MW Archstudio – Không gian mở thông thái

Văn phòng của MW Archstudio là một công trình có độ lùi hào phóng và độ mở tối đa, khiêm tốn nhường chỗ cho cây xanh, bầu trời, vạt nắng và những cơn gió thổi quanh khu quy hoạch dân cư mới, cách xa trung tâm thành phố Huế. Đằng sau sự cởi mở của tư duy thiết kế là chiều sâu của tinh thần tiếp biến di sản văn hóa, tính nhân văn và thái độ hòa hợp với tự nhiên.

MW archstudio – Một không gian văn phòng đáng để làm việc

Văn phòng của MW archstudio được xây dựng dựa trên ý tưởng về “một không gian đáng để làm việc”; một nơi mà ở đó, “sự liên kết giữa con người với tự nhiên, các yếu tố bản địa, văn hóa, nhân văn được thể hiện trực diện, rõ ràng nhất”; một không gian tự do, cởi mở, giúp cho mỗi người có thể tìm thấy “bản nguyên” sâu thẳm của chính mình để từ đó nuôi dưỡng năng lượng tích cực và đạt được sự thăng hoa trong quá trình sáng tạo. Kết quả là một không gian mở hoàn toàn, liền mạch và thông suốt. Được xây dựng trên diện tích đất 150m2, công trình có quy mô 2 tầng. Tầng 1 là không gian đa chức năng dành cho sinh hoạt chung còn tầng 2 là khu vực làm việc chính với hệ thống máy tính cố định. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thời gian và thời tiết, nhân viên có thể chọn bất kỳ vị trí nào để làm việc. Công trình không có vách ngăn và linh động về công năng vô tình lại làm tăng khả năng kết nối và tương tác giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Hệ thống cây xanh và sỏi đá phủ kín từ vườn vào nhà, “xâm lấn” một phần diện tích mặt bằng tầng 1, xóa bỏ ranh giới trong – ngoài. Đồ nội thất, bàn, ghế bằng chất liệu trong suốt, tạo hiệu ứng xuyên thấu cho không gian, để ở bất cứ đâu trong văn phòng, con người cũng có thể chạm mặt và chiêm ngưỡng thiên nhiên. Không gian đáng để làm việc là một không gian tự do, cởi mở, giúp cho mỗi người có thể tìm thấy “bản nguyên” sâu thẳm của chính mình để từ đó nuôi dưỡng năng lượng tích cực và đạt được sự thăng hoa trong quá trình sáng tạo. Thời tiết cực đoan không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để biến văn phòng thành một sinh thể sống, nơi thông qua những thay Đổi liên tục về khí hậu, con người lại có cơ hội quan sát “Đồng hồ sinh học thiên nhiên” này.

MW Archstudio tay nắm cửa

Ảnh: Hiroyuki Oki

MW Archstudio hệ thống cửa lưới

Hệ thống cửa lưới đóng mở linh hoạt, tạo hiệu ứng mỹ thuật độc đáo khi kết hợp với ánh sáng. Ảnh: Hiroyuki Oki

MW Archstudio tượng Phật

Tượng Phật được thiết kế ước lệ qua khung thép đan lưới. Ảnh: Hiroyuki Oki

MW Archstudio cửa

Ảnh: Hiroyuki Oki

“Đồng hồ sinh học thiên nhiên”

Việc chọn một khu đất được bao quanh bởi ruộng lúa tự nhiên và làng xóm đơn sơ, mộc mạc cũng góp phần cộng hưởng cho ý đồ thiết kế văn phòng xanh của MW archstudio. Thách thức lớn nhất mà đội ngũ KTS phải cân nhắc xử lý khi triển khai dự án là vấn đề khí hậu ở Huế, một trong những vùng có khí hậu cực đoan đặc trưng của khu vực miền Trung. Trong khi không gian mở giúp tận dụng ánh sáng mặt trời và lưu thông không khí khiến cho văn phòng không cần tới điều hòa ngay cả trong mùa khô ở Huế thì để đối phó với mùa mưa, các KTS phải nghiên cứu cao độ công trình so với bối cảnh khu đất trước khi thực hiện. Do độ ẩm khá cao, mưa nhiều nên vật liệu gỗ tự nhiên trong văn phòng hầu như được loại bỏ, thay vào đó là các vật liệu công nghiệp (nhôm, kính, ván lõi nhựa..) và vật liệu tự nhiên địa phương (tre đực, đá sỏi). Ngay cả cây xanh trong sân vườn cũng hoàn toàn là cây bản địa để thích nghi với khí hậu vùng này.

Ngoài ra, hệ thống cửa được thiết kế đóng mở chủ động với cấu tạo các lớp cửa lưới thép lỗ có thể xếp trượt độc lập nhằm tránh các hướng gió cực đoan vào mùa lạnh. Không chỉ là giải pháp vách ngăn linh động, lớp cửa lưới này còn tạo nên hiệu ứng mỹ thuật độc đáo khi ánh sáng mặt trời ban ngày hay ánh đèn ban đêm xuyên qua, đồng thời có khả năng thay đổi tỷ lệ không gian nhằm đem đến nhiều cảm nhận khác nhau trong cùng một diện tích. KTS Lê Minh Quang chia sẻ, thời tiết cực đoan không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để biến văn phòng MW archstudio thành một sinh thể sống, nơi thông qua những thay đổi liên tục về khí hậu, con người lại có cơ hội quan sát “đồng hồ sinh học thiên nhiên” này.

MW Archstudio tầng 1 van phong

Tầng 1 là không gian đa chức năng dành cho sinh hoạt chung như tiếp khách, họp nhóm, giao lưu sự kiện, triển lãm và các hoạt động thư giãn cá nhân như nấu ăn, tắm trong nhà và ngoài trời, xông hơi… Ảnh: Hiroyuki Oki

MWArchstudio tầng 2 van phong

Tầng 2 là khu vực làm việc chính. Đồ nội thất bằng chất liệu trong suốt nhằm tạo hiệu ứng xuyên thấu và giảm hạn chế tầm nhìn. Hiệu ứng phản chiếu cây xanh, bầu trời trên bề mặt bàn kính và trần tầng 2 khiến cho thiên nhiên như sống bên trong không gian. Ảnh: Hiroyuki Oki

MWArchstudio vườn

Hệ thống cây xanh và sỏi đá phủ kín từ vườn vào nhà, “xâm lấn” một phần diện tích mặt bằng tầng 1, xóa bỏ ranh giới trong – ngoài. Ảnh: Hiroyuki Oki

MWArchstudio vật liệu địa phương van phong

Để thích ứng với khí hậu cực đoan của Huế, công trình văn phòng MW archstudio kết hợp vật liệu công nghiệp với vật liệu tự nhiên địa phương như tre đực, sỏi đá… và trồng cây bản địa trong vườn. Ảnh: Hiroyuki Oki

Mặc dù mang hơi thở đương đại, công trình vẫn ẩn giấu một cách tinh tế những chi tiết kế thừa vẻ đẹp di sản của một vùng đất giàu giá trị văn hóa và lịch sử. Ví dụ như các “kẻ” và “bảy”, 2 chi tiết trong nhà rường Huế, được KTS mua lại từ nhiều nguồn tháo dỡ nhà rường cũ ở Huế và bố trí trong văn phòng như các tác phẩm sắp đặt. Nếu đặt trong tổng thể nhà rường, các chi tiết này ít được để ý bởi xung quanh có nhiều cấu kiện khác được chạm trổ tinh xảo hơn. Tuy nhiên, các chi tiết này lại trở nên nổi bật, có sức hút và kích thích trí tò mò khi đặt trong không gian hiện đại của văn phòng. Tương tự, các “lách”, “diềm”, bộ “chuông, mõ” Huế, tượng Phật được thiết kế ước lệ qua khung thép đan lưới hay bố cục nhiều lớp cửa xếp… đều gợi nhắc đến công năng và vật lý kiến trúc của hệ cửa và khu vườn trong các nhà rường Huế. Các yếu tố văn hóa bản địa tại văn phòng đều được trao cho một đời sống mới. Tất cả tổng hòa thành một hệ thống đan xen bền chặt, thể hiện một tinh thần Việt được tiếp diễn tương lai từ di sản của quá khứ.

Bài: Đoàn Trúc | Hình ảnh: Hiroyuki Oki

Xem thêm:

Làm việc trong văn phòng giữa thiên nhiên, tại sao không?

Bến Xuân – Chốn tinh hoa Huế