Chiến hay Chạy hay Trôi hay Chìm – một triển lãm cá nhân với loạt tác phẩm mới của nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn. Phủ khắp bốn phòng trưng bày, bộ tác phẩm thử nghiệm lần này tập trung vào sắp đặt điêu khắc, kết hợp với những nghiên cứu của Tuấn về ký ức lịch sử, ký ức vật chất và những chiến lược kháng cự liên quan đến cách lưu giữ ký ức.
Chuyển động là mạch sống xuyên suốt các tác phẩm. Khách tham quan bước vào triển lãm qua cụm 37 tấm rèm tre, ngân vang âm sắc từ ống tre rỗng; luồng không khí len lỏi, khẽ lay động những con chuồn chuồn đang thăng bằng trên bệ tựa như bảo tháp tạo nên từ UXO (vật chưa nổ); một cụm cột rèm tre xoay tròn bằng động cơ, khắc họa những nhân vật quan trọng trong lịch sử; các lớp rèm sóng sánh như mặt nước khi người xem di chuyển trong không gian. Chính nội tại của vật liệu trong các sáng tác của Tuấn cũng chứa đựng những mâu thuẫn. Nghệ sĩ nhấn mạnh những hình ảnh phi thường, và dường như chúng cũng đang xung đột, tranh đấu để giành lấy vị trí ưu thế. Tiêu đề của triển lãm gợi lên một lời kêu gọi – một cuộc chiến sinh tồn. Xuyên suốt triển lãm, hình ảnh và vật thể đối chất với bạo lực, sự tàn phá và thương tổn tâm lý được đan xen với sự đồng cảm, hòa hợp và chữa lành.
Tác phẩm FRONTIER
Tác phẩm SKIN
Trong không gian triển lãm, mở đầu chính là tác phẩm Xuyên treo lơ lửng, bao gồm cụm 37 tấm rèm tre. Thưởng thức tác phẩm chính là khi ta phải bước qua hàng loạt tấm rèm tre và cảm nhận bằng thị giác, xúc giác và âm thanh, chuyển động đồng loạt của màu sắc, âm thanh, chất cảm tạo nên hiệu ứng chìm đắm tuyệt vời. Cây tre trong văn hóa và tiềm thức của người Việt được xem là biểu tượng của sự bền bỉ và khả năng thích ứng cao. Sự sinh tồn và phát triển của tre trong điều kiện khó khăn cũng chính là ẩn dụ cho cách mà con người chống chọi và vươn lên trong gian khổ.
Chao lượn (2024), Chim Giữa Vũ Trụ (2024) và Thời gian (2024) là cụm tác phẩm tạo nên từ UXO (vật chưa nổ). Chất liệu chính của cụm tác phẩm là đồng thau tán dẹp và vỏ đạn pháo bằng đồng thau. Vẻ đẹp của chuồn chuồn tượng trưng cho thiên nhiên mong manh và giàu cảm xúc được chuyển hóa và gợi liên tưởng đến dáng hình của vũ khí sắc nhọn sát thương của chiến tranh.
Chất liệu tre lại xuất hiện ở mạch sau của triển lãm với tạo hình những tấm rèm vốn gắn liền với ký ức người Việt Nam. Một tác phẩm sắp đặt cụm rèm tre hình trụ treo lơ lửng trên trần nhà xoay tròn liên tục khắc họa tính ám ảnh của chiến tranh, khi nhìn cận cảnh ta nhận ra những chân dung nhân vật lịch sử quan trọng, những hình ảnh bạo lực của một cuộc chiến.
Không gian triển lãm Chiến hay Chạy hay Trôi hay Chìm tại Galerie Quynh. (Tác phẩm chính giữa) Xoay (2024), tre, sơn enamel, dây kim loại, thép, động cơ điện.
Tác phẩm tạo tác từ vỏ đạn pháo bằng đồng thau tán dẹp, thép thanh không gỉ, và bột sơn tĩnh điện.
Tuấn Andrew Nguyễn khám phá sức mạnh của ký ức và tiềm năng của nó như một hình thức đối kháng chính trị. Thực hành của Tuấn có cơ sở từ nghiên cứu và mối quan hệ sâu sát với các cộng đồng bị tổn thương bởi chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và sự di dời. Tuấn không ngừng tìm kiếm những mảnh vỡ ký ức lịch sử đang dần tan biến để tìm thấy những vết xóa bỏ mà chính sách thuộc địa đã gây ra tại một số khu vực trên thế giới. Bằng việc phối hợp với nhiều cộng đồng trong nước và quốc tế, Tuấn hướng đến việc khuyến khích và thúc đẩy những người cộng sự này thực thi các chiến lược mà chính họ đại diện. Qua đó, ký ức trở thành một loại vũ khí kháng cự và khơi dậy sức mạnh, với việc kể chuyện như một cách chữa lành, thấu cảm và đoàn kết. Mặc dù làm việc với nhiều loại hình chất liệu, Tuấn thường sản xuất các tác phẩm thông qua phim và điêu khắc. Mối quan hệ giữa trần thuật và vật thể dẫn dắt Tuấn thực hiện các dự án kết hợp hai loại hình trên.
Các bộ phim của anh thường khởi đầu với một vật thể, chẳng hạn như đài tưởng niệm được xây dựng bởi những người tị nạn rồi bị tàn phá, hay câu chuyện về hài cốt của con tê giác cuối cùng ở Việt Nam. Với cách tiếp cận ký ức như một hiện tượng phi vật thể và trừu tượng, Tuấn vượt ra khỏi giới hạn của thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai) để đề cao những suy ngẫm về hiện tượng siêu nhiên (hồn ma, vong linh, sự ám ảnh) dưới dạng công cụ chính trị.
Tuấn Andrew Nguyễn nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng Joan Miró (2023), giải thưởng Nghệ thuật Thị giác Civitella Ranieri (2019) và giải thưởng Creative Capital (2012). Các triển lãm cá nhân bao gồm When Water Embraces Empty Space, Edith-Russ-Haus For Media Art, Oldenburg, Đức; The Other Side of Now, Zeitz MOCAA, Cape Town, Nam Phi; Our Ghosts Live in the Future, Fundació Joan Miró, Barcelona, Tây Ban Nha; The Island, Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, Washington, DC, Hoa Kỳ; Radiant Remembrance, The New Museum, New York, NY, Hoa Kỳ; It Was What Is Will Be, Marabouparken Konsthall, Sundbyberg, Thụy Điển; và All That We Are Is What We Hold In Our Outstretched Hands, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Glasgow, Vương quốc Anh.
Bài: Galerie Quynh
Xem thêm
Triển lãm NỐI: Những liên kết giàu cảm xúc qua hai màu đen – trắng