Văn hóa đã ảnh hưởng đến sự tương phản trong nhà bếp của Nhật Bản và Mỹ như thế nào?

Chịu ảnh hưởng từ văn hóa nói chung và ẩm thực nói riêng, nhà bếp Đông và Tây mang những nét đặc đặc trưng riêng và dần được hội tụ qua sự phát triển của xã hội và công nghệ.

Không chỉ là trái tim của ngôi nhà, nhà bếp còn là một bảo tàng văn hóa nhỏ lưu giữ những công thức nấu ăn gia truyền, những cách thức nấu nướng hay thậm chí là cả những di sản, nếu xem ẩm thực là một phần đại diện của văn hóa. Chịu ảnh hưởng bởi tập quán dân tộc và phong tục ẩm thực, kiến trúc bếp ở các châu lục có những khác biệt rõ rệt. Có thể nói, nhà bếp đã vượt qua vai trò nội trợ và trở thành biểu tượng rõ nét của các yếu tố văn hóa, xã hội và khu vực. Từ sự ấm áp của nhà bếp Ý và tập trung vào mối quan hệ gia đình đến không gian thông thoáng đặc trưng của nhà bếp Thái Lan, thiết kế nhà bếp của mọi quốc gia đều bị chi phối bởi chức năng chịu ảnh hưởng của văn hóa. Mặc dù có nhiều điểm chung trong cách bố trí không gian, nhưng vẫn có sự khác biệt rõ rệt giữa kiến ​​trúc bếp phương Đông và phương Tây.

nha bep noi that

Căn bếp tại ngôi nhà Paintbrush Residence, thiết kế bởi CLB Architects. Ảnh: Matthew Millman

Sự khác biệt giữa thiết kế nhà bếp phương Đông và phương Tây chủ yếu gồm những sự tương phản trong ẩm thực và phương pháp nấu nướng. Kích thước, cách bố trí, bảo quản và kỹ thuật tổ chức cũng được quyết định bởi nhu cầu của từng kiểu ẩm thực. Các chuẩn mực văn hóa xung quanh không gian, giao tiếp xã hội và vệ sinh hình thành không gian của nhà bếp trên phạm vi quốc tế mà ví dụ điển hình ở đây là Nhật Bản và Mỹ.

Nhà bếp Nhật Bản

Một trong những quốc gia có căn bếp đặc trưng nhất là Nhật Bản. Nhà bếp truyền thống của Nhật Bản được biết đến với thiết kế đơn giản nhưng hữu dụng, chú ý vào chi tiết và có mối liên hệ mật thiết với văn hóa và phương thức nấu nướng của mình. Bố cục của không gian bếp Nhật có xu hướng nhỏ gọn, sắp đặt hợp lý các thao tác trong diện tích nhỏ. Nấu ăn và dự trữ tập trung vào các ý tưởng về sự tối giản nhưng hiệu quả. Không gian được tổ chức để giảm thiểu các chuyển động không cần thiết thường xuyên bằng cách sử dụng cấu hình bếp theo kiểu galley hoặc hình chữ U. Nhiều nhà bếp truyền thống còn có cửa riêng phía sau để tạo một lối khác thuận tiện hơn cho việc giao nhận đồ.

nha bep co truyen nhat ban

Một căn bếp truyền thống của Nhật Bản. Ảnh: Hu Totya

Như hầu hết các quốc gia Châu Á, cách nấu ăn của người Nhật được thực hiện trong tư thế cúi hoặc ngồi, ảnh hưởng đến thiết kế của nhà bếp. Việc sử dụng mặt bàn thấp cho phép người nấu có thể quỳ gối thoải mái trong khi chế biến thức ăn. Không gian bếp truyền thống của Nhật Bản có thể có chiếu tatami và cửa trượt tạo không gian linh hoạt và dễ thích nghi.

Những ngôi nhà xưa của Nhật Bản có nhà bếp được xây dựng tách biệt với nơi ở vì lý do an toàn cháy nổ, tránh mùi và khói cũng như các quan niệm xã hội xung quanh sự riêng tư và ngăn cách. Trong suốt thế kỷ 12 và 13, nhà bếp dần dần được đưa vào nhà chính với không gian sống lớn hơn, trong khi vẫn duy trì đặc tính của một không gian tách biệt. Trong các gia đình Nhật Bản, nhà bếp thường được coi là một không gian chức năng hơn là khu vực tụ họp để giao lưu. Mặc dù nấu ăn thường là một hoạt động chung nhưng không có nhiều liên kết với những người còn lại trong gia đình. Với chuẩn mực văn hóa này, người ta ít chú trọng đến các khu vực nhà bếp lớn để giải trí hoặc chứa các nhóm người lớn.

thiet ke noi that kitchen

Căn bếp tại căn hộ room206 Apartment, thiết kế bởi Daiki Awaya. Ảnh: Daiki Awaya

Nhà bếp Mỹ

Kiến trúc nhà bếp Mỹ thể hiện một loạt tính năng phong phú được phát triển theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của gia chủ. Các không gian ban đầu vốn dùng để trữ các thiết bị và đồ dùng sử dụng tay. Văn hóa ẩm thực Mỹ nhấn mạnh vào nấu nướng và thể hiện. Các gia đình Mỹ tận hưởng những bữa ăn được chuẩn bị kĩ lưỡng và tổ chức các buổi họp mặt tại nhà của mình. Vì vậy, họ thường có xu hướng muốn có căn bếp rộng rãi hơn để vừa có đủ diện tích cho nhiều người lẫn không gian để trữ đồ, vừa có thể quan sát nấu nướng, hướng đến niềm đam mê ẩm thực và ăn uống cùng nhau.

nha bep kieu my

Không gian nhà bếp mùa hè truyền thống của Mỹ. Ảnh: Knoxville Museum of Art

Khác với những căn bếp Á như Nhật Bản, không gian bếp Mỹ thường kết nối với phòng ăn và phòng khách. Nhà bếp mở là ý tưởng khá phổ biến với phần “đảo bếp” được phát minh bởi KTS người Mỹ Frank Lloyd Wright. Ông tin rằng nếu căn bếp là linh hồn của ngôi nhà, thì đảo bếp là trái tim của linh hồn đó. Mặt bằng mở và đảo bếp mở rộng nhà bếp thành không gian đa chức năng, đóng vai trò là trung tâm giao lưu và giải trí trung tâm.

Ngày nay, thế giới ngày một phẳng hơn và công nghệ cũng tiến bộ hơn, những đặc điểm khác biệt một thời của nhà bếp Nhật Bản và Mỹ đang bắt đầu hội tụ. Với sự phát triển của công nghiệp hóa và tự động hóa, thiết kế không gian bếp đang trở nên chuẩn hóa hơn, tập trung vào hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của các thiết bị và tiện ích hiện đại. Sự hội tụ này cho thấy tương lai của thiết kế không gian bếp có thể ưu tiên sự tiện lợi và chức năng, làm mờ ranh giới giữa truyền thống văn hóa và nắm bắt những lợi ích của sự đổi mới hiện đại. Trong khi các khía cạnh văn hóa độc đáo của căn bếp Nhật Bản và Mỹ có thể vẫn còn hiện diện, những điểm tương đồng ngày càng tăng cho thấy tác động của ảnh hưởng toàn cầu và bản chất phát triển của kiến ​​trúc nhà bếp trong thế kỷ 21.

noi that phong bep hien dai

Căn bếp tại Hemlock House, thiết kế bởi Alexander Jermyn Architecture. Ảnh: Jeremy Bitterman

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Archdaily


Xem thêm

Lịch sử nhà bếp – Từ những yến tiệc đến không gian chức năng

Những lưu ý khi thiết kế căn bếp cá nhân hóa