10 chiếc ghế phá cách ấn tượng từ các sinh viên thiết kế quốc tế

Cảm thấy nhàm chán với lối thiết kế thông thường, sinh viên từ các trường đại học khác nhau đã tạo ra những chiếc ghế độc đáo nhằm chứng minh sự sáng tạo không giới hạn của mình.

Những thiết kế sản phẩm độc đáo của các sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau đã đem lại luồng gió mới trong thiết kế đồ nội thất tiêu dùng. Từ chiếc ghế tạo hiệu ứng bóng đổ, đến chiếc ghế nhằm khám phá mối quan hệ tương lai giữa sản phẩm và con người.

Ghế lắc lư “Wiggle Chair” của Georgia Hatton

Để thoát khỏi sự đơn điệu trong thiết kế của đồ nội thất tiêu dùng thương mại, Georgia Hatton, thuộc khoa thiết kế sản phẩm và đồ nội thất trường Đại học Nghệ thuật Swansea, đã sáng tạo ra một chiếc ghế bành trong hình dạng của một chiếc ghế lắc lư và một chiếc tủ nhỏ màu hồng.

Hatton cho biết, cảm hứng để tạo ra Wiggle bắt nguồn từ các tài liệu về phong cách thiết kế trong lịch sử, đặc biệt là thời kỳ đầu của phong trào Hiện đại. Nét nổi bật của dự án này chính là việc tập trung vào tính thẩm mỹ khi thiết kế sản xuất. Điều đó đã khiến những món đồ nội thất kỳ lạ không theo quy tắc này trở nên thú vị về mặt thị giác, khơi dậy niềm vui và mang đến một khoảnh khắc nhẹ nhàng cho người dùng.

thiet ke ghe ngoi an tuong

Ghế lắc lư “Wiggle Chair” không theo quy tắc của Georgia Hatton mang đến niềm vui cho người dùng. Ảnh: hattondesign.

Ghế đẩu “Stoto” của Hoon Choi và Hyemin Jin

Nhằm khám phá mối quan hệ trong tương lai giữa sản phẩm và con người, hai sinh viên thiết kế công nghiệp là Hoon Choi và Hyemin Jin đến từ trường Đại học Hongik, đã phát triển một thương hiệu ghế đẩu có tên là Stoto.

Lấy năm 2045 làm bối cảnh, Choi và Jin tưởng tượng những chiếc ghế đẩu trong bộ sưu tập của họ sẽ có nhận thức riêng, mang những tính cách khác nhau và đều có quyền chọn lựa ai sẽ là chủ nhân tương lai của chúng. Vì thế, mối quan hệ giữa sản phẩm và con người trở nên bình đẳng.

Choi và Jin cho biết: “Stoto sẽ là một thương hiệu ghế đẩu châm ngòi cho cuộc cách mạng của các sản phẩm có tri giác”. “Vào năm 2045, bất chấp những thay đổi lớn trong công nghệ sản phẩm, con người sẽ chỉ lựa chọn mù quáng những sản phẩm đặt trên cùng của kim tự tháp tình cảm” mặc dù mô hình lựa chọn này đã sớm thay đổi mạnh mẽ.

thiet ke noi that an tuong

Ghế đẩu “Stoto” của Hoon Choi và Hyemin Jin nhằm khám phá mối quan hệ tương lai giữa sản phẩm và con người. Ảnh: Nemin Jin.

Ghế ngả lưng “Lean Back Chair” và ghế phụ “Side Chair” của Marissa Mutt

Lấy cảm hứng từ những món đồ nội thất làm từ ván gỗ ép trong lịch sử, Marissa Mutt, sinh viên khoa Thiết kế Sản phẩm của Học viện Nghệ thuật Estonian, đã phát triển hai chiếc ghế làm bằng gỗ phong vàng ép phủ sáp. Mutt đã tham khảo từ một công ty nội thất gỗ dán của Estonia để tạo ra hai chiếc ghế từ các tấm ván ép ba lớp. 

Mutt cho biết: “Những món đồ nội thất bằng ván gỗ ép được ứng dụng sớm nhất là các chỗ ngồi trên xe điện giá rẻ.” Người ta gắn những tấm ván gỗ ép nguyên bản ấy lên mà không phải sơn hay trang trí. Chính nét nguyên bản của ván gỗ ép đó là nguồn cảm hứng cho Lean Back Chair và Side Chair.

thiet ke noi that an tuong

Ghế ngả lưng “Lean Back Chair” và ghế phụ “Side Chair” của Marissa Mutt làm từ gỗ phong vàng ép phủ sáp. Ảnh: Andra Junalainen.

“Chiaroscuro” của Farago Studio

Chiaroscuro là một thuật ngữ Tiếng Ý để diễn tả kỹ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong các tác phẩm nghệ thuật. Nhóm sinh viên Farago Studio của trường New Designers đã sử dụng thuật ngữ đó để đặt tên cho tác phẩm của mình.

Để chơi đùa với ánh sáng và bóng tối, các sinh viên đã thiết kế hai bộ đồ nội thất: một bộ ghế được tạo nên từ gỗ được xử lý thành màu đen (blackened) với kỹ thuật chế biến gỗ truyền thống, trong khi bộ còn lại được làm bằng nhôm áp dụng kỹ thuật gò và đập. Cả hai bộ đều giống nhau về hình thức nhưng lại khác biệt về chất liệu và quy trình.

Các chân ghế được thiết kế theo dạng hình nêm. Ở giữa chúng có các kết cấu vì kèo để chống đỡ, làm nổi bật lên các góc cạnh để tạo hiệu ứng bóng đổ lên không gian sống của người dùng. Farago Studio cho biết: “Mục đích của Chiaroscuro là mang đến cho người dùng sự cảm giác thích thú. Với bộ ghế, sự chuyển động của ánh sáng trong nhà sẽ tạo ra những bóng tối khác thường. “Một cái sẽ nổi bật vào ban ngày dưới dạng tro gỗ mun, cái còn lại sẽ nổi bật vào ban đêm dưới dạng nhôm đánh bóng.”

thiet ke do noi that an tuong

“Chiaroscuro” của Farago Studio mang lai ấn tượng với hiệu ứng bóng đổ. Ảnh: farago_studio.

“Olive” của Lulu Pennell

Với mong muốn giúp con người gần gũi hơn với thiên nhiên, sinh viên thiết kế nội thất của trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Savannah – Lulu Pennell – đã tạo ra một chiếc ghế bành có chỗ ngồi thấp lấy ý tưởng từ các xu hướng nội thất như thiền, Chủ nghĩa tối giản và thiết kế phong cách Scandinavian. Sự gia tăng mạnh mẽ của các xu hướng này bắt nguồn từ tâm lý con người sau thời kỳ dịch bệnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra con người đang có nhu cầu tìm đến với thiên nhiên nhiều hơn do đã phải ở quá lâu trong căn nhà của mình.

Mang màu sắc của trái  olive, khung ghế được kết hợp từ ba thanh gỗ, có phần tựa lưng và đệm ngồi bọc bằng vải dệt trơn tông màu đất. Pennell cho biết: “Chiếc ghế Olive được chứng minh là sẽ giúp bạn cảm thấy cân bằng hơn trong cuộc sống và gia tăng sự kết nối của bạn với trái đất.

thiet ke ghe an tuong

“Olive” của Lulu Pennell mang thiên nhiên đến gần người dùng hơn. Ảnh: pennellstudios.

 “The Gloy Chair của Marc Sweeney

The Gloy Chair được Marc Sweeney – sinh viên khoa thiết kế sản phẩm của trường Istituto Marangoni London – mô phỏng từ chiếc ghế truyền thống Orkney của Scotland. Việc diễn giải lại đã duy trì được các đặc điểm của ghế Orkney, chẳng hạn như kỹ thuật, thiết kế lưng cao và chất liệu rơm yến mạch.

Sweeney nói: “Ghế Orkney là món đồ nội thất bản địa truyền thống, giàu tính tự sự của Scotland”. “Từ những ngày đầu, thiết kế tựa lưng cao của chiếc ghế đã được tạo ra thông qua các vật liệu thô sơ như rơm yến mạch đen bản địa, gỗ lũa. Thiết kế này giúp giữ được hơi ấm và tránh những luồng gió lạnh thổi vào lưng.

thiet ke ghe an tuong

“The Gloy Chair” của Marc Sweeney mô phỏng từ ghế truyền thống Orkney. Ảnh: Tư liệu.

 “A Glimpse of What Ain’t There” của Marcelo Suro

“A Glimpse of What Ain’t There” là một chiếc ghế dành cho trẻ em bao gồm phần đệm ngồi bằng silicon, phần tựa lưng, chân và mặt ghế làm bằng ván ép uốn cong với kỹ thuật cổ điển.

Marcelo Suro, sinh viên thiết kế công nghiệp của Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Savannah cho biết: “Thiết kế của ghế được sắp đặt có chủ đích nhằm thể hiện một tập hợp được đặt cạnh nhau và hoạt động song song, nó truyền tải cảm giác về thuyết nhị nguyên: giữa cái có và cái không, cái ở trong và cái ở ngoài, cái mềm và cứng”

thiet ke ghe an tuong

“A Glimpse of What Ain’t There” của Marcelo Suro lấy cảm hứng từ thuyết nhị nguyên. Ảnh: marcelosuro

Ghế đẩuO” của Elias Berg, Mikaela Midell và Felicia Mebus phối hợp với Lammhults

“O” là một món đồ nội thất phù hợp với môi trường làm việc linh hoạt hiện nay, nhằm thích ứng với văn hóa làm việc mới đã phát triển trong thời kỳ đại dịch. Ghế bao gồm nhiều đệm ngồi hình tròn làm bằng da được xếp chồng lên nhau, chân cong làm từ thép. Các phần ghép lại với nhau để tạo ra “một chiếc ghế đẩu không có cảm giác khuôn mẫu”.

Elias Berg, Mikaela Midell và Felicia Mebus – ba sinh viên thiết kế sản phẩm tại Đại học Thiết kế Beckmans cho biết: “Chân và đệm ghế đã được sản xuất theo các quy trình riêng biệt, bằng phương pháp mà không ai trong chúng tôi quen thuộc cho lắm. Điều đó làm chúng tôi lo sẽ khiến cho các bộ phận không được tương thích với nhau. Nhưng thành quả cuối cùng lại mang đến sự bất ngờ. Khi chiếc ghế đẩu hoàn thiện, chúng tôi đã tìm được điều mang đến sự phấn khích cho dự án này.

thiet ke do noi that an tuong

Ghế đẩu “O” không theo khuôn mẫu của Elias Berg, Mikaela Midell và Felicia Mebus phối hợp với Lammhults. Ảnh: Joel Eriksson.

Ghế xoay “Turnaround Chaircủa Rory Mullins

Để đáp ứng thói quen ngồi của người tiêu dùng, Rory Mullins, một sinh viên thiết kế sản phẩm và nội thất tại Trường Nghệ thuật Kingston đã thiết kế một chiếc ghế có tên là Turnaround Chair.

Đế ngồi của ghế xoay vòng giúp người dùng tự do di chuyển. Phần tựa lưng của ghế cũng có thể được sử dụng làm chỗ để tay cho phép mọi người có thể ngồi theo nhiều hướng. Điều đó đã làm cho chiếc ghế trở nên linh hoạt và phù hợp với nhiều không gian như quán cà phê, lớp học hay ở những nơi công cộng.

thiet ke do noi that an tuong

Ghế xoay “Turnaround Chair” của Rory Mullins giúp người sử dụng có thể tự do di chuyển. Ảnh: rorymullinsdesign.

Ghế bập bênh “Verv” của Fanny Axnér và Siri Boekhout, hợp tác với Nola

Verv là một chiếc ghế mang vẻ ngoài như những chiếc ghế bập bênh dành cho người già. Bằng cách thử nghiệm với chất liệu kim loại cứng, Fanny Axnér và Siri Boekhout của Đại học Thiết kế Beckmans đã tìm cách sử dụng độ tương phản và kích thước để tạo ra vẻ ngoài ấn tượng của Verv.

Vì đồ nội thất dành cho người già thường đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp, bộ đôi sinh viên đã từng tự hỏi: “Việc tạo ra chiếc ghế đó có thật sự cần thiết hay không?”. Y học đã chứng minh việc đung đưa cơ thể được chứng minh là có tác dụng trị liệu và tốt cho cơ bắp, giúp cân cân bằng và lưu thông máu. Vì vậy họ đã nhìn thấy cơ hội để tái tạo một món đồ nội thất cổ điển trong bối cảnh mới.

thiet ke ghe an tuong

Ghế bập bênh “Verv” của Fanny Axnér và Siri Boekhout, hợp tác với Nola mang đến những tác động tốt cho việc lưu thông máu. Ảnh: Fanny Axnér.

 

Thực hiện: Khánh Quỳnh | Theo: Dezeen | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Thiết kế sản phẩm ấn tượng mới

“Yose-gi” chiếc ghế ghép hình của Yoshiaki Ito