Triết lý hư không ‘Emptiness’ của Kenya Hara- bí mật thành công đằng sau thương hiệu MUJI

Khái niệm ‘hư không’ được Kenya Hara phát triển cho thương hiệu MUJI đã đem đến sự thành công vang dội cho nhãn hiệu này. Giữa một rừng ngập tràn những tên tuổi màu sắc thì vẻ ngoài trắng trơn giản dị lại ghi điểm tuyệt đối.

Kenya Hara-một trong những bộ óc lỗi lạc nhất của ngành thiết kế Nhật Bản, trong vai trò giám đốc sáng tạo của thương hiệu MUJI từ năm 2002, ông đã áp dụng và phát triển một concept độc đáo mang tên ’emptiness’- hư không. Phương pháp này dường như là sự phủ định lại tất cả của chủ nghĩa vật chất hiện đại khi chối bỏ những cách triển khai cầu kỳ trau chuốt và đẩy mọi sự trở về điểm khởi đầu trống rỗng.

thương hiệu MUJI kenya hara portrait

Chân dung nhà thiết kế Kenya Hara.

Nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng ‘hư không’ mà Kenya Hara phát triển cho thương hiệu MUJI thật ra lại vô cùng phức tạp, đó là sự gói ghém của các tầng lớp tinh hoa văn hoá và cả triết lý thấm nhuần chất Zen của người Nhật Bản. Hãy cùng ELLE Decoration tìm hiểu về triết lý khác lạ này nhé.

MUJI-một thương hiệu ‘không tên’ đặc biệt

thương hiệu MUJI poster Kenya Hara

Photo: MUJI.

Giữa hằng hà sa số những món đồ rực rỡ bóng bẩy tên tuổi, người ta có thể ngay lập tức nhận ra sản phẩm mang thương hiệu MUJI nhờ vẻ ngoài trống trơn, đơn giản và có phần trần trụi của chúng. MUJI trong tiếng Nhật có nghĩa là ‘không thương hiệu’- nghe có phần oái oăm với một thương hiệu toàn cầu danh tiếng như thế. Cái tên MUJI là phiên bản rút gọn của MUJIrushi Ryōhin-‘đồ dùng chất lượng không thương hiệu’. Quả thật trong khi các nhãn hàng lớn đổ ra hàng triệu đô-la mỗi năm cho các chiến dịch khuyếch trương tên tuổi thì MUJI lại lặng lẽ tránh né sử dụng những công cụ truyền thông, quảng cáo. Các nhà thiết kế của hãng hầu như cũng ẩn mình vô danh và thiết kế bao bì thì không thể nào tối giản hơn được nữa.

thương hiệu MUJI aroma disfuser

Photo: MUJI.

Chính nhờ sự trống trơn, dửng dưng khác biệt đó mà thương hiệu MUJI lại trở nên nổi bật và thành công trong việc khắc ghi dấu ấn vào tâm trí người sử dụng. Bằng cách tách rời sự chú ý của khác hàng ra khỏi những tô vẽ hào nhoáng, MUJI hướng sự quan tâm của họ đến đặc điểm cốt lõi nhất của ngành hàng sản xuất tiêu dùng, đó chính là chất lượng sản phẩm. Họ để cho chất lượng của mình lên tiếng và thu phục trái tim khách hàng. Họ không quảng cáo về những khả năng, mà họ tập trung vào cung cấp trải nghiệm. Sự thấu đáo đó, không phải nhà sản xuất nào cũng nhìn nhận ra được. Vậy câu hỏi đặt ra là: Kenya Hara đã phát triển định hướng ‘hư không’ đó cho thương hiệu MUJI bằng cách nào.

Lịch sử ra đời của triết lý ‘hư không’

Theo nghiên cứu của Kenya Hara, triết lý ‘hư không’ (trong tiếng Nhật gọi là ku) được hình thành từ rất lâu và đã thấm sâu vào trong nếp sống hằng ngày của người Nhật. Triết lý ‘hư không’ gắn liền với lịch sử thiền định Zen, đặc biệt được tìm thấy ở “東山文化 (Văn hoá Higashimaya)”, bắt nguồn từ thời kỳ Muromachi (thế kỷ 15 và 16). ‘Hư không’ cũng là thành tố không thể tách rời của quan điểm mỹ học Wabi Sabi với sự nhấn mạnh về sự thanh tịnh, không màng vật chất và trân trọng vẻ đẹp lưu giữ dấu ấn thời gian. Tiêu biểu nhất trong đó chính là nghi lễ Trà Đạo và vườn đá Zen Nhật Bản.

thương hiệu MUJI wabi sabi

Photo: Palm Bay.

Sự khác biệt giữa ‘emptiness’ và ‘minimalism’

Người ta thường nhầm lẫn khái niệm ‘emptiness’ và ‘minimalism’ với nhau vì đặc điểm cùng nhấn mạnh vào tính đơn giản của chúng. Nhưng khác với ‘minimalism’, ‘emptiness’ hàm chứa trong đó vũ trụ vô tận của những khả năng, chứ không đơn thuần chỉ là sự lược bỏ. Trong khi trường phái tối giản được xem như một bước tiến nghệ thuật phản ánh quan điểm chối bỏ vật chất, giải phóng tư tưởng con người ở xã hội phương Tây, thì ‘hư không’ lại có xuất phát điểm từ nếp sống nhiều gian khó hậu chiến tranh của người Nhật.

‘Hư không’ được khơi nguồn từ sau cuộc nội chiến Onin (1467-1577). Tình cảnh khốn khó trở thành động lực phát triển cho văn hoá Wabi-Sabi, khích lệ con người tìm thấy vẻ đẹp trong sự ‘trống trải hư không’. Hara nhận định rằng, dân Kyoto ở thời đó đã không tìm cách phục dựng lại kỷ nguyên thừa mứa về vật chất, mà quyết định theo đuổi cơ hội mới trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến cùng cực: làm lại tất cả từ con số không. Trong cái trống vắng, tâm trí chúng ta được thả lỏng tự do và khả năng tưởng tượng sẽ hoạt động hiệu quả hơn bao giờ hết. Sự thiếu thốn về vật chất đã khai mở nhận thức ở con người, khiến họ nhận ra mình chẳng cần nắm giữ quá nhiều để có thể hạnh phúc. Đó là khi ‘hư không’ thực sự lan toả sâu rộng.

Hara lấy ví dụ so sánh hai trường phái bằng hình ảnh hai con dao làm bếp: một là dao Henckels của Đức hoàn hảo về thiết kế kỹ thuật, hai là Yanagiba loại dao được ưa chuộng hàng đầu của những bếp trưởng Nhật. Henckel là thành quả của kỹ thuật chuẩn xác, với cán dao được tính toán sao cho thuận lợi nhất với thao tác của người dùng. Yanagiba, ngược lại, chẳng có gì ngoài cán gỗ thô sơ, phẳng dẹt để người dùng có thể tự quyết định cầm theo cách mà họ muốn. Dao Henkel thì đơn giản nhưng dao Yanagiba thì trống không, đó chính là ‘minimalism’ và ‘emptiness’. Một cán dao phẳng dẹt không được xem là sơ sài, mà ngược lại, nó là sự trống trải hoàn hảo mang ý nghĩa ‘bạn có thể dùng tôi theo cách phù hợp nhất với các kỹ năng của bạn’. Con dao của Nhật thích ứng với kỹ năng của người đầu bếp, chứ không chỉ là ngón tay cái của ông ta.

Triết lý ‘hư không’ trong thương hiệu MUJI

Định hướng ‘hư không’ được Kenya Hara kế thừa từ người tiền nhiệm- Ikko Tanaka và liên tục phát triển thêm. Kenya Hara từng nhấn mạnh rằng bản chất của thương hiệu MUJI không phải là ‘đơn giản’, mà trên thực tế đó là sự ‘trống rỗng’. Người dùng tự dấn thân trải nghiệm, khơi gợi cảm hứng và kích hoạt trí tưởng tượng theo nhiều cách khác nhau. Do đó, ấn tượng về MUJI của mỗi người sẽ luôn là độc nhất. Triết lý ‘hư không’ không chỉ nhấn mạnh vào sự đơn giản, mà nó còn là khoảng không hàm chứa vô tận những khả năng, cá tính và ý tưởng.

thương hiệu MUJI chair bed

Photo: MUJI.

‘Hư không chính là một vùng thu nhận trí tưởng tượng,’ Kenya Hara giải thích. Ku ở trong văn hoá Nhật Bản không phải là hành động lược bỏ để tạo sự trống trải, ý nghĩa của nó sâu rộng hơn thế. Nó là một trạng thái sẵn sàng tiếp nhận cảm hứng xung quanh, một vùng cởi mở để thu nạp ý tưởng mới. ‘Chính bản thân hư không là một khả năng bỏ ngỏ đợi được lấp đầy.’

Vì lẽ đó mà Kenya Hara chủ trương tạo ra những bao bì trơn trắng đến khó tin cho thương hiệu MUJI. Ông tạo ra những poster quảng cáo chẳng có gì hơn ngoài một đường chân trời với dòng chữ in tên nhãn hiệu đen nhánh. Các thiết kế của hãng cũng không hề tồn tại những chi tiết cầu kỳ trang trí mà chỉ gắn liền với việc thực hiện công năng.  Đặc biệt, nhà sản xuất này cũng không có bộ nhận diện thương hiệu cầu kỳ, chỉ đơn giản là cái tên mộc mạc màu đen in một từ MUJI. Nếu để ý, bạn sẽ thấy cách mà thương hiệu này đặt tên cho sản phẩm của mình cũng thật khác biệt. Ở đó không bán những chiếc ‘bàn cà phê’ mà chỉ có ‘bàn gỗ sồi’, hãng để bỏ ngỏ tên gọi để người dùng có thể tự do định đoạt chức năng cho sản phẩm của mình. Màu sắc của sản phẩm cũng không hề sặc sỡ mà thiên về bảng ‘nguyên sắc’ tự nhiên, không dùng mà nhuộm và chân thật thanh khiết.

thương hiệu MUJI quạt

Photo: MUJI.

thương hiệu MUJI bút

Photo: MUJI.

thương hiệu MUJI ruler

Photo: MUJI.

Hara tạo ra MUJI còn hơn cả một dãy sản phẩm đơn thuần. Chúng chính là lối tư duy mới. ‘Sự đơn giản đến từ việc tước đi những chi tiết thừa thãi có thể vượt lên trên cả sự huy hoàng lộng lẫy.’ Chính nhờ sự sâu sắc đơn giản đó mà thương hiệu Nhật Bản này đang dần vươn lên vị trí hãng hàng đa dụng được yêu thích nhất trên thế giới. Sự khiêm nhường bảo bọc cho những giá trị sâu xa và quan trọng hết là lời cam kết cho chất lượng đã tạo lập nên vị trí của thương hiệu MUJI trong trái tim người dùng. Có vẻ giữa một thế giới quay cuồng bởi sự bóng bẩy tô vẽ thì sự chân thật giản dị mới đúng thật là điều con người tìm kiếm. MUJI không phải là sự chối từ của hiện tại mà là cơ hội cho nếp sống nguyên bản tự do, để người dùng làm những thứ mà họ muốn theo cách họ cảm thấy thích, hoàn toàn không bị dẫn dắt bởi chuỗi ám thị bủa vây từ những nhãn hàng. Vì lẽ đó mà ‘hư không’ chẳng phải giàu có rất nhiều hơn  ‘đủ đầy’ hay sao.

thương hiệu MUJI goods

Photo: MUJI.

Thực hiện: Phương Nguyễn theo MUJI.

Tham khảo: Hara, K. (2015). Designing Design. New York: Lars Muller Publishers.

Xem thêm:

Rèm Noren- biển hiệu kinh doanh độc đáo của Nhật Bản