Khắc họa thời gian trên không gian kiến trúc

Chuyên mục Slow Read là một thể nghiệm mới của ELLE Decoration, nơi mỗi số báo sẽ tập hợp những tản văn đem đến sự soi chiếu đa dạng và thấu đáo hơn cho chủ đề chung của tạp chí. Công trình và tác phẩm minh họa đi kèm cũng là một câu chuyện ẩn thân trong mạch chuyện dài – cần nhiều lắng đọng để đọc chậm và sâu.

1. Ý NIỆM VỀ THỜI GIAN

Tôi muốn bắt đầu một cuộc độc thoại về suy niệm Kiến trúc với Thời gian, bằng cách đưa chúng ta vào không gian của một lớp học thời-hoa-niên dưới mái trường tiểu học, trung học (viễn tưởng trên một cuộc sống riêng tư của ai đó bất kỳ).

• Thời gian là gì?

• Chúng ta sống với Thời gian như thế nào?

• Chúng ta có cảm thấy được Thời gian? Như là nghe, nhìn, chạm, ngửi, hay ôm ấp Thời gian?

thời gian 1

Nhà Trâu Quỳ – TOOB Studio. Ảnh: Triệu Chiến.

Hẳn nhiên, tất cả các cô giáo, thầy giáo của chúng ta sẽ trả lời rằng, và dạy chúng ta rằng, thời gian là ngày và đêm, là chuyển động của mặt trời và trái đất, thời gian là những gì được đọc trên đồng hồ, thời gian là một đại lượng đếm được và đo được trong vật lý.

Chúng ta sống với Thời gian bằng cách xem đồng hồ để thức dậy, làm việc, ăn uống, gặp gỡ bạn bè người thân, giải trí, đi ngủ và thức dậy trong hai mươi bốn tiếng chuyển động trên chiếc đồng hồ.

Bản chất của Thời gian là trừu tượng chúng ta không thể nắm bắt được bằng các giác quan thông thường. Ấy là những khái niệm cơ bản thuở-hoa-niên đi học, tôi chỉ có đủ trí nhớ mơ màng về một tri thức căn bản ở thì quá khứ như vậy. Lớn lên một chút, theo dòng Thời gian, tôi mới biết thêm rằng, trước khi chiếc đồng hồ xuất hiện để đo lường Thời gian thì người ta biết về Thời gian ra sao. Hẳn nhiên, khi đó người ta sẽ biết Thời gian qua bốn mùa thay lá, trời lạnh đi, tuyết rơi rồi tan, trời lại nóng lên, hoa sẽ bừng nở, cây cối đơm bông đậu quả… Ở xứ quê hương Á Đông của mình, người ta biết Thời gian qua một vụ mùa, hai vụ mùa trồng lúa, người ta ngắm hàng cau sân trước, bụi chuối sân sau mà biết gió mùa đông bắc đã tràn về, nhìn một vạt cây, một khóm hoa mà biết các mùa đi qua, nhìn một ông trăng tròn khuyết ẩn hiện mà biết cúng kiếng thiên thần thổ địa, nhìn một con nước lên nước xuống mà biết Thời gian một năm đã đi qua. Ấy là thứ Thời gian mà con người vừa nắm biết, vừa sống cùng với dòng Thời gian.

Còn ý niệm Thời gian của Hegel thì nôm na như sau, “Mọi giải thích triết học về Thời gian được thực hiện ở một Nơi-chốn-trong-hệ-thống. Nơi chốn này có thể có giá trị như là tiêu chuẩn cho đường lối lãnh hội Thời gian một cách nền tảng, một cách thể lãnh hội mà hướng dẫn giải thích như thế. Cắt nghĩa truyền thống đầu tiên và chi tiết của sự am hiểu bình dân về Thời gian được tìm thấy trong Vật-lý-học của Aristoteles, nghĩa là trong khuôn khổ của một Hữu-thể-học về thiên nhiên, Thời gian, Nơi chốn, Chuyển động, ba thứ đứng cùng với nhau”. (1)

thời gian 2

Công trình được thiết kế trên khu đất 95m2 tại thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Nhà Trâu Quỳ được thiết kế dành cho một gia đình ít người có độ tuổi trung niên với lối sống đơn giản, hoài niệm và hướng nội. Công trình được xây dựng bằng sự tiết giảm tối đa lượng chi tiết để nhấn mạnh vào yếu tố không gian. Các khoảng hở trên các vách tường trong – ngoài cũng như trên mái tạo nên một tổ hợp giao thoa của các vùng không gian đệm với nhau và với tự nhiên, được biểu hiện thông qua lượng ánh sáng đổ vào công trình ở nhiều thời khắc trong ngày. Ảnh: Triệu Chiến.


2. KHẮC HỌA THỜI GIAN NHƯ THẾ NÀO?

Trung thành với ý niệm truyền thống, phân tích về Thời gian của Hegel còn nêu bật về sự kết nối giữa Thời gian và Tinh thần. Ông nói rằng, “Tinh thần khi nó được thực hữu hoá, phù hợp với nó phải rơi vào trong Thời gian và được xác định như là phủ định của phủ định”. (2)

Thời gian là tự ngã thuần túy và ngoại tại.

Tinh thần là tự tại, và hiện hữu như là thời hóa căn nguyên của Thời gian, làm chuyển động “sự rơi” của nó vào Thời gian. Rơi mà không rơi. Không gian có sức nặng lưu trữ sự kết nối giữa Thời gian và Tinh thần. Sự thể “Kiến trúc” là một hình thức biện chứng của sự kết nối này. “Sự thể Kiến trúc là hình thức biện chứng của sự nối kết giữa Tinh thần và Thời gian bằng cách tổng quát, có thể được đánh liều khai mở một Thân thuộc căn nguyên giữa chúng. Kiến trúc của Hegel được kích động bởi cuộc chiến đấu đầy cố gắng nhắm đến quan niệm được Cụ-thể-tính của Tinh thần . Điều đó được biểu lộ nơi câu nói sau ở chương kết luận trong Phaenomenologie des Geisles của ông: Thời gian, theo đó, xuất hiện như là định mệnh và sự thiết yếu của Tinh thần, một Tinh thần trong chính nó thì không hoàn toàn. Sự cần thiết của việc làm phong phú thành phần mà tự ý thức có ở nơi ý thức. Sự thể Kiến trúc là đối tượng dung chứa trong sự chuyển động ấy”. (3)

Như vậy khi hiểu về Thời gian, Không gian và Sự Chuyển động, thì Kiến trúc được xem là một đối tượng đơn giản để đại diện cho Không gian (chứ không phải là tất cả) và có sức dung chứa những Chuyển động của Thời gian với Tinh thần.

Thiên nhiên cũng là Không gian như Kiến trúc, nhưng thiên nhiên vô lượng và vĩ mô. Chúng ta không thể khắc họa Tinh thần vào Thời gian bằng mùa hoa, hay bằng gió đầu mùa. Chúng không có tính cách của sự hữu hình và bảo lưu.

Nhưng sự thể Kiến trúc thì làm được việc này, mặc dầu nó là Không gian nhân tính.

Sự thể Kiến trúc song hành cùng tính cách khắc họa về Thời gian, và Chuyển động cùng sự khắc họa ấy.

thời gian 3

Các vùng đệm cho phép các không gian sống giao nhau trong khi khe hở ở nhiều vị trí lại tạo ra sự kết nối với bối cảnh bên ngoài. Ảnh: Triệu Chiến.


3. KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC LÀ MỘT SINH THỂ CÙNG VỚI DÒNG THỜI GIAN

Nếu như ngẫm nghĩ về Kiến trúc trên dòng Thời gian, người ta sẽ dễ dàng và rất nhanh liên tưởng đến các kỳ vỹ Kiến trúc trên dòng lịch sử văn minh nhân loại.

Nghĩ đơn giản vậy cũng không có gì là đúng hay sai, vì tính khắc họa Thời gian nằm trong biểu hiện trường tồn, ghi dấu lại triều đại và văn minh. Chỉ là nó thô bạo và có phần can thiệp phi nhiên.

Ở đây, tôi muốn tập trung luận bàn một khía cạnh khác, cũng là biểu hiện cho một Sinh thể – A Living Being trong Kiến trúc. Nhưng nó thâm trầm và ẩn hiện hơn là những biểu hiện của Kiến trúc kỳ vị.

Và tôi có hai câu chuyện xin được kể:

Chuyện thứ nhất, về ngôi nhà của một người bạn. Người bạn nhờ tôi vẽ một ngôi nhà cho anh ấy (và gia đình anh), một ý muốn mà anh ấy đã ấp ủ hơn sáu, bảy năm trước. Trước khi vẽ, anh ấy gửi một bức thư điện tử cho tôi, với nội dung rất chân thành về lời mời cùng tạo nên ngôi nhà cho anh ấy, trong thư là một tệp đính kèm (pdf) với nội dung tương đương một cuốn truyện, hoặc gần như là tiểu luận triết học về kiến trúc.

Khi mở thư, chưa cần đọc nội dung chi tiết, tôi lướt tệp thông tin, với các đề mục (theo dạng chương hồi). Điều làm tôi nghĩ nhanh nhất khi ấy (và cho đến bây giờ, khi ngôi nhà đã xây cất xong được ba năm rồi): Liệu rằng anh ấy muốn vẽ Thời gian trong Kiến trúc (bằng ngôi nhà này)?

Câu hỏi hồ nghi đó vừa mới nhưng cũng vừa cũ, mới là vì tôi chưa từng vẽ một cái gì với ý định để khắc họa Thời gian lên Kiến trúc; cũ là vì nó là thứ Kiến-trúc-luận lâu nay tôi say mê đắm chìm mà chưa một lần dám hiện thực hay hữu hình nó.

thời gian 4

Ảnh: Triệu Chiến.

Sau mọi suy tư, và chúng tôi quyết định đồng hành cùng với nhau. Tôi và anh ấy cùng nhau sáng tạo, chứ không phải là công việc âm thầm, một chiều từ tôi. Công việc hiện thực cho xây dựng kiến tạo thì muôn đời là những việc vui và buồn, căng và chùn, nâng lên và hạ xuống… nhiều yếu tố cần suy xét và cân nhắc. Cuối cùng căn nhà đã xong. Nhưng khi đó, với tôi sự xong chỉ là một thể Không gian ba chiều về mặt vật lý. Hơn ba năm nay, chúng tôi không ngừng ngắm nghía, lẫn chăm sóc ngôi nhà, bằng nhiều cách xa và gần, vô hình và hữu hình. Tôi thì ngắm nghía sự sống của anh và gia đình anh trôi qua bên trong nó. Cùng nắng mưa đi qua bên ngoài, cùng hoa cỏ bốn mùa nở rồi tàn úa, cùng những sự phai màu dần đi qua của sàn gạch, sự hoen ố đôi phần của bức tường, cùng tiếng chim về ngay đầu ngõ, cùng nhìn ra bến sông buổi nắng lên và chiều tắt dần…

Sự ngắm nghía, ghi chép bằng nhiều phương tiện (hình, phim, chữ…), làm tôi thấy được sự chuyển động của Thời gian trong Không gian. Sự sống cũng vì thế mà chuyển động.

Chuyện thứ hai, Tôi muốn nhắc đến một công trình tôi yêu thích, làm tôi nhớ về Thời gian trong Kiến trúc. Công trình Les Cols Restaurant Marquee, 2011, Olot. Tác giả: RCR Arquitectes (Rafael Aranda, Carme Pigem và Ramon Vilalta; bộ 3 KTS người Tây Ban Nha).

Đây là công trình mang vẻ đẹp rung cảm sâu thẳm với tôi bởi hai yếu tố: Một là, Thời gian đi qua Không gian một cách thời khắc, đầy chuyển động. Vốn là lối kiến trúc “vô thực trong hữu thực” của bộ ba RCR, càng tôn lên dòng chảy miên man của Thời gian. Nó biến hóa đầy ngạc nhiên, trong vẻ đẹp của thiên nhiên, thiên nhiên chuyển động và Thời gian trôi, chứ Thời gian không phải là thứ được gói lại bất biến. Hai là, ý niệm ẩn dụ về việc Kiến trúc không phải sinh ra là chỉ để tôn vinh sự sinh tồn (being) của con người, mà ở đây tôn vinh hồn nơi chốn (spirit of space). Chính điều này làm ta thấy rõ về Thời gian, quan niệm rằng mọi thứ đều qua nhanh, ngắn ngủi và phù du, vạn vật sẽ đổi thay, biến mất và tan rã.

Như vậy, với tôi Thời gian có thể hữu hình, nhưng nó giống như là Nước vậy. Nước thì có thật, nhưng vô hình vô sắc và vô thanh. Muốn nhìn thấy được Nước, người ta phải mượn một đối tượng thứ hai, ví như là bầu trời chiều soi bóng dưới dòng nước, ví như là một rừng cây đổ bóng trên mặt hồ, ví như là một cơn mưa rớt trên dòng sông, ví như một cơn bão trên đại dương. Nước được thấy là vì vậy, thông qua một chuyển động hay nhiều chuyển động trên những sinh thể với Nước. Thời gian như là Nước, ấy là cách tôi chọn phép so sánh để mơ màng và dễ nhớ.

Còn Kiến trúc là một sinh thể để ghi dấu dòng Thời gian trôi trên nó. Thời gian, Kiến trúc và Chuyển động đều là Nỗi nhớ. Nỗi nhớ hiện hữu ấy là khắc họa Thời gian bằng Kiến trúc (hay bằng Không gian).

thời gian 5

Ngoài ra, KTS đã dành lại những khoảng không gian để người sử dụng có thể tự mình khám phá và bồi đắp cho ngôi nhà trở thành nơi chốn của riêng mình. Đối với TOOB STUDIO, ngôi nhà còn là sự tiếp biến những suy nghĩ và định hướng của chính KTS về không gian trong nhà ở. Ảnh: Triệu Chiến.


(1), (2) và (3) trích lược ở tác phẩm “Hữu thể và Thời gian” – Martin Heidegger (bản dịch: Trần Công Tiến)


Bài: Huyền Đan | Ảnh: Triệu Chiến.


Xem thêm:

Nhà ở và không gian nghệ sĩ

Trùng tu không gian | ED Tips