Dưới mái trần cổ kính của phòng trưng bày Ballroom thuộc Jupiter Artland, Scotland, triển lãm thú nhồi bông WYRD của Jonathan Baldock tái hiện một nghi lễ thị giác đầy mê hoặc – nơi mà những sinh vật có mối quan hệ đồng giới “kỳ quặc” trở thành biểu tượng của sự tự do, yêu thương và bản sắc.
Ảnh: Neil Hanna
Thoạt nghe, cái tên WYRD có thể khiến người ta liên tưởng đến từ “weird” – một tính từ dùng để chỉ những điều lạ lùng, khó hiểu, đôi khi lệch lạc. Trong văn hóa đại chúng ngày nay, “weird” thường mang hàm ý tiêu cực, được gán cho những người hoặc vật vượt ra ngoài khuôn khổ quen thuộc, không theo chuẩn, không giống số đông và vì thế dễ bị dè bỉu, chê bai.
Diện mạo của những con thú nhồi bông giống hệt như đồ chơi thủ công phổ biến những năm thập niên 70-80.
Nhưng thực chất, WYRD mà Jonathan muốn thể hiện là một từ bắt nguồn từ tiếng Na Uy cổ (Old Norse), mang lớp nghĩa sâu sắc hoàn toàn khác biệt. Trong đức tin thời kỳ tiền Kitô giáo, “wyrd” được nhân cách hóa như một nữ thần quyền năng có thể dệt nên số phận của con người, không chỉ trong đời sống vật chất mà cả trên bình diện tâm linh. Đó là một hình ảnh linh thiêng, đầy quyền uy, gắn liền với khái niệm về định mệnh: mỗi sự khác biệt đều có lý do và mỗi cá thể, dù lạ lùng đến đâu, cũng có một vai trò trong trật tự vũ trụ.
Ảnh: Neil Hanna
Tuy nhiên, qua thời gian, “wyrd” cũng như nhiều khái niệm khác dần bị bào mòn ý nghĩa nguyên bản. Khi văn hóa mới lên ngôi và định nghĩa lại những điều được cho là “đúng đắn”, “tự nhiên” hay “chấp nhận được”, thì “wyrd” cũng bị gán cho những sắc thái tiêu cực. Từ chỗ từng đại diện cho sự vận hành huyền bí của vũ trụ, nó trở thành một cái mác để chỉ những thứ nên tránh né.
Vải thô và những đường may lộ liễu gợi liên tưởng đến cách phẫu thuật của bác sĩ Frankenstein.
Việc lựa chọn từ WYRD làm tên gọi cho triển lãm không đơn thuần là một sự hoài niệm mang tính ngôn ngữ học, mà là một hành vi nghệ thuật mang tính phục hồi ký ức. Jonathan Baldock không chỉ muốn khơi gợi và trao trả lại cho từ “wyrd” nghĩa gốc tốt đẹp vốn có mà còn muốn truyền tải câu chuyện về sự khác biệt phi thường (exceptional otherness) cần được thừa nhận, nâng niu và vinh danh.
Jonathan Baldock đã làm việc liên tục trong ba tháng để tạo ra từng cặp động vật bằng tay trong xưởng của mình.
Ý niệm ấy không chỉ nằm ở tên gọi, mà còn thấm đẫm trong hình tượng của mỗi sinh vật trong triển lãm. Những cặp thú nhồi bông được tạo ra gồm: hươu cao cổ, thằn lằn, ngựa, mèo, chuột, gà, chim cánh cụt. Đây đều là những loài vật đã được khoa học chứng minh là có hành vi và mối quan hệ đồng giới. Chúng tồn tại phổ biến trong tự nhiên nhưng thường bị con người phớt lờ hoặc phủ nhận vì không khớp với khuôn mẫu giới tính nhị nguyên và dị tính. Người nghệ sĩ chọn thể hiện những con vật này vào tác phẩm của mình, vượt ra khỏi sự mô phỏng sinh học thông thường qua hình hài lai tạo độc đáo, biến chúng thành biểu tượng cho những bản thể từng bị xem là lệch chuẩn – giờ đây được trao vị trí trung tâm với vẻ đẹp và quyền năng riêng.
Các bộ phận như: tay, mũi, tai, khuôn mặt của mỗi con thú nhồi bông được đúc bằng gốm bởi chính Jonathan Baldock và cộng sự Rafal Zajko.
Những thông điệp ẩn chứa trong tên gọi và tạo hình của các tác phẩm thú nhồi bông khiến triển lãm WYRD như một lời mời gọi nhìn lại những gì ta từng gạt bỏ, những điều ta từng sợ hãi, để nhận ra rằng bên dưới lớp bụi phủ định kiến có thể là những điều diệu kỳ.
Thực hiện: Thùy Như | Ảnh: Neil Hanna | Theo: Wallpaper*
Xem thêm:
Triển lãm thời trang Dior tại Hàn Quốc