở PATMOS ĐÃ NUÔI DƯỠNG CUỘC ĐỜI TÔI NHƯ THẾ.” John Stefanidis

Bài: Thiên An | Theo: House & Garden | Ảnh: Davide Lovatti


 

Xem thêm:

Khu vườn cổ tích của Anna

Mầm sống giữa hoang tàn

Villa Ruma Fajar – Ẩn mình lặng lẽ