Ngày nay, có rất nhiều kỹ thuật phục chế đã phát triển thành nghệ thuật và quan điểm sống mà điển hình có Kintsugi (hay còn gọi là Kintsukuroi) của người Nhật Bản. Kintsugi không chỉ đưa đồ vật về nguyên trạng mà còn tôn vinh những đường nứt bằng bột vàng hoặc bạc, biến chúng trở thành dấu ấn của sự hồi sinh sau rạn vỡ, thể hiện vẻ đẹp độc bản và không hoàn hảo của những món đồ nội thất.
Nghệ sĩ thị giác người Brazil Tatiane Freitas đã lấy cảm hứng từ Kintsugi để thực hiện bộ sưu tập đồ nội thất My Old New – sự kết hợp táo bạo giữa cũ và mới. Ở đây, cô đã xóa nhòa ranh giới giữa thiết kế cổ điển và đương đại khi sử dụng kỹ thuật phục chế đặc sắc lên nhựa acrylic để sửa chữa những món đồ gỗ bị hỏng. Chất nhựa trong suốt không nhằm mục đích ngụy trang cho những khiếm khuyết mà còn nổi bật trên nền gỗ, tôn vinh tính di sản của đồ vật và chất liệu.
Kể từ khi chiếc ghế acrylic đầu tiên ra đời vào năm 2010 cho đến nay, đã hơn một thập kỷ Tatiane miệt mài với công việc dựng khung trong suốt thay thế cho những món đồ nội thất hỏng. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng câu chuyện riêng của cô trên hành trình đi tìm sự cân bằng giữa quá khứ và tương lai, với điểm giao là hiện tại. Bên cạnh những chiếc ghế có kích thước lớn thông thường, bộ sưu tập của cô còn có những chiếc có kích cỡ nhỏ nhắn vừa lòng bàn tay.
Tatiane Freitas là nghệ sĩ thị giác sử dụng các thiết kế đồ nội thất để truyền tải quan điểm sâu sắc về dòng chảy thời gian. Các tác phẩm của cô luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho quá khứ và tương lai, được trưng bày tại nhiều triển lãm nghệ thuật lớn trên toàn thế giới.
Thực hiện: Thùy Như | Theo: Designboom | Ảnh: Tatiane Freitas
Xem thêm
Vẻ đẹp kì ảo trong đèn dệt kim của Sangmin Oh
Ghế Cosmos: Vẻ đẹp của vũ trụ từ những đường cong lôi cuốn
Ghế IGINIO MASSARI’s Bignè – Cảm hứng từ bánh truyền thống Ý