Simon Betsch là Giám đốc Điều hành và Đối tác Quản lý tại KMS TEAM, một trong những công ty tư vấn chiến lược và thiết kế hàng đầu tại Đức. Các dự án của anh tập trung vào xây dựng thương hiệu và định vị chiến lược thương hiệu. Anh kết hợp tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo để phát triển các giải pháp thương hiệu bền vững trong môi trường phức tạp. Công việc của anh kết hợp các yếu tố kinh tế – xã hội nhằm giúp các công ty khai thác tối đa tiềm năng của mình và tạo ra các giải pháp có lợi cho cả doanh nghiệp và con người.
Simon đã có kinh nghiệm tư vấn định hướng cho các thương hiệu như Audi, BMW Motorrad, Canyon Bicycles, JINS, Miele, Volkswagen và ZEISS, tập trung vào cách mà các thương hiệu xây dựng uy tín thông qua việc thúc đẩy niềm tin và tạo ra mối quan hệ lâu dài. Bằng cách nhấn mạnh tính minh bạch và trách nhiệm, anh giúp các tổ chức xây dựng các bản sắc dễ tiếp cận và gắn kết với khách hàng và xã hội.
Chuyên gia Chiến lược Simon Betsch. Ảnh: An Bảo
Anh có thể chia sẻ về hành trình ban đầu của mình trong chuyên ngành thiết kế? Điều gì đưa anh đến với vai trò lãnh đạo sáng tạo tại KMS TEAM?
Hành trình của tôi bắt đầu từ thiết kế sản phẩm tích hợp, đây là hoạt động thiết kế với nhiều chuyên môn kết nối như kỹ thuật, sản xuất, nghiên cứu xã hội và tiếp thị. Điều khiến tôi hứng thú là khám phá các tổ chức và xã hội người tiêu dùng, những thách thức phức tạp và làm việc hợp tác để phát triển các đề xuất, sản phẩm, hệ thống, giải pháp mới và bất ngờ. Theo thời gian, sự tò mò và niềm đam mê này đã đưa tôi đến vai trò lãnh đạo tại KMS TEAM, nơi không chỉ thiết kế hình ảnh mà còn là hoạt động chiến lược và chuyển đổi từ chiến lược định vị đến trải nghiệm của khách hàng.
Không gian làm việc của đội ngũ KMS dưới sự dẫn dắt của Simon Betsch.
Định vị thương hiệu Miele – thiết bị gia dụng cao cấp Đức, thành lập từ 1899.
Anh từng nhấn mạnh thiết kế là công cụ chiến lược. Cách anh biến thiết kế thành yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh cho khách hàng là gì?
Chúng ta đang sống trong thời đại gia tăng nhanh chóng về khả năng lựa chọn mọi khía cạnh cuộc sống. Vì vậy, để trở nên nổi bật khi các dịch vụ và sáng kiến mới được giới thiệu gần như mỗi phút đang trở nên ngày càng khó khăn. Chúng tôi thiết kế để nhấn mạnh sự khác biệt tích cực. Đó là lý do tại sao chúng tôi và Bakdata – nhóm khoa học dữ liệu có trụ sở tại Berlin, đã phát triển công cụ được hỗ trợ bởi AI có tên là The Regular Brand, ra mắt gần đây. Công cự này phân tích chuẩn mực các mẫu thiết kế công ty và mô tả hình ảnh bản thân trong một ngành để đưa ra quyết định tốt hơn và tạo sự khác biệt trên thị trường.
Theo anh, điều gì tạo nên một thiết kế thực sự “đọng lại” – không chỉ ở tính thẩm mỹ mà còn có giá trị lâu dài về thương hiệu và xã hội?
Thiết kế thực sự bền vững sẽ nắm bắt bản chất của bản sắc và đề xuất giá trị theo cách cộng hưởng cả về chức năng và cảm xúc. Nó không chỉ đẹp mà phải có ý nghĩa. Khi thiết kế phản ánh giá trị thực sự của thương hiệu và truyền đạt chân thực sẽ xây dựng được mối liên hệ thực sự, mang đến tác động không chỉ ở sự công nhận mà còn ở sự phù hợp. Để đạt được điều đó, cả nhóm của chúng tôi và khách hàng phải tham gia vào một hành trình dự đoán tương lai cho doanh nghiệp và xã hội.
Một thiết kế định vị lại bộ nhận diện Volkswagen từ thương hiệu, hình ảnh, tính năng, cảm xúc… đưa thương hiệu này vào kỷ nguyên mới.
Một hình ảnh mang tính định vị Volkswagen không chỉ là xe, mà là phong cách sống.
Tối giản, thân thiện, mộc mạc, linh hoạt, dễ triển khai toàn cầu là ngôn ngữ thiết kế cửa hàng của JINS.
Sử dụng khuôn mặt khách hàng trong thiết kế phản ánh tính cá nhân hóa của thương hiệu.
KMS đã chuyển JINS từ định vị nội địa (Nhật Bản) thành thương hiệu quốc tế.
Bộ nhận diện JINS được thiết kế từ logo, font chữ, định hướng hình ảnh… tạo tính nhất quán toàn cầu.
Simon Betsch là chỉ huy chiến lược, điều phối, giữ bản sắc, nhất quán và hiệu quả cho JINS.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực về trách nhiệm doanh nghiệp, anh nhìn nhận vai trò của thiết kế bền vững như thế nào?
Tôi muốn đổi câu hỏi: Vai trò của thiết kế đối với lối sống bền vững? Tính bền vững không là tùy chọn mà là trách nhiệm chung và chúng ta phải biến nó thành hiện thực càng sớm càng tốt. Thiết kế đóng vai trò quan trọng, có sức mạnh ảnh hưởng đến lựa chọn, định hình quyết định và tạo ra các giải pháp thay thế có trách nhiệm hơn. Đó là việc thiết kế thương hiệu, hệ thống, sản phẩm, mang lại nhiều trải nghiệm tốt hơn cho con người và hành tinh. Khi thực hiện tốt, nó sẽ trở thành động lực và tạo điều kiện cho sự đổi mới – không phải là hạn chế.
Là giám khảo hạng mục “Ý tưởng đột phá” ở giải thưởng EVSDA tại Việt Nam, anh Simon Betsch kỳ vọng điều gì từ các thí sinh đến với cuộc thi?
Tôi mong muốn được thấy các giải pháp thách thức, thiết thực cho người dùng và mang lại tác động có thể đo lường được đối với con người, xã hội hoặc khí hậu ở bất kể ngành nào. Những đột phá thực sự xảy ra khi sự sáng tạo gặp gỡ nhận thức văn hóa và tư duy có tầm nhìn xa. Tôi mong muốn được thấy những tác phẩm truyền cảm hứng, gây bất ngờ một cách thông minh – và trên hết – giúp chúng ta tiến về phía trước.
Logo Canyon nghiêng 200 sang trái biểu thị sự khác biệt và vận tốc độc nhất.
Logo Canyon
Thiết kế tái định hình giá trị cũ theo hướng mới, phản ánh lối sống đạp xe bền vững, thân thiện và tối ưu vòng đời sản phẩm.
Anh đánh giá thế nào về tiềm năng của cộng đồng thiết kế trẻ tại Việt Nam?
Bối cảnh thiết kế của Việt Nam thực sự sôi động, đang phát triển mạnh mẽ, có bề dày di sản văn hóa phong phú để khai thác, kết hợp với xã hội trẻ trung, tò mò và năng động. Điều đặc biệt thú vị là cơ hội vượt lên, thử nghiệm với công nghệ mới, vật liệu địa phương và các hoạt động bền vững, đây là các chi tiết mà nhiều quốc gia công nghiệp hóa quá mức thường bỏ qua. Do vậy Việt Nam đang là nơi sở hữu nhiều cơ hội và điều kiện để có thể làm mọi thứ khác đi và tốt hơn.
Anh có lời khuyên nào cho những NTK trẻ đang bước vào ngành – đặc biệt là những người muốn tạo ra tác động tích cực và lâu dài thông qua thiết kế?
Thiết kế có thể mở ra một thế giới và một phong cách tư duy khác thường so với các ngành nghề khác. Đó là một cách nhìn đa chiều về các tình huống, sản phẩm, hệ thống, giao tiếp… Đây có thể là một món quà nhưng cũng là thách thức cho các NTK muốn sáng tạo. Những người sáng tạo có thể góp phần mang lại sự thay đổi cho thế giới. Hãy luôn tò mò, cởi mở và tiếp tục học hỏi. Hãy ra ngoài, quan sát xã hội và cách con người tương tác. Hãy vây quanh mình với những người thách thức và truyền cảm hứng cho bạn. Đừng ngại đặt câu hỏi và chấp nhận rủi ro. Thế giới cần những NTK quan tâm sâu sắc, suy nghĩ phản biện và hành động táo bạo.
Thực hiện Nguyễn Đình – Ảnh An Bảo & NVCC
Xem thêm
Nhà thiết kế Sabine Marcelis: Ánh sáng và vật liệu là then chốt
Giám tuyển thiết kế Angela Rui: Kết nối liên ngành trong bối cảnh tôn trọng tính bản địa