Tây Tạng, một miền đất huyền bí và xa xôi, luôn vẫy gọi những tâm hồn ưa khám phá và chiêm nghiệm. Chi phí cho một chuyến đi đến đây không hề rẻ, thậm chí có thể ngang ngửa hoặc hơn một hành trình đến châu Âu. Tôi đến Tây Tạng lần đầu năm 23 tuổi, với số tiền tương đương khoảng 5 tháng lương luc bấy giờ. Mãi 12 năm sau, vào những năm 2024 và 2025, duyên phận mới đưa tôi trở lại, khám phá những vùng đất khác nhau của xứ sở này.
Hành trình đến Tây Tạng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về giấy tờ. Bạn phải thông qua công ty du lịch để xin giấy phép và có một lịch trình được duyệt trước. Địa hình cao nguyên với không khí loãng cũng là một thử thách, đòi hỏi kinh nghiệm thiết kế lịch trình hợp lý để cơ thể dần thích nghi. Thế nhưng, nếu biết cách tiếp cận, Tây Tạng sẽ ban tặng bạn một sự chuyển hóa sâu sắc, khiến bạn trở về như một con người mới. Đôi khi, bạn sẽ thấy phảng phất ở nơi đây một điều gì đó thân quen đến lạ kỳ, dẫu chưa từng đặt chân đến.
Ngắm nhìn Những đỉnh núi tuyết dưới nắng cùng những áng mây tụ rồi tan ở Tây Tạng như cho ta thấy cái vô thường của vũ trụ.
Đi tìm ý nghĩa vượt trên những điểm check-in
Hãy đến Tây Tạng không phải chỉ để check-in hồ Yamdrok thiêng liêng, chiêm ngưỡng vẻ bề thế của cung điện Potala hay có tấm ảnh tại Everest Base Camp cho bằng bạn bằng bè. Hãy đi để cảm nhận sự thịnh suy, được mất của cuộc đời thoáng qua như một giấc mộng. Bạn sẽ có cơ hội đi qua những đền thờ nhuốm màu đổ nát, chứng kiến vết tích thời gian hằn sâu trên từng viên đá, và cảm nhận năng lượng tuy vẫn còn nhưng đang dần nguội lạnh, lịm đi của Potala.
Một tu viện ở tỉnh Thanh Hải.
Trong cơn say độ cao có phần mê man, hình ảnh những người Tạng lầm lũi hành hương, ba bước chân một lần phủ phục lạy, gợi cho tôi nhớ về những đoàn hành hương Thiên Chúa Giáo kiên cường vượt bao hiểm nguy tìm về Jerusalem năm xưa. Nếu bạn từng trải qua những thăng trầm, “lên voi xuống chó” trong đời, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy bức tranh nhân tình thế thái vô thường hiển hiện rõ nét ở Tây Tạng. Đến đây, bạn sẽ chứng kiến sức mạnh phi thường của niềm tin, của tinh thần – đó chính là vẻ đẹp kiên cường của loài người ngay cả trong những thời khắc gian khó nhất.
Người du mục đang đua ngựa vào mùa xuân.
Bé gái Tây Tạng.
Hãy đến Tây Tạng để tận mắt nhìn nắng gió mây trời hòa quyện, xoay chuyển không ngừng. Như tôi đã từng, trong sự tĩnh lặng tuyệt đối, nghe thấy những cơn gió kể chuyện xa xưa, thấy những áng mây như mang theo bao trầm luân của kiếp người, rồi nhẹ nhàng hòa tan vào hư vô. Bước vào một tu viện nhỏ bé không tên, nhìn những ngọn đèn bơ leo lét cháy, những dấu vết thời gian, và nhìn thật sâu vào ánh lửa, tôi bất chợt thấy cả chính mình với những tham, sân, si còn vương vấn. Những thân cột bạt màu, những bức tường nứt nẻ như những chứng nhân câm lặng cho bao kiếp người đã trôi qua. Tu viện vẫn ở đó, im lìm quan sát nhân tình thế thái, dòng đời đổi thay. Đi Tây Tạng để thấy thức ăn ngon hay dở đôi khi chỉ là một phạm trù tương đối, một cảm giác thoáng qua, để rồi khi trở về, ta biết sống bình dị hơn.
Lhasa ngày nay: Nỗi niềm hoài cổ giữa lòng đô thị hóa
Tuy nhiên, trong những chuyến trở lại gần đây, đặc biệt là khi đến thủ phủ Lhasa, cảm giác quay về một chốn sâu thẳm trong tâm hồn hay gặp lại một ký ức cũ dường như đã phai nhạt. Trung Quốc đã rất hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa và Hán hóa vùng đất này. Lhasa giờ đây trông như một đô thị Trung Quốc loại nhỏ với những tòa nhà chọc trời san sát, bê tông hóa gần như toàn bộ. Ngay cả khu phố cổ Barkhor linh thiêng cũng đang dần thu hẹp. Những người chủ khách sạn bản địa chia sẻ rằng họ nghe thông tin có thể sắp phải di dời ra ngoại ô, nhường lại vùng lõi trung tâm Barkhor cho quy hoạch thương mại và dịch vụ du lịch, còn người dân sẽ được chuyển đến các khu căn hộ hiện đại.
Một điều đáng buồn là từ vài năm nay, các trường học đã không còn dạy viết chữ Tạng hay nói tiếng Tạng nữa; mọi hoạt động giảng dạy đều bằng tiếng Phổ thông. Lắng nghe trẻ con chơi đùa ngoài đường, tôi cũng không còn nghe thấy chúng nói tiếng mẹ đẻ. Nghi lễ vái lạy linh thiêng trước cung điện Potala cũng không còn được phép thực hiện; nơi đây giờ chỉ còn là một bảo tàng lạnh lẽo. Tôi thường giải thích với mọi người lý do không bao giờ dẫn họ vào trong Potala, bởi linh khí của nó dường như đã lịm tắt, chỉ còn lại một khối kiến trúc gợi nhiều hoài niệm. Thay vào đó, hãy dành thời gian đến những tu viện xung quanh, nơi vẫn còn thấy những người Tạng thành kính và cảm nhận được nhịp sống tâm linh đang tiếp diễn.
Mỗi làng ở Tạng đều có các đền thờ, thị trấn lớn thường sẽ có tu viện, nơi người Tạng học để trở thành Lạt Ma.
Trước đền Jokhang hay các tu viện khác, không khó để bắt gặp hình ảnh những nam thanh nữ tú “cosplay” trong trang phục Mông Cổ hay vùng Kham, chắp tay tạo dáng chụp hình. Đôi khi, họ còn chắn cả lối đi của những cụ già đang thực hành nghi lễ “tam bộ nhất bái”, chỉ để có được một tấm ảnh “sống ảo” thật ấn tượng. Để tìm được những góc nhìn hay hình ảnh chân phương, tôi phải dậy từ sớm, tìm đến những nơi hầu như chỉ có các cụ già ở Lhasa đến lạy Phật.
Đường phố Lhasa.
Tu viện Labrang, một trong những tu viện lớn nhất ở Thanh Hải.
Đến Lhasa để đi nhiễu, kora là tâm niệm của mọi người Tạng.
Hồn cốt Tây Tạng và sự vô thường
Nếu có đi Tây Tạng, bạn có thể ghé qua Lhasa, hoặc không ghé cũng không sao. Hồn cốt Tây Tạng đích thực vẫn sống trong tiếng nói của người nông dân, của những người du mục; nó vẫn ẩn mình trong những góc khuất mà bạn phải lần mò theo chân người địa phương mới tìm đến được.
So với 10-15 năm trước, việc đi Tây Tạng giờ đây đã nhanh và thuận tiện hơn rất nhiều: đường sá tốt hơn, ăn ở tiện nghi hơn, đến Lhasa muốn gì cũng có. Chỉ tiếc là, nó không còn mang lại cảm giác về một vùng đất linh thiêng như trong tâm tưởng của nhiều người nữa. Và sự thay đổi không dừng lại ở đó. Toàn bộ Tây Tạng đang biến chuyển rất nhanh mỗi ngày; cả ở Kham và Amdo, các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi. Những nơi xưa kia là tu viện biệt lập thì giờ đây nhà dân đã ở san sát tận cổng, kế bên là quán ăn, nhà nghỉ.
Dù sao đi nữa, đó cũng là một bài học sâu sắc về cuộc sống, về sự vô thường, về lẽ “vật đổi sao dời”. Chỉ còn lại những trái tim trăn trở, hoài niệm về những điều xưa cũ.
Lời khuyên và hành trình tiếp nối
Dù vậy, khi còn có thể, hãy một lần đến Tây Tạng. Nếu bạn đi theo nhóm, lời khuyên của tôi là không nên đi quá đông, lý tưởng nhất là dưới 8 người. Tôi đã ở lại Tây Tạng tổng cộng 16 ngày trong một chuyến đi, vậy mà lòng vẫn cứ mong quay trở lại khi đủ duyên.
Sang năm 2026, tôi vẫn sẽ quay lại Ü-Tsang, vùng trung tâm Tây Tạng, để thực hiện chuyến đi kora quanh núi thiêng Kailash vào năm Ngọ (năm con Ngựa) theo một cung đường đặc biệt tự thiết kế. Nhưng có lẽ, phải rất lâu sau đó tôi mới quay lại Lhasa, bởi Lhasa trong tâm niệm của tôi… đã mãi xa rồi.
Bạn hãy thu xếp đi, nếu có thể, để viết nên câu chuyện của riêng mình, để nghiền ngẫm cuộc đời của riêng mình giữa nắng gió mây mưa trong cơn thinh lặng chiều hoang của Tây Tạng. Hãy để thiên nhiên nơi đây tẩy rửa bao buồn lo, cuốn trôi những sân si của dòng đời. Ít ra là sạch bớt một tí, nếu không thể trôi hết. Và biết đâu, bạn sẽ tìm thấy một điều gì đó quý giá cho chính mình, ngay cả giữa những đổi thay không ngừng.
Tu viện Drikung nơi Đại Sư Tông Khách Bà theo học trước khi lập nên Phái Mũ Vàng , tông Phái của Dalai Lama.
Một đền thờ Phật Giáo nhỏ ở Thanh Hải.
Những hành trình đi Tây Tạng xa xôi diệu vợi, nếu có thể, hãy ngừng dùng điện thoại, ngừng kết nối với thế giới bên ngoài để kết nối với tâm mình.
Bài và ảnh: Hoàng Lê Giang
Xem thêm
Nét đẹp cổ kính và dấu ấn Trung Hoa trong kiến trúc Vân Nam