Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân – Làm nghệ thuật từ những thứ bỏ đi

Vẻ đẹp có thể tìm thấy trong hang cùng ngõ hẻm, trong những thứ tưởng chừng vô dụng và bị vứt đi.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân là người nhìn thấy vẻ đẹp và trao cho phế liệu những hình hài mới. Các tác phẩm nghệ thuật của anh đều được tạo nên từ rác thải, phế liệu, và đặt bên trong một công trình kiến trúc gọi là “xưởng tái sinh”.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân – Kể chuyện tái sinh bằng tất cả trái tim

Từ Sài Gòn trở về Hội An, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân muốn tạo ra một không gian nghệ thuật đủ “điên” để có thể giữ chân anh – người nghệ sĩ thích đi lang thang và có thể sáng tác ngẫu hứng ở bất cứ đâu. Vốn có tình cảm đặc biệt với những đồ vật cũ kỹ mang nhiều kỷ niệm, anh xây dựng một studio gọi là “xưởng tái sinh”, được làm từ rác thải, phế liệu để có thể tập trung sáng tác nghệ thuật tái sinh, với mong muốn biến các vật liệu cũ thành tác phẩm nghệ thuật và lan tỏa tinh thần tái sinh đến cộng đồng trong và ngoài nước. Ý tưởng về không gian sáng tác và triển lãm nghệ thuật độc đáo này đã hoài thai từ năm 2019 và vẫn tiếp tục được bồi đắp thêm từng ngày cho đến hiện tại. Với họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, “rất khó để nói rằng bao lâu thì xưởng sẽ hoàn thiện vì để ‘tái sinh’ đủ đầy theo ý mình thì cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”.

Ảnh chân dung Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân trong bộ trang phục do anh tự thiết kế và thực hiện.

Không gian bên trong “xưởng tái sinh” của Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân

Không gian bên trong “xưởng tái sinh” tựa như một bảo tàng chứa đầy các tác phẩm nghệ thuật tái sinh.

“Xưởng tái sinh” của Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân

“Xưởng tái sinh” là một công trình “kiến trúc tái sinh” được tạo nên từ vô số mảnh tôn cũ còn giữ nguyên lớp hoen gỉ, được họa sĩ Nguyễn Quốc Dân thu gom trong thời gian dài.

Nhà vệ sinh bằng bồn nước inox phế liệu

Nhà vệ sinh làm bằng bồn nước inox phế liệu.

“Biệt thự phế liệu” của họa sĩ

“Biệt thự phế liệu” của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân tọa lạc trên mảnh đất rộng 1.000m2 do một người bạn thân thiết hỗ trợ. Chuyện anh lặn lội từ bãi rác ven đường cho đến nơi thu mua phế liệu để thu gom những thứ người ta vứt đi đã không còn xa lạ với người dân Hội An. Sự xuất hiện của một công trình tái chế từ rác thải chứa đầy các tác phẩm nghệ thuật “ngộ ngộ” ban đầu cũng gây hiếu kỳ, nhưng dần dần lại nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người xung quanh. Từ đó, người dân nơi đây cũng chú ý hơn đến rác thải và quan tâm hơn đến giá trị văn hóa bản địa. “Nghệ thuật đa tầng lắm. Hãy cho phép con tim mình có tiếng nói riêng mỗi lần tiếp xúc, cảm nhận, không gò ép hay phân tách giới hạn hiện hữu của cảm xúc” – Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân nói.

Lan tỏa câu chuyện chân thật về nghệ thuật tái sinh

Có thể nói, bản thân xưởng tái sinh cũng là một tác phẩm nghệ thuật có hơi thở, đời sống riêng. Trong quá trình xây dựng, rất nhiều bạn bè trong và ngoài nước của anh thường xuyên lui tới thăm quan, tương tác trực tiếp với công trình kiến trúc, với không gian, vật liệu và dành sự quan tâm đặc biệt đến các tác phẩm tái sinh. Đặc biệt, ai đến đây cũng đều rất thích thú với nhà vệ sinh bằng bồn nước inox phế liệu được đặt ngay phía sau xưởng. Nguồn cảm hứng nảy nở từ thiên nhiên, môi trường và những món đồ cũ kỹ được tìm thấy ở bất cứ đâu trong không gian này có thể thôi thúc tinh thần sáng tạo của những ai ghé thăm. Dần dần, nơi đây không còn là xưởng sáng tác của riêng anh nữa mà trở thành không gian chung để các “nghệ sĩ môi trường” có cùng đam mê tái chế vật liệu có thể tham gia trình diễn, trưng bày tác phẩm, như “một bảo tàng tái sinh nho nhỏ kể những câu chuyện của riêng mình”.

Các tác phẩm tái sinh từ phế liệu của Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân

Các tác phẩm tái sinh từ phế liệu

Nơi ở của Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân

“Những tác phẩm đủ lớn không chỉ có bề dày ý tưởng mà còn phải có sức nặng, gây tiếng vang để lan tỏa câu chuyện chân thật về nghệ thuật tái sinh”. Để đáp ứng ngọn lửa lúc nào cũng “bùng cháy như điên” bên trong mình, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân thuê 3 địa điểm, một nơi để ở, một nơi để mở quán cà phê tái chế nhỏ và một nơi là xưởng thiết kế. Tại xưởng thiết kế, anh chỉ ưu tiên cho những sáng tác liên quan tới tái chế vật liệu cũ. Anh cho rằng sự tách biệt và phân định hơi cực đoan này là cần thiết để các sáng tác có chiều sâu và giá trị nhất định, không trộn lẫn. Trong khi đó, quán cà phê nằm trong phố cổ Hội An giúp anh lan tỏa tinh thần tái sinh đến nhiều người hơn, với không gian chủ yếu được làm từ đồ cũ, đồ phế liệu. Điều này thỏa mãn “máu điên” của anh vì “trong các không gian khác nhau, tôi lại thấy mình phiêu linh khác nhau”.

“Nghệ thuật tái sinh” có thể nói là loại hình nghệ thuật thể nghiệm tiềm năng nhất mà họa sĩ Nguyễn Quốc Dân phát hiện ở góc độ cá nhân. Hiện nay, nghệ thuật thể nghiệm không còn xa lạ với cộng đồng nghệ thuật Việt Nam và quốc tế. Nhưng để theo đuổi thực hành “nghệ thuật tái sinh” một cách bền vững và nghiêm túc lại là điều không dễ dàng. Tính thể nghiệm có thế xem là thử thách, nó thách thức người nghệ sĩ ở nhiều góc độ sáng tạo khác nhau bởi yếu tố tiên phong khi nghiên cứu sáng tác. Nó còn khó vì những tác động ngoại biên từ đời sống dân sinh đơn thuần. “Chúng ta dễ bị cuốn theo vòng xoáy của xã hội hiện hữu, xã hội tiêu dùng. Các giá trị vật chất như một cơn bão dễ cuốn bay mọi ước mơ, nỗ lực của người nghệ sĩ nếu anh ta không kiên định, vững vàng và tuyệt đối tin tưởng con đường mình đã chọn. Tôi xem tiến trình “đứng bên lề” của mỗi nghệ sĩ để quan sát xã hội vận hành cũng là một quá trình sáng tạo trong loại hình “nghệ thuật tái sinh”. Và tôi cũng đứng bên lề để nhìn ngắm xã hội, để kể về một xã hội đang tái sinh bên trong mình theo cách mà tôi cho là phù hợp nhất”, anh chia sẻ.

Về Nguyễn Quốc Dân

– Công việc: Họa sĩ
– Sinh năm 1984, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hội An, Quảng Nam
– Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và theo đuổi trường phái phi lập thể
– Có 4 triển lãm cá nhân và từng được đài NHK Nhật Bản làm phóng sự

Bài: Đông Quân | Hình ảnh: Duy Thanh


Xem thêm:

Sàn gỗ Öko với ý niệm tái sinh