Nổi tiếng với vai trò một nghệ sĩ điêu khắc, Noguchi Isamu được biết đến với các tác phẩm phù điêu đương đại, cũng như sản phẩm nội thất kinh điển mà cho đến ngày nay vẫn trường tồn theo bao đổi thay của xu hướng. Một trong số đó phải kể đến chiếc đèn lồng Akari.
Lấy cảm hứng từ chiếc đèn lồng giấy cổ truyền Nhật Bản, Akari có phom dáng hiện đại với hình khối trông như một tác phẩm điêu khắc. Sự thành công của thiết kế tiên phong này thể hiện qua cách nó truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế cũng như số kiểu mẫu mà Noguchi đã cho ra đời.
Năm 1950, Noguchi Isamu trở lại Nhật Bản lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ chu du qua các quốc gia như Ấn Độ, Hy Lạp và Pháp bằng học bổng của Quỹ Bollingen chuyên ngành nghiên cứu vai trò của điêu khắc trong phạm vi công cộng. Đến mùa hè 1951, trên đường đến xem tiến độ dự án công viên Hòa Bình, ông và kiến trúc sư Kenzo Tange đã dừng chân ở Gifu, trung tâm sản xuất đèn lồng giấy. Tại đây, Noguchi đã chứng kiến lễ hội câu cá bằng chim cốc, nơi ngư dân sử dụng đèn lồng giấy, gọi là chochin, để thắp sáng thuyền của họ vào ban đêm. Từ đó, ông bị quyến rũ bởi thứ ánh sáng dịu nhẹ của lồng đèn giấy.
Matt Kirsch, người phụ trách nghiên cứu tại Bảo tàng Noguchi cho biết, thị trưởng của thành phố Gifu đã đề nghị Noguchi giúp hồi sinh ngành công nghiệp làm đèn lồng địa phương. Nền kinh tế của Nhật Bản lúc này bị ảnh hưởng nặng nề bởi Thế chiến II lẫn sự sao chép từ trào lưu Japonisme ở Châu Âu và Mỹ.
Chuyến ghé thăm tình cờ đến Gifu và nhìn thấy vẻ đẹp của dàn ánh sáng lơ lửng trên sông là duyên khởi để Noguchi cách tân chiếc lồng đèn giấy truyền thống bằng cách thay đổi phương tiện chiếu sáng từ nến thành bóng đèn. Ngay sau khi nhận được lời đề nghị, ông đã cho ra hai bản thử nghiệm vào ngày hôm sau. Nhờ quan hệ hôn phối với gia đình Ozeki, ông có đủ điều kiện để dễ dàng tạo ra những sản phẩm có chất lượng mỹ mãn. Trong sự cộng tác này, Noguchi đóng vai trò nghĩ ra hình dáng còn xưởng của Ozeki phụ trách gia công thủ công.
Sự ra đời của những chiếc lồng đèn tân thời Akari của Noguchi là minh chứng cho sự hòa quyện mượt mà giữa truyền thống và hiện đại với nguyên liệu chính là giấy washi và tre. Với mục đích tạo ra phom dáng điêu khắc hiện đại từ đầu, Noguchi nhanh chóng nhận ra cách làm đèn lồng truyền thống có một ưu điểm tiềm tiềm tàng mà các bức phù điêu không có được: chúng có thể gấp phẳng lại để cất giữ và vận chuyển. Mặc dù những kiểu dáng do ông thiết kế không thể được cấp bằng sáng chế vì trông giống với những chiếc đèn lồng truyền thống, nhưng Noguchi đã phân biệt thiết kế của mình với những bản sao khác bằng cách phát triển các giá đỡ và phụ kiện đi kèm.
Noguchi đã giới thiệu chiếc đèn lồng Akari đầu tiên của mình tại một cuộc triển lãm lớn về gốm sứ và điêu khắc của ông tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Kamakura vào năm 1952. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích chúng, thậm chí còn bị phản ứng dữ dội. Một số nghệ sĩ avant-garde thời đó cho rằng thiết kế quá cận truyền thống. Điều này không làm Noguchi nản chí. Với ông, Akari là cách để đưa điêu khắc vào không gian sống một cách trực diện. Không phụ ý chí và lòng tin của ông, chiếc lồng đèn nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ tại thị trường Âu Mỹ.
Thành công về mặt thương mại khiến cho Akari bị đặt lên bàn cân, rằng đây là nghệ thuật hay thiết kế sản phẩm. Sự phản đối của các nghệ sĩ và nhà phê bình đối với Akari tuy khiến Noguchi khó chịu, nhưng có lẽ điều đó không quá quan trọng bởi trước khi mất vào năm 1988, ông đã cho ra đời hơn 100 thiết kế khác nhau, từ đèn bàn, đèn sàn cho đến đèn thả, cho thấy sức ảnh hưởng và thành công của chiếc đèn lồng trong đời sống.
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Đèn lồng-Chất Á Đông trong phòng khách đương đại