Một cõi riêng văn hóa cau trầu

Tả về bình vôi thật đơn giản gồm bầu đựng, có quai hoặc không quai, trên bầu khoét lỗ nhỏ đựng vôi. Tạo hình bình vôi trong hệ “trầu cụ” (dụng cụ ăn trầu) chỉ có thế, nhưng soi vào chi tiết, có đến vô số kiểu dáng, kích cỡ, sắc màu, lối trang trí, niên đại, xuất xứ… khác nhau. Nếu lấy một hiện vật gốm Việt cùng công năng nhưng đa dạng hình tượng, gánh trên đó là văn hóa, tính vùng miền, sự sáng tạo… bình vôi là lựa chọn tiêu biểu.

Trong bốn môn chơi được đề cập ở chuyên đề lần này, sưu tầm bình vôi xuất hiện muộn nhất, có lẽ không quá nửa thế kỷ. Ngược trở lại chuyện cau trầu, đây là nét văn hóa đặc thù của đất Việt, với “sự tích trầu cau” ra đời cách đây hơn 2.000 năm, trong đó có chi tiết gắn với tạo hình của chiếc bình vôi trong bộ “trầu cụ”. Dựa trên những hiện vật còn lưu lại, một trong những hiện vật sớm nhất mang niên đại Lý, cách đây đến ngàn năm tuổi, nhưng không nhiều, kích thước nhỏ gọn, màu men trắng ngà, thẩm mỹ chế tác ở mức giới hạn. Bình vôi gốm cổ Quảng Đức có nước men kỳ ảo bởi sử dụng kỹ thuật hỏa biến mà thành, vẻ đẹp không lặp lại khiến cho hiện vật càng thêm giá trị. Từng thời kỳ lịch sử, vương triều, bình vôi mang những chi tiết trang trí khác nhau, thể hiện vẻ đẹp của chất liệu, mỹ thuật, và cả tinh thần con dân đất Việt.

Binh voi cau trau 1

Binh voi cau trau 2

Gốm Quảng Đức làm từ đất sét An Định, kết hợp kỹ thuật nung củi với hiện tượng hỏa biến đã tạo nên những màu men độc lạ của riêng gốm Quảng Đức.

Gom Quang Duc

Gom Quang Duc 2

Tạo hình vững chãi, men chảy biến ảo đan sắc rất tự nhiên tạo nên cái lạ trên gốm Quảng Đức.

Gom Quang Duc 3

Dấu vết vỏ sò huyết hằn lên bình trong quá trình nung, kỹ thuật dùng vỏ sò tăng nhiệt cũng chỉ có ở gốm Quảng Đức.

Binh voi cau trau 3

Quai bình thời Lê – Nguyễn với tạo hình khéo léo đề tài Lưỡng Long Triều Dơi (hàm ý chữ Phúc), gợi về sự tốt lành.

Đến thời Trần, thế kỷ 13 – 15, bình vôi phóng tác kích cỡ to lớn hơn, vẫn sử dụng men trắng ngà và hoa nâu, nhưng chi tiết trang trí phần
quai đa dạng hơn, đặc biệt và tiêu biểu là sử dụng hình ảnh hai ông đô đang trong sới vật tạo thành quai bình, thể hiện rõ một hào khí
Đông A rực rỡ dưới thời Trần trong cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Qua thế kỷ 15, dòng bình vôi của thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng tạo nên bước ngoặt lớn, mang lại nhiều bất ngờ bởi kỹ thuật sản xuất, tạo hình và khống chế men trong trang trí đã cho ra đời những tác phẩm xứng hàng kinh điển. Đến thời Nguyễn, bình vôi vẫn là vật dụng được sản xuất hàng loạt từ các lò gốm Phù Lãng, Quảng Đức, Bát Tràng… lại có đặt hàng cả ở nước ngoài sản xuất, dẫu đẹp, quý, nhu cầu sử dụng cao, nhưng không thuộc môn sưu tầm bởi người Việt xưa quan niệm bình vôi có tính thiêng, chỉ dùng sử dụng. Khi sứt mẻ, bể vỡ hay bị vôi hóa… sẽ được gia chủ thỉnh ra gốc đa đầu làng chứ không đập bỏ.

Binh voi cau trau 4

Bình sành với quai rồng, chế tác từ thời Nguyễn.

Binh voi cau trau 5

Màu men lam ngọc mỏng trong và men đen cùng dấu vết vỏ sò trên gốm cổ Quảng Đức.

Binh voi cau trau 6

Bình vôi qua các thời kỳ có cùng kiểu dáng, công năng nhưng muôn chi tiết khác biệt, được xưng tụng kính cẩn là “Ông Bình Vôi”.

Gom Quang Duc 4

Chi tiết trang trí giản đơn, nhưng chất liệu bản địa đã tạo nên bản sắc và nét đẹp riêng trong màu men gốm Quảng Đức.

Gom Quang Duc 5

Gom Quang Duc 6

Bình vôi với màu men lục đặc trưng của thời Lê thể hiện trên trang trí quai bình.

Men lục trên bình thời Lê thường thể hiện hình ảnh trái cau và dây trầu, gợi chuyện tình buồn trong “sự tích trầu cau”. Phải đến những năm cuối thế kỷ 20, khi tập tục ăn trầu cũng đã giảm thiểu, làn sóng đô thị hóa nông thôn khiến các tập tục, phong tục, quan niệm dân gian dần thay đổi, người yêu cổ ngoạn nhìn ra vẻ đẹp của bình vôi và bắt đầu săn tìm để phục vụ thú vui sưu tầm. Một bình vôi đẹp, chi tiết điểm nhấn sẽ là quai bình. Chi tiết này càng khác lạ, tinh xảo, bình càng trở nên giá trị.

Với quai bình vôi, người tác tạo sử dụng nhiều kỹ pháp chế tác, khi là hình tượng rồng, khi là buồng cau hóa linh thú, khi là dây trầu, khi là tượng người… kết hợp với tỉ lệ, bố cục trên bình tạo thành hiện vật nhất cổ – nhì quái, kết hợp niên đại, màu men… bình vôi từ vị trí linh thiêng ngày xưa, nay chuyển thể thành tính nghệ thuật phục vụ người sưu tầm. Bộ môn bình vôi cũng bởi thế mà càng khám phá lại càng thêm mê mẩn.

Thực hiện: Nguyễn Đình


Xem thêm

Tiểu vũ trụ trên bình vôi Chămpa

Độc đáo ông bình vôi

Có một ngôn ngữ gốm phong cách Vũ Đức Hiếu