Chiếc ghế “đám mây” và kĩ thuật in 3D mới nhất

Một dải nhựa nối liền gần như vô tận chính là thứ cấu thành nên chiếc ghế đầu tiên được sản xuất bằng kĩ thuật in 3D do một robot thực hiện. Đây là kết quả công trình nghiên cứu của trường Kiến trúc Barlett tại London.

Tương lai của kĩ thuật in 3d

Phòng lab thiết kế của trường Barlett đã lập trình được một phần mềm mở ra nhiều hướng đi mới cho ngành in 3D, vốn được coi là tương lai của kĩ thuật sản xuất trên thế giới. Thật vậy, nếu các máy in 3D thông thường tạo hình sản phẩm bằng kĩ thuật chồng lấp vật liệu theo từng layer, phần mềm mới này cho phép việc tạo hình bằng một đường nét liên tục bằng vật liệu thực tế. Bản vẽ thiết kế khi được đưa vào xử lý bởi robot sẽ được dần dựng lên bằng dải plastic được liên tục phun ra và nhanh chóng nguội và cứng lại thành form dáng.

Với sáng kiến mới này, không những các nhà thiết kế có cơ hội tạo ra nhiều pattern đặc biệt thú vị và gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ, mà hệ thống máy còn giúp họ tính toán sao cho sản phẩm ra đời với khối lượng vật liệu tối giản nhất có thể nhằm bảo đảm tính hiệu quả và tiết kiệm,

Được hi vọng sẽ thay đổi cách các nhà thiết kế làm việc

Được xem là cách giúp cho các nhà thiết kế được nắm vai trò làm chủ nhiều hơn trong quá trình thiết kế và sản xuất ra một form dáng sản phẩm mới, bỏ qua những bước chuyển tiếp mà trong quy trình cũ các designer không được nắm bắt tường tận và bị hạn chế trong việc thực hiện nhiều kiểu mẫu.

Kết quả sẽ là một chiếc ghế trông gần giống như mẫu ghế Panton – tư liệu hình ảnh của dự án – nhưng không hoàn toàn như vậy. Nguyên mẫu ghế Panton là khối chất liệu đặc và liền mạch, trong khi sản phẩm mới lạ là một cấu trúc dạng đám mây với độ xốp và thoáng ở giữa những đường plastic nhỏ.

Dự án đang được nghiên cứu và phát triển thêm, và đã nhận được giải thưởng Autodesk ACADIA dành cho nghiên cứu mới có tiềm năng năm 2016.