Từng được nhận Huy chương vàng Hoàng gia RIBA, kiến trúc sư Michael Hopkins là biểu tượng tiên phong trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao vào kiến trúc trong 3 thập kỉ từ những năm 1970 với những công trình nổi bật, thể hiện sự nhạy bén độc đáo với bối cảnh lịch sử, đồng thời thúc đẩy thế hệ kiến trúc sư của ông nhận được sự công nhận rộng rãi của giới phê bình.
Cùng với các kiến trúc sư đương thời như Richard Rogers và Norman Foster, Michael Hopkins đã đã phá vỡ các quy ước trong hầu hết mọi điển hình luận mà ông đã làm việc cùng để thiết lập phong cách chống lại cả di sản vật chất hiện tại lẫn lâu đời của quốc gia.
Sau khi kết hôn với Patty, một người bạn cùng lớp tại Hiệp hội Kiến trúc, Michael Hopkins đã cùng vợ bắt đầu sự nghiệp kiến trúc sư và nhanh chóng nhận được nhiều công trình lớn như Trung tâm Nghiên cứu Schlumberger Cambridge, Ga tàu điện ngầm Westminster và Nhà hát Opera Glyndebourne…
Ngoài Huy chương vàng Hoàng gia RIBA, ông còn được trao những giải thưởng và huy chương danh giá như Huy chương Đế Quốc Anh năm 1989, được bầu làm Viện sĩ Hoàng gia năm 1992, được phong tước hiệp sĩ cho những cống hiến trong kiến trúc năm 1995, giải thưởng AJ100 Contribution to the Profession năm 2011.
Chân dung kiến trúc sư Michael Hopkins. Ảnh: Hopkins Architects.
Ngày 17/6/2023, kiến trúc sư Michael Hopkins qua đời ở tuổi 88. Ông để lại di sản gồm những công trình mang tính tiên phong tại thời điểm hoàn thành và vẫn luôn phù hợp với thời đại ngày nay. Cùng ELLE Decoration điểm qua 10 công trình chủ chốt trong suốt sự nghiệp của vị kiến trúc sư tài ba.
Hopkins House (1976)
Được thiết kế bởi vợ chồng Michael và Patty Hopkins, tư gia hai tầng của cặp đôi kiến trúc sư được làm bằng vật liệu thép nhẹ và kính theo phong cách tối giản. Ngôi nhà được thiết kế mở với các không gian sinh hoạt và làm việc được ngăn cách bởi những chiếc rèm lá ngang, khiến các căn phòng có thể thông với nhau theo ý muốn. Công trình được nhận giải thưởng RIBA năm 1977.
Ảnh: Historic England Archive
Nhà kho Greene King (1980)
Giống như nhiều tòa nhà công nghệ cao giai đoạn đầu, không gian lưu trữ và phân phối của Nhà máy bia Greene King ở Bury St Edmunds là một nhà kho công nghiệp. Công trình rộng 2.600m2 có mái che bằng giàn thép kéo dài phía trên khoang chất hàng, được nâng lên trên vùng đồng bằng lũ lụt trên một loạt các cột bê tông.
Ảnh: Ken Kirkwood
Trung tâm Nghiên cứu Schlumberger (1985)
Công trình có cấu trúc của ba chiếc lều được treo trên một mạng cáp lưới, được nâng đỡ bởi một loạt cột buồm. Các cấu trúc dạng lều được làm từ sợi thủy tinh phủ Teflon, bao quanh một không gian trung tâm được thiết kế để chứa một trạm thử nghiệm giàn khoan cùng với một không gian xã hội mang tên khu vườn mùa đông. Những cấu trúc này được bao quanh bởi hai cánh có cấu trúc độc lập, sử dụng làm văn phòng và phòng thí nghiệm.
Ảnh: Dennis Gilbert
Sân vận động Mound (1987)
Khánh đài của sân vận động được xây dựng trên một công trình bằng gạch cổ có từ thế kỉ 19 có cấu trúc được nâng đỡ bởi 6 cột mở rộng. Thiết kế mái nhà trông như cột buồm làm bằng vải polyester phủ PVC bền bỉ.
Ảnh: Richard Bryant
Glyndebourne Opera House (1994)
Nằm cạnh một dinh thự kiểu tân Elizabeth bằng gạch đỏ, Nhà hát Opera Glyndebourne được thiết kế để trở thành điểm đến thưởng ngoạn nghệ thuật có 1.200 chỗ ngồi đầy đủ chức năng, phù hợp với vị trí lịch sử của nó. Công trình hình bầu dục được đặt sâu xuống đất 10m để che đi quy mô của nó và được xây dựng bằng gạch đỏ Hampshire làm thủ công để gợi nhớ đến tòa nhà lân cận. Dấu ấn tiên phong của công trình là tháp bay công nghệ cao ở sân thượng.
Ảnh: Martin Charles
Trạm tàu điện Westminster (1999)
Là phần của phần mở rộng tuyến Jubilee của hệ thống tàu điện ngầm London, trạm tàu điện được định hình bởi cấu trúc thượng tầng của các ống thép khổng lồ và trụ bê tông. Cấu trúc này đồng thời nâng đỡ khối văn phòng Portcullis House được xây dựng ngay phía trên.
Ảnh: Dennis Gilbert
Portcullis House (1999)
Được xây dựng ở vị trí lịch sử cạnh Cung điện Westminster, công trình Portcullis House sáu tầng là một ví dụ về Chủ nghĩa Cổ điển Công nghệ cao của Kiến trúc sư Michael Hopkins. Tòa nhà có 200 văn phòng dành cho các Thành viên Quốc hội và được bao bọc trong các cột đá sa thạch được ngăn cách bởi các tán thép và ô cửa sổ với 14 ống khói thông gió trên cùng. Công trình được lọt vào danh sách đề cử của giải thưởng Stirling 2001.
Ảnh: Richard Davies
Bệnh viện nhi Evelina (2005)
Là tòa nhà thứ hai trong số bốn tòa nhà của văn phòng kiến trúc Hopkins Architects được lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Stirling, Bệnh viện nhi Evelina được thiết kế để trở thành cơ sở khám chữa bệnh hiện đại dành cho trẻ em. Nằm gần như đối diện với Cung điện Westminster ở trung tâm London, tòa nhà bao gồm hai dãy nhà dài chạy dọc theo giếng trời trung tâm, nơi có các khu vực chờ và một quán cà phê.
Ảnh: Paul Tyagi
Kroon Hall (2009)
Được thiết kế để thể hiện các giá trị của Trường Nghiên cứu Môi trường và Lâm nghiệp, Kroon Hall là công trình bền vững nhất tại trường đại học Yale hoặc thậm chí là nhất nước Mỹ, theo nhận định của văn phòng kiến trúc. Được xây dựng bằng vật liệu địa phương bao gồm đá Briar Hill và gỗ rừng Yale, tòa nhà kết hợp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, máy nước nóng năng lượng mặt trời, hệ thống thu nước mưa và máy bơm nhiệt từ đất.
Ảnh: Robert Benson
Sân vận động Velodrome (2011)
Là công trình biểu tượng được xây dựng để tổ chức Thế vận hội Olympic 2012, sân vận động có sức chứa 6.000 chỗ ngồi có mái nhà hình paraboloid hyperbol mềm mại. cấu trúc của công trình và mái lưới cáp được thiết kế để giảm khối lượng tổng thể của sân vận động.
Ảnh: Edmund Sumner
Tổng hợp: Hoàng Lê
Xem thêm
Những tài liệu quý giá của kiến trúc sư Luis Barragán được công bố
Tôn vinh sự nghiệp 6 thập kỉ của Norman Foster tại triển lãm tầm cỡ
Kiến trúc sư Yasmeen Lari nhận giải thưởng RIBA Royal Gold Medal 2023