Đường đến cung điện Domus Aurea

Từ chất liệu kim loại và hiệu ứng đèn LED được bố trí khéo léo, đường hầm dẫn đến cung điện Domus Aurea không chỉ là lối giao thông nối giữa hai điểm mà còn là hành trình trải nghiệm kỳ quan lịch sử được dẫn dắt bằng thiết kế hiện đại.

Văn phòng kiến trúc Stefano Boeri Architetti đã hoàn thành việc thiết kế và thi công một không gian giao thông đường bộ bên dưới lòng đất. Lối đi này sẽ dẫn khách tham quan đến các phòng bên trong cung điện lịch sử nổi tiếng thời La Mã: Domus Aurea. Khách tham quan sẽ bắt đầu hành trình từ Oppian Hill Park xuyên qua 6 mét xuống lòng đất và tiến đến Octagonal Room.

Cung điện Domus Aurea được xây dựng bởi Hoàng đế Nero sau trận hỏa hoạn lớn năm 64 AD, đây là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của thành Rome. Vì vậy các biện pháp can thiệp đến kết cấu của tàn tích đều được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tác động trực tiếp nhằm bảo tồn nguyên vẹn giá trị lâu đời.

Ảnh: Lorenzo Masotto.

“Dự án đường hầm dẫn đến Domus Aurea và lối đi bộ vào Octagonal Room là cơ hội phi thường để mang đến sức hấp dẫn cho thành phố, một trong những yếu tố gợi nhớ về lịch sử và kiến trúc La Mã.” – Boeri cho biết.

Ảnh: Lorenzo Masotto.

Ảnh: Lorenzo Masotto.

Những lối đi, hầm ngầm và hàng trăm căn phòng được khai quật tại Domus Aurea cần được trùng tu thường xuyên và phải đóng cửa trong nhiều năm qua. Sau giai đoạn trùng tu mới nhất, Domus Aurea đã mở cửa trở lại vào năm 2020 với buổi triển lãm lớn lấy chủ đề về Raphael – nghệ sĩ vĩ đại thời kỳ Phục Hưng, nhưng phải hoãn lại đến 23/06/2021 vì đại dịch. Triển lãm được tổ chức tại Octagonal Room và 5 phòng liền kề.

Ảnh: Lorenzo Masotto.

Ảnh: Lorenzo Masotto.

Du khách đi từ Oppian Hill Park sẽ băng qua lối đi làm từ thép mạ kẽm, sơn đen cùng các chi tiết bằng đồng. Bản thiết kế vừa khiến đường hầm chìm vào bao cảnh xung quanh, vừa nhấn mạnh tính đương đại của chất liệu kim loại. Không gian bao lấy lối đi là một hệ kiến trúc dạng mái vòm nối dài theo tầm mắt, đây là cấu trúc hiện hữu của công trình được giữ nguyên vẹn kể từ thời điểm khai quật. Bên dưới lối đi là các dầm thép trợ lực ẩn trong tấm kim loại nguyên khối mạ kẽm. Một số khu vực như thang máy hoặc điểm kết thúc lối đi cũng được khéo léo che chắn bằng các bức bình phòng nhằm đảm bảo hệ thống thẩm mỹ xuyến suốt, tránh gây ảnh hưởng đến cảm quan trải nghiệm.

Chi tiết đèn LED xuất hiện xuyên suốt chiều dài của lối đi và phản chiếu qua lại trên các bề mặt kim loại đóng vai trò điểm nhấn thị giác chính trong thiết kế. Chúng làm nổi bật điểm giao giữa đường đi và tường bao, tạo cảm giác lơ lửng, đồng thời chiếu sáng không gian một cách tinh tế. Ngoài ra để đảm bảo quá trình thi công không gây ảnh hưởng đến tàn tích, toàn bộ các công đoạn đều được thực hiện thủ công, hạn chế sử dụng máy móc hoặc các thiết bị hàn.

“Quyết định sử dụng ánh sáng vào thiết kế mang lại cảm giác đắm chìm, như thể được quan sát tàn tích từ trên cao một cách rõ nét trên suốt quãng đường đến Octagonal Room.”

Ảnh: Lorenzo Masotto.

Thiết kế kiến trúc: Stefano Boeri Architetti.
Thiết kế kết cấu: BCD Progetti, Giuseppe Carluccio, Guido Maccone.
Ánh sáng: ERCO.


Bài: Đức Nguyên | Theo: Dezeen | Ảnh: Lorenzo Masotto. 


Xem thêm:

Trạm dừng trải nghiệm bên bờ biển Barrañan

Tái sinh nhà sách cũ