Hiện nay, khi lên kế hoạch xây dựng ngôi nhà mới hoặc cải tạo không gian sống, nhiều kiến trúc sư thường cân nhắc việc lắp đặt cửa lùa (hay còn gọi là cửa trượt) bởi tính ứng dụng cao và khả năng tiết kiệm diện tích đáng kể. Trước sự đa dạng về chủng loại trên thị trường, ELLE Decoration xin liệt kê, phân tích ưu và nhược điểm của một số loại cửa phổ biến để giúp bạn có được lựa chọn phù hợp cho dự án tiếp theo.
1. Cửa lùa xếp gấp
Là hệ thống gồm nhiều cánh cửa liên kết với nhau bằng bản lề và hệ thống ray trượt. Khi mở, các cánh cửa chồng lên nhau theo hình zigzag. Với khả năng xếp gọn nhiều cánh cửa vào một diện tích tương đối nhỏ, loại cửa này tối đa hóa không gian mở, tạo nên sự liền mạch giữa bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Đây là giải pháp lý tưởng cho những không gian sống hướng đến sự mở rộng, tận dụng tối đa mặt bằng.
Tuy nhiên, do cấu tạo phức tạp và kích thước lớn, loại cửa này thường có giá thành cao hơn so với các loại cửa lùa đơn giản. Chi phí phụ thuộc vào số lượng cánh, kích thước cửa tổng thể và kích thước từng cánh.
Một hạn chế khác của dòng này là các điểm nối giữa những cánh cửa tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích cho trẻ nhỏ. Khác với cửa lùa kính thông thường chỉ có một điểm tiếp xúc giữa cửa và khung, cửa lùa xếp gấp có nhiều điểm nối, dẫn đến dễ xảy ra tai nạn.
2. Cửa lùa sân vườn
Như tên gọi của nó, loại cửa này thường có kích thước lớn, chủ yếu làm bằng kính được thiết kế để ngăn cách không gian nội thất với sân vườn. Để chống chịu được tác động của thời tiết, cửa được chế tạo chắc chắn hơn so với các loại khác trong danh mục này, đảm bảo không gian bên trong được bảo vệ tối ưu.
Khác với cửa lùa xếp gấp, cửa lùa sân vườn vận hành trên cơ chế tương đối đơn giản, dễ dàng sử dụng và yêu cầu bảo trì thấp hơn. Đồng thời, nó có khả năng cách nhiệt tốt, giúp tiết kiệm chi phí sưởi ấm và làm mát. Tuy nhiên, cửa có hạn chế về mặt không gian, do khi mở, một cánh cửa cố định và cánh còn lại trượt, khiến cho sự liền mạch giữa khu vực trong và ngoài nhà bị gián đoạn.
3. Cửa lùa âm tường
Cửa lùa âm tường là loại cửa trượt vào một khoảng trống ẩn bên trong tường, hay còn gọi là “ổ cửa”. Để lắp đặt loại cửa này, cần có một bức tường đủ rộng để chứa cửa và một không gian bên cạnh khung cửa để chứa cả cánh cửa khi mở hoàn toàn. Các cửa này thường được lắp đặt khi xây dựng nhà mới, nhưng vẫn có thể bổ sung sau đó nếu có đủ không gian.
Ưu điểm rõ ràng nhất của kiểu cửa này là khả năng tiết kiệm không gian tối đa, hoàn hảo cho phòng tắm nhỏ hoặc tủ quần áo. Cửa bản lề thông thường sẽ chiếm dụng không gian và gây khó khăn cho việc di chuyển, thậm chí ảnh hưởng đến vị trí sắp xếp đồ đạc trong phòng. Ngược lại, cửa lùa ẩn hoàn toàn trong tường, về cơ bản giống như không có cửa, thể xuất hiện và biến mất tuỳ ý, từ đó tối đa hóa không gian sử dụng.
Nhược điểm chính của cửa lùa âm tường là khả năng cách âm, cách mùi và ánh sáng kém hơn so với cửa bản lề thông thường hoặc các loại cửa lùa khác. Điều này hạn chế vị trí lắp đặt cửa âm tường, chẳng hạn như không phù hợp để ngăn cách không gian trong nhà và ngoài trời.
4. Cửa lùa xếp chồng
Là loại cửa mà các cánh cửa sẽ chồng lên nhau khi mở, sử dụng nhiều cánh cửa hơn so với cửa lùa tiêu chuẩn, nhưng mỗi cánh có kích thước nhỏ hơn và chạy trên đường ray riêng. Ưu điểm chính của nó so với cửa trượt thông thường là có thể linh hoạt điều chỉnh và kiểm soát ánh sáng, luồng không khí và mức độ mở của căn phòng. Nhược điểm của loại cửa này là nó đòi hỏi không gian lắp đặt rộng rãi để đủ lắp hệ ray.
5. Cửa lùa cánh trượt
Tương tự như cửa lùa âm tường, cửa cánh trượt thường được sử dụng để tối ưu hóa không gian. Điểm độc đáo của loại cửa này là cơ chế trượt lộ thiên thay vì ẩn trong khung cửa. Được ưa chuộng bởi nhiều chủ nhà và kiến trúc sư, loại cửa này có thể tạo được điểm nhấn cho không gian.
Ngoài ra, do cơ chế lộ thiên, gia chủ có thể tháo rời cánh cửa bất cứ khi nào. Mặc dù không thường xuyên sử dụng, tùy chọn này cho phép mở rộng không gian khi tổ chức sự kiện hoặc tiệc thân mật tại nhà.
Giống cửa lùa âm tường, cửa cánh trượt không tạo được độ kín đáng kể giữa các phòng. Cánh cửa trượt bên ngoài khung cửa tạo ra khoảng trống tương đối lớn giữa cửa và khung, cho phép không khí và âm thanh di chuyển tự do giữa hai phòng.
Thực hiện: Quốc Huy
Xem thêm:
7 Mẫu lavabo cao cấp cho phòng tắm hiện đại