Rong chơi mùa lá đỏ

Rừng lá phong rực đỏ dưới tiết trời chuyển lạnh đầu Đông khiến cảnh quan xứ Phù Tang thêm diễm lệ, là mùa hoàn hảo cho những trải nghiệm hấp dẫn từ Yokohama xuống miền cố đô Kyoto, Nara, rồi qua vùng vịnh biển của Mie. Mỗi điểm rong chơi ấy luôn có hơn một câu chuyện kỳ thú để khám phá.

Người Nhật gọi mùa cây lá chuyển màu trước tiết trời Đông là Momiji (hồng diệp). Vẻ đẹp ấy từ xa xưa đã là nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân mặc khách, kiếm sĩ Samurai… biểu đạt những ý niệm vào thơ phú, văn chương, vào thú vui thưởng ngoạn mùa lá đỏ – còn được gọi là những hành trình Momiji-gari (săn lá đỏ) khởi phát từ cách đây gần 700 năm lịch sử. Ở Nhật Bản, nếu mùa hoa anh đào (Hanami) bắt đầu từ Nam ngược lên phương Bắc, thì Momiji lại xuôi từ Bắc xuống Nam. Đi theo cung đường lá đổi màu dịp cuối năm, bao giờ cũng là một hành trình nên thơ, đầy quyến rũ.

Những con đường rực đỏ từ hàng ngàn cổng Torii ở đền Fushimi Inari vùng cố đô Kyoto, đây là ngôi đền có nhiều cổng Torii nhất trong tín ngưỡng Thần đạo ở Nhật.

Lá đỏ chốn đền thiêng

Nhật Bản có hơn 80.000 ngôi đền Thần đạo (Shinto), cũng là ngần ấy điểm đến thưởng ngoạn Momiji. Bởi người Nhật quan niệm các vị thần trong tín ngưỡng Shinto giáo luôn trú ngụ ở những cánh rừng thiêng được bảo tồn nghiêm ngặt, do vậy vị trí các đền thờ Shinto thường chen giữa cánh rừng và mùa lá đỏ đến, đó chính là nơi đón Momiji đẹp nhất. Trong số các ngôi đền Thần đạo, có hai ngôi đền đặc biệt nhất không chỉ trong tâm thức người mộ đạo, mà với cả lữ khách quốc tế. Đầu tiên là Fushimi Inari – đền lớn nhất của hệ phái thờ thần lúa gạo Inari trên toàn đất Nhật – tọa lạc ở cố đô Kyoto. Trong số hơn 80.000 đền Thần đạo tại Nhật, phân nửa trong số ấy thuộc hệ phái Fushimi Inari được gọi là phân xã (bunsha), bởi thờ vị thần ban lúa gạo, hoa màu, nên được giới làm ăn, buôn bán, sản xuất… tìm đến thờ cúng, khẩn cầu mua may bán đắt, làm ăn phát đạt.

Thần chủ trong trang phục truyền thống trước giờ hành lễ ở đền Fushimi Inari

Tán lá phong chuyển đỏ vào mùa Momiji ở đền Fushimi Inari.

Ở đền Thần đạo thông thường chỉ có 3 – 4 cổng đền, được gọi là Torii (điểu cư), với kết cấu kiến trúc gồm hai trụ đứng, gác lên 2 thanh ngang, mục đích để các loài chim đậu lên, và kiến trúc này cũng dùng phân biệt đền và chùa ở Nhật. Điều hấp dẫn là ở Fushimi Inari, có hàng ngàn cổng Torii như thế nằm chen nhau, tạo thành những đường hầm kỳ vĩ, ấn tượng, mang màu sơn đỏ nổi bật dưới tán rừng, nối từ chân núi theo tham đạo ngoằn ngoèo lên đỉnh núi Inari, với chiều dài ngót 4 cây số. Các cổng Torii này do những doanh nghiệp lớn của Nhật khi đến đền khấn nguyện, ước vọng thành, họ trở lại góp tiền xây Torii để tỏ lòng cảm ơn, tạo nên một quần thể kiến trúc Torii kỳ lạ, là một trong 100 điểm đến hấp dẫn nhất toàn đất Nhật.

Truyền thuyết về Momiji – cũng là tên yêu nữ hóa thân thành nàng công chúa diễm lệ quyến rũ kiếm sĩ Samurai có tên Koremochi và thuộc hạ khi cùng ngắm lá đỏ mùa Thu. Nhờ được thần Hachiman báo mộng, kiếm sĩ đã dùng gươm thần tiêu diệt yêu nữ, và nay khi mùa lá đỏ đến, người Nhật gọi là Momiji để tưởng nhớ công lao của Koremochi thuở trước.

Tương truyền vị thần tối cao trong tín ngưỡng Thần đạo là Thiên Chiếu Đại Ngự Thần (tức nữ thần mặt trời Amaterasu), để kiểm soát hạ giới, thần thường sai các sứ giả trong dáng hình loài chim bay khắp nhân gian để quan sát, và cổng Torii là nơi khi sứ giả mệt có chỗ dừng chân nghỉ, đó cũng là nơi phân định ranh giới giữa phàm tục và linh thiêng. Thế nên, khi bước qua cánh cổng Torii ở bất kỳ ngôi đền nào trên đất Nhật, đó đã là nơi thần linh cư ngụ.

Sự linh ứng của đền Fushimi Inari là lý do để những tín đồ Thần đạo trở lại xây cổng Torii để bày tỏ lòng cảm ơn với vị thần Inari.

Hình tượng cáo – vị sứ giả của thần lúa gạo Inari được trang trí khắp nơi trong khuôn viên đền.

Cách Fushimi Inari khoảng nửa giờ đi tàu là đến được cố đô Nara, nơi có ngôi đền đặc biệt thứ hai của Nhật là Kasuga với bộ sưu tập hơn 2.000 chiếc đèn đá – trong đó có cây đèn cổ nhất Nhật Bản hơn ngàn năm tuổi, cùng 1.000 đèn đồng trang hoàng từ hai bên tham đạo trải dọc lên thần cung ( jingu) của đền chính, ẩn hiện dưới tán rừng nguyên sinh Kasugayama. Hàng năm, có hai dịp toàn bộ đèn được thắp sáng là lễ hội Setsubun Mantoro đầu tháng 2 và Obon Mantoro trung tuần tháng 8. Đến với Nara, Kyoto, thăm thú hai ngôi đền độc đáo không chỉ bởi vẻ đẹp của kiến trúc, nét cổ kính trầm mặc của niên đại, đến câu chuyện thú vị cùng các chi tiết trang trí khác lạ của cổng đền, đèn đá, đèn đồng, cộng thêm nét đẹp phiêu lãng mùa Momiji, hẳn là hành trình khám phá đầy ấn tượng.

Những cây đèn đá rêu phong ngàn năm tuổi ở đền Kasuga, cố đô Nara.

Bao quanh tòa kiến trúc của Thần Cung ở đền Kasuga cũng được trang trí với vô số đèn đồng.

Đèn đồng của đền Kasuga có niên đại muộn hơn so với đèn đá, cây đèn đồng cổ nhất hiện hơn 400 năm tuổi.

Từ Mie đến Yokohama

Từ Nara, đi tiếp ra hướng biển là đến Mie, cũng là miền đất có ngôi đền hoàng tộc (thần cung) Ise Jingu – đền của mọi ngôi đền trong tín ngưỡng Thần đạo ở Nhật Bản. Riêng với lữ khách, Ise có một sức hấp dẫn khác là các khu nghỉ dưỡng ở vịnh biển Kashikojima, nơi tập hợp nhiều hòn đảo lớn nhỏ, tạo thành vùng nuôi trồng hải sản, trại nuôi cấy ngọc trai, cùng những điểm tắm nước khoáng nóng trị liệu, thư giãn, phục hồi sức khỏe… đầy lý tưởng cho kỳ nghỉ dưỡng cùng gia đình.

Vịnh biển Kashikojima là nơi những nét hoang sơ, thanh bình hiện hữu, nổi tiếng trong du lịch nghỉ dưỡng từ những năm 90, khi các công trình kiến trúc đậm phong cách Tây Ban Nha đầu tiên được xây dựng ở Nhật Bản như Prime Resort, làng Tây Ban Nha… phỏng theo kiến trúc các khu nghỉ dưỡng sang trọng của vùng Andalucia bên đường bờ biển Costa Del Sol thuộc Tây Ban Nha. Sự khác lạ trong hình thái kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, cùng những ưu đãi về thời tiết, khí hậu – mùa Hè kéo dài hơn mùa Đông, thích hợp cho những chuyến du ngoạn cảnh biển bằng tàu du lịch Espana (một kiểu tàu buồm từ thế kỷ 16 của Tây Ban Nha) khám phá danh thắng trong vùng vịnh Agowan, thăm thú các trại ngọc trai và cận cảnh công đoạn cấy ghép ngọc trai nhân tạo, vui chơi trong làng Tây Ban Nha với cảnh quan tái hiện hình ảnh các công trình danh tiếng như quảng trường Columbus, Cibeles, Mayor…

Kiến trúc phong cách Tây Ban Nha ở vịnh Kashikojima.

Điểm đặc biệt hấp dẫn lữ khách khi đến với Kashikojima là không thể bỏ qua những giây phút tắm Onsen truyền thống kiểu Nhật ở Shima Spain Mura, với khu tắm nước nóng nổi tiếng Himawari no Yu Onsen có phòng tắm lộ thiên nhìn ra vịnh biển – là điểm thư giãn và tiễn ánh hoàng hôn lý tưởng nhất vùng vịnh Kashikojima. Nguồn nước của Himawari no Yu Onsen cũng rất đặc biệt, nhờ mỏ suối khoáng nóng sát bờ biển nên giàu khoáng chất, khi đắm mình trong nước nóng, cảm giác rõ ràng làn da trở nên mềm, mịn và tinh thần cực kỳ sảng khoái.

Rời Mie để đến Yokohama, cũng là một hành trình lý tưởng lúc tiết trời chớm Đông, thành phố này hiện là một trong những đích đến để giới nghệ sĩ thế giới tự do thể hiện tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, sắp đặt tại không gian những dãy nhà kho gạch đỏ nơi cảng biển, hoặc trong các khách sạn cao cấp ở nhiều tòa cao tầng bên vịnh biển. Nhưng với lữ khách, hành trình đến Yokohama còn có một nguyên do lý tưởng khác, đó là thú trải nghiệm ẩm thực Nhật khi đêm về ở khu Sakuragi, không xa với bến cảng nơi có con tàu buồm Nippon Maru danh tiếng.

Toàn cảnh cảng biển Yokohama về đêm.

Con tàu cổ Nippon Maru nơi cảng biển của thành phố Yokohama.

Con đường ẩm thực nhỏ xinh trong khu Sakuragi ban ngày không nổi bật so với những công trình cao tầng san sát nơi cảng biển, nhưng đêm xuống lột xác với biển hiệu sáng choang của các quán hải sản theo mùa, hải sản theo ngày, hoặc ăn chuyên đề dựa theo kiểu chế biến đặc trưng riêng từng bổn tiệm. Một trong những quán quen thuộc được giới trẻ Nhật truyền khẩu là Uo Baka do ông chủ trẻ Shimamura Yoichi điều hành. Cả không gian quán chỉ chứa được khoảng 20 thực khách, không khí ấm cúng, trẻ trung, vui nhộn và thân thiện với phong cách phục vụ khiêm tốn, khéo léo đúng kiểu Nhật. Thực đơn quán hấp dẫn với những món hải sản đánh bắt theo ngày của vùng Yokohama, các món sashimi phổ thông có mực, cá hồi, cá ngừ, cá chẽm, cá hồng… cùng cầu gai, sò điệp, sò quạt… tất cả còn tươi nguyên hương vị biển.

Đường ẩm thực hải sản theo mùa khi đêm xuống ở khu Sakuragi, thành phố Yokohama.

Trong cái se lạnh cuối Thu, mọi người chen trong Uo Baka, nghe Yoichi giới thiệu món cùng cách thức chế biến đã khiến vị giác phải cựa quậy, đến khi đĩa sashimi tổng hợp dọn ra bàn gồm 8 loại cá, mực khác nhau, đẹp từ cách bài trí, công phu trong cắt lát, sắp đặt, vị ngọt thơm tinh túy trong từng miếng gắp cứ thế lan tỏa trong nỗi niềm sung sướng với ồ… à… mãn nguyện. Chén rượu sake hâm nóng hòa quyện cùng phong vị biển khơi càng góp thêm cho bữa hải sản đêm Yokohama thêm phần hấp dẫn.

Tác phẩm tranh tường của hai nghệ sĩ Mỹ Brown và Evans ở Yokohama.

Món sashimi bắt mắt của quán Uo Baka.

Mùa Momiji, có lẽ chỉ là cái cớ góp cho chuyến du hành qua những đền đài linh thiêng, những phút giây thư giãn, nghỉ dưỡng trên suốt dặm đường nơi đất Nhật, càng thêm nhiều kỷ niệm nhớ mãi.

Thực hiện: THIÊN AN