Huỳnh Xuân Huỳnh: Cảm tình với gốm Lái Thiêu từ một người trẻ

Tình yêu và niềm đam mê với gốm Lái Thiêu của Huỳnh Xuân Huỳnh được gửi gắm trong các sản phẩm của anh, bao gồm đồ án tốt nghiệp với chủ đề đồ thờ gần đây.

Xuất phát từ tình yêu và mong muốn được lưu giữ nét đẹp mộc mạc của gốm Lái Thiêu, Huỳnh Xuân Huỳnh đã từng bước tìm tòi và khôi phục được một số kỹ thuật xưa đang dần mai một, góp phần đưa gốm Việt trở lại với cuộc sống hiện đại hằng ngày của người Việt Nam. Trước khi thành lập thương hiệu Nắng Ceramic, Huỳnh đã có thời gian tìm kiếm và học hỏi bằng việc thực hành tại những lò gốm ít ỏi còn hoạt động.

Sự kế thừa và phát huy nét đẹp của gốm Lái Thiêu tiếp tục được Huỳnh thể hiện qua đồ án tốt nghiệp gần đây. Đúng như tên gọi “Bộ Sản Phẩm Đồ Thờ Gốm Lái Thiêu”, anh đã khai thác các sản phẩm dành cho nghi lễ thờ tự bằng kỹ thuật làm gốm.

gom lai thieu nang ceramic huynh xuan huynh do tho cung

Bộ “”Lưỡng Long Tranh Châu”

Chia sẻ về lý do chọn chủ đề này, Huỳnh cho biết: “Lúc bắt đầu làm đồ án thì ông của mình qua đời. Trong lúc tang gia, mình có tìm kiếm các món đồ cho bàn thờ thì nhận ra có rất ít sự lựa chọn và kiểu dáng cũng không được đa dạng, nhất là đồ thờ bằng gốm của Nam Bộ gần như không có.” Cùng với tình cảm dành cho người ông quá cố, Huỳnh đã có ý tưởng khai thác dòng sản phẩm thờ cúng cho đồ án tốt nghiệp của mình.

gom lai thieu nang ceramic huynh xuan huynh do tho cung

Các sản phẩm được tạo hình bằng kĩ thuật thủ công truyền thống.

Đồ án gồm 2 bộ. Bộ đầu tiên được làm theo kiểu truyền thống với họa tiết “Lưỡng Long Tranh Châu” với họa tiết xanh lam trên nền trắng còn bộ thứ hai mang tên “Đại Hồng Hồ Điệp” có yếu tố trang trí phá cách hơn. Hình tượng hoa cúc tượng trưng cho lòng hiếu thảo, cũng là loại hoa ưa thích của người dân Nam Bộ bởi sự bình dị nhưng vẫn rực rỡ và hào sảng như tính cách của người dân nơi đây. Với họa tiết hoa và bướm này, Huỳnh đã tự sáng tạo và vẽ bằng màu đại hồng đặc trưng của gốm Lái Thiêu.

gom lai thieu nang ceramic huynh xuan huynh do tho cung

Bộ “Đại Hồng Hồ Điệp”

Mặc dù có lợi thế về kinh nghiệm làm gốm, cũng như nguồn lực có sẵn tại thương hiệu riêng, Huỳnh vẫn gặp một số thử thách khi thực hiện bộ sản phẩm này. Trong khi yêu cầu của đề bài đòi hỏi sự mới mẻ thì đặc trưng của đồ thờ lại mang tính cổ điển và khuôn phép. Ngoài ra, số lượng thợ thủ công lành nghề không còn nhiều cũng khiến quá trình làm đồ án khó khăn hơn ít nhiều do các sản phẩm được làm thủ công hoàn toàn. Từ sự đối lập đó, Huỳnh phải nghiên cứu kỹ lưỡng về khía cạnh tạo tác và trang trí để đạt được sự cân bằng giữa hai tính chất mâu thuẫn.

gom lai thieu nang ceramic huynh xuan huynh do tho cung

Họa tiết hoa và bướm sinh động được Huỳnh Xuân Huỳnh vẽ tay.

Đồ án đã giúp Huỳnh giành vị trí Á Khoa trong đợt bảo vệ tốt nghiệp ngành Thiết kế Công nghiệp tại trường Đại học Kiến trúc Tp HCM gần đây. Anh cho biết, các sản phẩm được hội đồng chấm thi đánh giá cao về thẩm mỹ lẫn tính ứng dụng, giúp thúc đẩy gìn giữ và phát triển văn hóa.

lai thieu nang ceramic huynh xuan huynh do tho cung

Nhà thiết kế Huỳnh Xuân Huỳnh tại buổi bảo vệ đồ án.

Theo nhận định của Huỳnh, gốm Lái Thiêu nói riêng cũng như gốm Việt nói chung đã luôn là yếu tố trang trí quen thuộc tô điểm cho ngôi nhà của mỗi gia đình người Việt Nam. Mặc dù thời đại ngày nay phát triển nhanh chóng và xu hướng bài trí không gian sống cũng thay đổi, nhưng gốm truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng của mình với vai trò tạo điểm nhấn cho không gian, cũng như thể hiện gu thẩm mỹ của gia chủ. Trong thời gian sắp tới, Huỳnh có ý định phát triển các sản phẩm này cho Nắng Ceramic, bắt đầu bằng phiên bản được làm bằng kỹ thuật xoay tay thủ công và sau đó là đúc khuôn nhằm đem đến sự phong phú trong lựa chọn các sản phẩm, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng yêu thích gốm Việt.

Thực hiện: Hoàng Lê | Ảnh: NVCC


Xem thêm

Nét Việt trên cốt gốm Lái Thiêu

Nét đẹp các trường phái gốm Lái Thiêu

Nghệ thuật cắt dán, in khuôn trong gốm Lái Thiêu – Quảng Đông