Không đơn thuần chỉ là cảm xúc về màu sắc, những công trình mà Elle Décoration lựa chọn đều có những câu chuyện riêng về thiết kế, và không phải tất cả đều dễ dàng được chấp nhận bởi cộng đồng bằng sự đa sắc của chính mình.
ĐA SẮC MÀU TỪ TRUYỀN THỐNG BẢN ĐỊA
Có niên đại từ năm 1338, Manarola là một trong những ngôi làng nhỏ lâu đời nhất ở Cinque Terre, Ý. Ngôi làng với các ngôi nhà được cư dân tô điểm nhiều màu sắc qua nhiều thế kỉ vẫn còn vươn ra sườn núi Địa Trung Hải và đẹp một cách ngoạn mục. Nguyên nhân cho cách làm này là để ngôi làng được nổi bật trong khung cảnh của những sườn núi rất dốc, trơ trọi thực vật và thiếu thốn bãi cát dài vàng rực rỡ.
Hòn ngọc phía Bắc của nước Ý, đảo Burano lại mang câu chuyện khác dù cùng chung đặc điểm với những ngôi nhà rực rỡ. Hệ thống màu sắc của chúng được quy định rõ bởi chính quyền từ thế kỉ 16 – giai đoạn hoàng kim phát triển Burano. Chính sách cho biết nếu một người muốn sơn ngôi nhà của mình, chính quyền sẽ cung cấp một danh sách các màu sắc cụ thể. Họ chỉ cho phép màu sắc tươi sáng để thành phố trở nên sống động, và dễ phân biệt chúng vào những buổi sáng tinh sương.
LỚP ÁO CẢI TẠO ĐA SẮC
Một trường hợp đến từ sự chủ động của Chính phủ là Tòa nhà Bộ Thông tin Truyền thông Singapore (MICA). Tòa nhà được coi là một trong những công trình tốt nhất trên thế giới tại thời điểm xây dựng với thang máy điện vào năm 1933. Khi hoàn thành vào năm 1934, nó là toà nhà chính phủ lớn nhất và được coi là một tòa nhà chọc trời hiện đại. Xây theo lối kiến trúc Neo-Classical, được chính quyền bảo tồn kỹ lưỡng qua nhiều giai đoạn và được xem là một trong những biểu tượng quốc gia. Với tầm quan trọng của nó, năm 1997, trong một chương trình cải tạo, 927 cửa sổ đã được sơn theo palette cầu vồng và cân bằng được sức hút của mình với các tòa nhà hậu thế kính thép xung quanh.
Cùng với các khu vực Clarke Quay, Anderson Quay và Boat Quay – bến cảng xưa, MICA đã góp phần tạo nên hiệu quả không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch, làm nên bản sắc đa dạng của đất nước này cũng như đó là dụng ý của giới thiết kế nhằm làm giảm bớt đi áp lực cuộc sống công nghiệp và nâng cao sáng tạo.
NHUỘM MÀU CHO NHỮNG GÌ BỊ LÃNG QUÊN
Nghệ sĩ graffiti Hense đã làm điều đó với một nhà thờ cũ ở quận nghệ thuật tại Washington D.C. Sau vài tuần lễ, một nhà thờ trắng – bị bỏ hoang, đã được chuyển biến thành một tác phẩm nghệ thuật ba chiều rực rỡ. Sự tranh luận đã diễn ra căng thẳng và một số người cho rằng đó là một sự xúc phạm đến Giáo hội. Trong khi đó, luồng suy nghĩ tích cực lại cho rằng nó hoàn toàn hợp pháp và đã đưa địa hạt Graffiti đến gần hơn với nghệ thuật chính thống. Thật hiếm hoi để chúng ta có được một tác phẩm đường phố ở định dạng ba chiều, và quan trọng hơn đó còn là một công trình tôn giáo.
Sự “đụng chạm” giữa nghệ sĩ đường phố và giáo đường đem đến cho bạn cảm giác tàn nhẫn, hỗn độn hay đem đến cho bạn một ý niệm khác về sự bảo tồn đương đại, một thiên đường màu sắc mới vừa được Thiên Chúa ban phước lành?
Tranh đấu với chính quyền địa phương vào năm 2009, thương hiệu thời trang thể thao Pigalle, Paris đã gìn giữ được chức năng sân chơi cộng đồng cho khoảnh đất nằm giữa hai tòa nhà tại quận 9, thay vì được chuyển đổi thành một bãi đậu xe đơn thuần. Pigalle khi ấy được sự giúp sức của Nike – hãng sản phẩm thể thao nổi tiếng vốn luôn quan tâm đến sân chơi thể thao cộng đồng cho giới trẻ.
Năm 2014, Pigalle ra mắt cửa hàng bóng rổ gần đó, kết hợp với Studio Ill, đầu tư thay mới lại lần nữa sân chơi này với lớp áo nhiều màu sắc, lấy cảm hứng từ bức họa “Sportsmen” của họa sĩ Kasimir Malevich. Sân bóng rổ Pigalle Duperré với những dải thảm tân tiến EPDM càng nổi bật và làm sống động không gian vốn dĩ có thể bị cho là nhàm chán, nay trở thành một đại diện tiêu biểu cho sức tác động tích cực của những nhà đầu tư vào các dự án cống hiến cho xã hội, hoặc nói cách khác là chiến lược kinh tế khéo léo và tinh tế theo đúng tinh thần và phong cách Paris.
TUYÊN NGÔN ĐA SẮC CỦA THẾ HỆ MỚI
H.A Workshop – Studio trẻ tại Việt Nam vừa trình làng một sản phẩm nổi bật tràn đầy màu sắc tại công viên giải trí Đầm Sen. Sân chơi vốn là không gian trống đầy nắng và gió mạnh. Những lá cờ phấp phới đầy màu sắc đi theo hệ cột vươn xa, kết cấu uốn lượn khép kín, kết hợp sân vườn trồng thêm cây xanh để tạo bóng râm … Mọi thứ làm nên một kiến trúc chuyển động, lơ lửng và trôi bồng bềnh, “Rồng rắn lên mây” làm dịu đi ánh nắng bức xạ trực tiếp bằng dải chuyển màu thu hút phản chiếu lên mặt sân bê tông, cung cấp sân chơi mới cho giới trẻ và bản thân nó cũng giái quyết được bài toán chống gió giật.
Công trình là một sự quan tâm hiếm hoi đến việc sử dụng không gian công cộng tại Việt Nam và cải tạo nó bằng những giải pháp đơn giản nhưng là tiếng nói đương đại của giới thiết kế trẻ.
Bảng màu đa sắc chỉ là một giải pháp trong thế giới kiến trúc, tuy nhiên đã có rất nhiều câu chuyện thú vị đã diễn ra. Đó có thể là truyền thống yêu thích màu sắc rực rỡ của vùng Địa Trung Hải, là sự cố tình gây sự chú ý cho một công trình xã hội, là một tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm, một hiệu ứng ánh sáng cho mặt đứng công trình hiện đại … kết quả chung của chúng đều là những sự nổi bật rực rỡ, một cách không hời hợt, đều chứa đựng những nội dung và câu chuyện thiết kế.
Bài: Đức Tém
Ảnh: Sưu tầm