Luxury of Slow – NTK Phạm Kiều Phúc

“Khi thấy mình không còn “mới”. Nếu làm việc liên tục thì với bất kỳ ai cũng sẽ thấy mình lặp lại chính mình. Đó là lúc cần chậm lại để nạp thêm năng lượng.” – Phạm Kiều Phúc.

Kiều Phúc 1

Phạm Kiều Phúc | Designer | Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.

Tác phẩm / công trình nào theo anh mà giá trị của thời gian là chất xúc tác tuyệt vời nhất?

Hay nói cách khác để thời gian là chất xúc tác tuyệt vời thì tác phẩm hay công trình phải như thế nào? Nếu không tính đến yếu tố vật liệu, ví dụ như đồ đồng, đồ gốm thường đẹp lên theo thời gian thì theo tôi có 2 yếu tố để một tác phẩm nghệ thuật hay công trình kiến trúc ngày càng đẹp.

Một là nó phải là sự đúc kết lâu đời của một nền văn hóa, trong đó mọi yếu tố từ thổ nhưỡng, tín ngưỡng, khát vọng và thẩm mỹ của một cộng đồng được tinh lọc và thăng hoa. Các cổ vật trưng bày trong bảo tàng của các nền văn hóa khác nhau hay hầu hết các thiết kế dân gian đều đạt được điều này. Riêng Việt Nam thì đình, chùa, miếu mạo Bắc Bộ là một trong những ví dụ. Những vật dụng đời thường như chiếc nón lá hay áo dài của chúng ta cũng vậy, đều là những “icon design” trường tồn với thời gian. Ở phạm vi nghệ thuật tạo hình, thì tôi thích tranh của họa sĩ Nguyễn Huy An và Phương Giò bởi tác phẩm của họ phản ánh được những yếu tố đã nêu trên.

Hai là tác phẩm, công trình đó cho chúng ta thấy được vũ trụ quan, năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ, tư tưởng mà họ muốn gửi gắm qua tác phẩm. Những điều có thể tác động đến chúng ta qua một hệ quy chiếu có tính phổ quát về cái đẹp và sự linh thiêng. Ví dụ như công trình nhà thờ chưa hoàn thiện La Sagrada famillia của Antoni Gaudi ở Barcelona mà tôi được tham quan tận mắt.

Công đoạn, kỹ thuật nào trong nghề nghiệp của chị cần nhiều thời gian nhất?

Giai đoạn ấp ủ ý tưởng. Với mỗi công trình hay một BST sản phẩm, việc tìm ra được ngôn ngữ duy nhất, cách tiếp cận đúng là quan trọng nhất. Đó là một quá trình không được nóng vội đưa ra câu trả lời dù có bao nhiêu năm kinh nghiệm.

Khi nào chị thấy cần chậm lại và vì sao?

Khi thấy mình không còn “mới”. Nếu làm việc liên tục thì với bất kỳ ai cũng sẽ thấy mình lặp lại chính mình. Đó là lúc cần chậm lại để nạp thêm năng lượng, trải nghiệm, cảm nhận để tiếp tục tái tạo và sáng tác.

Những trải nghiệm chậm rãi mà chị tâm đắc mỗi ngày?

Những lúc tôi ngồi thừ bên hiên nhà một mình và không nghĩ ngợi điều gì cụ thể. Lúc đó tôi chỉ đơn thuần là có mặt và chạm vào mọi thứ xung quanh tôi, âm thanh cũng như ánh sáng và mọi chuyển động từ ngọn cây rung rinh, chim chóc lách chách thấy mình, hàng xóm í ới. Chậm lại để được sống nhiều hơn.


Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.


Xem thêm:

Thương nhớ đồng quê

Vẻ đẹp của sự tự nhiên & thư thái