Tại thị trấn Ái Nghĩa, tỉnh Quảng Nam, một công trình nhà ở với diện tích 125m² được thiết kế để hai thế hệ trong gia đình cùng sinh sống trên một khu đất. Mô hình nhà ở này vốn phổ biến ở nông thôn Việt Nam, nhưng đặt ra nhiều yêu cầu về tổ chức không gian: vừa cần tách biệt, vừa cần kết nối. Căn nhà ống này là lời giải nhẹ nhàng của văn phòng NAQI & Partners cho bài toán ấy, thông qua cấu trúc kiến trúc chú trọng tính chia sẻ mà không xâm lấn.
Ảnh: Phan Trọng Tín
Theo truyền thống ở nhiều vùng quê Việt Nam, cha mẹ thường chia đất để con cái dựng nhà riêng khi lập gia đình. Từ đó, nhu cầu về sự kết nối giữa hai tổ ấm cũ và mới trở thành yêu cầu không gian đáng lưu tâm. Gia chủ mong muốn căn nhà mới có thể hiện diện độc lập, nhưng vẫn giữ được sự gắn bó với nơi cha mẹ đang sống. Nhóm thiết kế lựa chọn giải pháp tạo nên một không gian chung ở giữa hai căn nhà. Tại đây, ông bà có thể dõi theo cháu nhỏ chơi đùa, các thành viên có thể dễ dàng gặp gỡ, chuyện trò, đồng thời mỗi bên vẫn có thể giữ được sự riêng tư.
Công trình khéo léo chuyển tải tinh thần sống gắn bó giữa hai thế hệ trong một gia đình Việt – nơi con cái trưởng thành dựng xây tổ ấm mới trên chính mảnh đất của cha mẹ.
Vật liệu chính của công trình là gạch nung đỏ cam, loại gạch bốn lỗ phổ biến tại địa phương. Những viên gạch được cắt nhỏ và ốp dọc logia, từ tường lên trần. Trần logia được thiết kế nghiêng nhẹ vào trong để tạo hiệu ứng thị giác, tuy nhiên chính độ nghiêng này có thể khiến nước mưa tràn ngược. Để khắc phục, các viên gạch được xếp ngang, vuông góc với chiều nước chảy, giúp hạn chế tối đa nước mưa lăn vào bên trong. Vật liệu truyền thống được khai thác với tư duy hiện đại, giữ được tinh thần mộc mạc mà vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài.
Ảnh: Phan Trọng Tín
Để tạo sự liên kết trực quan giữa hai công trình, nhóm thiết kế sử dụng những chất liệu có màu sắc và kích thước tương đồng với ngôi nhà của ba mẹ. Việc giữ cùng bảng màu và chất liệu giúp tạo sự liền mạch thị giác giữa hai căn nhà, dù được xây dựng ở hai thời điểm khác nhau. Cánh cổng chính được xử lý như một mặt đứng liên tục, chạy ngang giữa hai khối nhà, vừa tạo tính kết nối, vừa giữ sự riêng tư cho từng không gian. Các khung cửa, ô tường và “khoảng mở” trên trần cũng được bố trí có chủ đích, tạo điểm nhìn giao thoa giữa người và người, giữa người và thiên nhiên.
Ảnh: Phan Trọng Tín
Các vật liệu ngoại thất như gạch nung chẻ và lớp sơn tường trung tính được lựa chọn để đồng bộ với căn nhà của ba mẹ. Ảnh: Phan Trọng Tín
Những ô vuông trên tường và trần đóng vai trò như những “khung tranh” ánh sáng. Ảnh: Phan Trọng Tín
Ảnh: Phan Trọng Tín
Một khoảng sân được đặt ở trung tâm lô đất, lấy cảm hứng từ cấu trúc sân trong của nhà truyền thống Hội An. Khoảng trống này là nơi chuyển tiếp, giải quyết thông gió và chiếu sáng, đồng thời giữ vai trò là nơi sinh hoạt chung. Đây là nơi cả hai gia đình cùng chia sẻ một phần đời sống thường nhật: chạy sang xin gia vị, nhìn thấy nhau từ xa, cùng ngồi lại vào buổi chiều, và thi thoảng nhìn lên để thấy bầu trời – những hoạt động nhỏ nhưng là chất keo kết nối giữa hai thế hệ.
Ảnh: Phan Trọng Tín
Ảnh: Phan Trọng Tín
Ảnh: Phan Trọng Tín
Một chi tiết giàu tính biểu tượng trong công trình là sự xuất hiện của cây cau, hình ảnh quen thuộc trong văn hóa nhà vườn Việt với câu “trước cau sau chuối”. Nhóm thiết kế chủ đích đưa yếu tố này vào không gian sống như một cách gợi nhớ ký ức quê nhà. Tại vị trí trồng cau, một hệ lưới đan được bố trí để trẻ con có thể nằm chơi, đọc sách, người lớn có thể ngồi nghỉ hay quan sát khu vườn nhỏ. Cây cau, theo cách đó, đã tham gia vào cuộc sống của gia đình theo cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất.
Giàn lưới đan được bố trí quanh thân cau. Ảnh: Phan Trọng Tín
Ảnh: Phan Trọng Tín
Ảnh: Phan Trọng Tín
Ảnh: Phan Trọng Tín
Thực hiện: Bảo Trân | Ảnh: Phan Trọng Tín
Xem thêm:
Tuyển tập nhà ống Việt Nam đặc sắc trên ELLE Decoration