Kiến trúc và phong cách thờ phượng cũng như các chi tiết trang trí mỹ thuật của chùa Phước Lâm mang màu sắc đặc trưng của kiến trúc Phật giáo Nam Bộ, với hệ thống kiến trúc theo nhiều lớp nhà được nối liền với nhau. Sự giao thoa Đông-Tây dễ bắt gặp qua các chi tiết trang trí mang âm hưởng phương Tây, song chỉ chiếm số lượng nhỏ, không ảnh hưởng nhiều tới tổng thể công trình, làm cho ngôi chùa có nét nhấn nhá theo lịch sử phát triển của kiến trúc Phật giáo đương thời tại miền Nam.
Phước Lâm tự (福林寺) hay còn gọi là chùa ông Miêng, là một ngôi già lam thuộc về hạt Chợ Lớn. Sau năm 1928, nó thuộc về tỉnh Tân An, sau này là Long An. Hiện thời, chùa nằm tại Xóm Chùa, Xã Tân Lân, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An.
Chùa được Cư sĩ Bùi Văn Minh khởi công xây cất vào những năm 1880. Tương truyền ông có tài y thuật, từng chữa được bịnh cho vợ các quan Tây nên tên tuổi của ông được nhiều người biết đến. Công trình được người dân trong vùng gọi là Chùa Ông Miêng – đây là một cách xưng quen thuộc tại Miền Tây, thường gọi tên chùa theo tên người Trụ trì hoặc người sáng lập. Trên mặt chữ Nho, chữ Minh và Miêng đồng nghĩa, có thể hiểu là danh xưng chùa Ông Miêng. Căn cứ vào bài vị, ta cũng có thể hiểu tên ông Bùi Văn Minh là Bùi Văn Miêng.
Cổng chùa Phước Lâm.
Cho đến nay, thể thức chùa đã có nhiều sự thay đổi. Song đó là sự hòa nhập giữa cách thức trang trí dạng phương tây tại các mặt dựng và tường vách, bờ nóc. Ngoài ra, khung cây vẫn giữ được nét truyền thống.
Không giống những ngôi chùa khác, cổng của công trình tôn giáo này được mở phía sau. Ban đầu trên cổng là hoành khắc chữ Nho 福林寺, sau này được cải thêm phần chữ quốc ngữ Phước Lâm tự đề bên dưới.
Thể thức chùa được bố trí theo dạng sắp đội phần chánh điện, hậu tổ và quá đường. Kèm theo đó là một nhà vảy phía sau, thoạt nhìn giống một thảo bạt đằng trước, vì công trình này này được trang trí nhiều hoa văn và chi tiết cầu kỳ hơn mặt dựng tại Chánh điện.
Tượng thờ tại Chánh điện.
Tương tự các ngôi chùa miền Nam, chùa Phước Lâm được xây theo thể thức khuôn rường một căn hai chái kép. Phần lòng căn chính giữa tôn trí tượng đức Phật, kế đó là các tầng thấp hơn, đặt tượng chư vị Bồ tát, Hộ pháp. Phía trên hàng cột nhứt bên trong treo tấm hoành sơn đề bốn chữ Đại Hùng Bửu Điện (大雄寶殿), phía dưới là bao lam chạm hình các vị A-La-Hớn (A-La-Hán), hai bên cột đều có kè liễn sơn thiếp. Hai bên chái đông nhứt và tây nhứt đều có an trí tôn thượng chư Phật, Bồ tát. Phần chái đông nhì và tây nhì được mở hai cửa để đi lên xuống. Hai bên vách tường thiết trí chuông trống bát nhã, có hai bộ bàn thờ để an trí tượng các tượng thờ.
Không gian Chánh điện.
Ngăn cách phần Phật điện và Tổ đường là một bức tường gạch tại phần Hàng nhì phía bắc Chánh điện. Trên các đầu trụ đều có đắp con tiện cách điệu. Phía Tổ đường phân làm ba bàn thờ, ứng với chánh trung, tả và hữu để thờ liệt vị tổ sư, chư hòa thượng quá vãng tại chùa. Phía sau là khu vực quá đường. Cách sắp xếp này thường thấy tại các ngôi chùa phía Nam.
Bàn thờ Tổ sư.
Tượng thờ A La Hán.
Kế Tổ đường và Quá đường là khu vực thờ cúng dòng họ Bùi đã có công khai lập ngôi chùa. Khu vực này gọi là Bùi thị từ đường (裴氏祠堂), được thiết trí ba bàn thờ với bàn thờ chánh trung là nơi hương khói cho vị cư sĩ đã tạo tự, đôi bên cho dòng họ, con cháu.
Hoành phi Thiệu Long Thánh Chủng.
Xung quanh chùa là các tháp thờ, mộ tháp của chư vị tổ sư, hay những gia đình có công hộ trì tại ngôi chùa, khu vực này gọi chung là Tháp lâm (rừng tháp).
Chùa được xây cất rộng rãi, các đồ án trang trí họa tiết, hoa văn mỹ thuật được khéo léo lựa chọn, điểm xuyết các chi tiết trang trí chủ đạo tại khu vực chánh điện, tổ đường. Ngoài ra còn có hệ thống hoành phi, liễn đối, tạo nên không gian thờ cúng trang nghiêm, đầy màu sắc linh thiêng, mang vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc.
Chi tiết trang trí hoa lá kiểu thức phương Tây, mặt sau chùa Phước Lâm.
Một chi tiết trang trí bao lam.
Nhìn chung, với bố cục theo chiều dọc, các thành phần liên tiếp nhau từ Chánh điện, Tổ đường, Quá đường, các khu vực nhà hậu và nhà trù đã tạo nên một công trình kiến trúc khép kín. Các khu chức năng được hoạch định rõ ràng theo phong cách sinh hoạt của chốn tòng lâm Phật giáo Bắc truyền. Hệ thống tượng thờ đa dạng, đầy sắc thái, phong cách diễn đạt tinh tế, cứng cáp nhưng khiêm cung, càng nhấn mạnh thêm tinh thần hòa nhã, từ bi của đạo Phật.
Có thể nói, Phước Lâm được coi là một ngôi chùa tiêu biểu cho Phật Giáo tỉnh Long An, với cốt cách của một công trình lịch sử mang dấu ấn văn hóa, kiến trúc và mỹ thuật từ cuối thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ thứ XX, đánh dấu giai đoạn giao thoa của lịch sử kiến trúc nói chung hay kiến trúc Phật giáo Nam Bộ nói riêng.
Kiến trúc truyền thống là một tấm gương phản chiếu sinh động đời sống và tâm hồn của người dân quá khứ. Chùa – công trình mang đậm hơi thở tâm linh – gắn liền mật thiết với cuộc sống làng quê và bản sắc người Việt. Chuỗi bài “Nét đẹp chùa cổ Nam Bộ” giúp bạn đọc khám phá những giá trị kiến trúc, mỹ thuật, từ đó phác họa phong cách sống của người Nam Bộ xưa dưới lăng kính tâm thức Phật giáo.
Bài & Ảnh: Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính – Nhà nghiên cứu đam mê tìm hiểu về văn hóa lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn và vùng Nam Bộ.
Xem thêm: