Chọn an cư lạc nghiệp hay giàu có về trải nghiệm?

“An cư lạc nghiệp” từ lâu đã trở thành lời dạy dỗ quen thuộc cho thế hệ trẻ rằng: việc ổn định về chỗ ở sẽ tạo cho chúng ta sự an tâm để phát triển sự nghiệp như ý. Vậy nhưng với thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt là nhóm Millennials, việc sở hữu một căn nhà đã dần trở thành sự lựa chọn cá nhân, chứ không còn là nền tảng bắt buộc nữa. Hẳn bạn sẽ để ý đến xu hướng sống năng động và tự do hơn của “thế hệ xê dịch” ngày nay, khi họ chịu khó đầu tư vào cho trải nghiệm sống hơn là cố định trong khuôn khổ tư tưởng có nhà, có xe mới được xem là thành đạt.

Nghịch lý của sự sở hữu và sức mạnh của trải nghiệm

Giáo sư tâm lý học Thomas Gilovich của Đại học Cornell Mỹ đưa ra một kết luận sau nhiều năm nghiên cứu, phân tích: Đừng tiêu tiền vào vật chất, bởi hạnh phúc chúng đem lại sẽ chỉ là nhất thời. Ba luận điểm chính của ông là: Những vật sở hữu mới rồi cũng dần trở nên quen thuộc, bạn sẽ liên tục nâng chuẩn đặt bản thân mình vào những kỳ vọng cao hơn, và quan trọng nhất là xung quanh sẽ luôn có người hơn bạn.

Trong một bài nghiên cứu mới của Viện Khoa học Hungary, hai nhà nghiên cứu Tamas Hajdu và Gabor Hajdu đã đi xa hơn và chỉ ra rằng: Thực chất mức độ hài lòng giữa việc đầu tư cho vật chất hay trải nghiệm gần như bằng nhau. Vậy nhưng tại sao chúng ta lại có khuynh hướng đánh giá cao việc đầu tư cho trải nghiệm hơn? Câu trả lời chính là sự khác biệt về tính nguyên vẹn của cảm giác. Trong khi cảm giác hạnh phúc gắn liền với vật chất giảm dần qua thời gian – sau khi niềm hưng phấn với cái mới mẻ qua đi, cảm giác hạnh phúc của trải nghiệm được duy trì gần như y hệt mỗi khi ta có cơ hội hồi tưởng lại. Vậy nên, hai nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận để tối đa hóa niềm hạnh phúc trong đời: hãy chọn đầu tư cho trải nghiệm.

trải nghiệm 3

Chính trải nghiệm mới trở thành một phần con người chúng ta chứ không phải những thứ ta sở hữu. Ta chính là tổng hòa của những thứ ta thấy, điều ta làm và nơi chốn ta ở. Khi bạn quyết định tiêu tiền vào một thứ gì đó, ấy là lúc bạn lựa chọn giữa việc sở hữu vật chất hay bồi đắp cho trải nghiệm. Thực tế, để sở hữu một căn nhà trong nội đô, người trẻ phải nỗ lực rất nhiều về mặt tài chính. Và một khi đã chọn con đường tích cóp cho ngôi nhà mơ ước, phần chi tiêu cho trải nghiệm hưởng thụ bị cắt giảm là lẽ đương nhiên. Khi bạn già, bạn sẽ tiếc nuối về những điều mình không làm, chứ không phải thứ đáng lẽ ra bạn có thể sở hữu.

“Home is where the heart is”

Mọi người thường chỉ định nghĩa về căn nhà dưới phương diện vật chất hữu hình mà quên đi rằng nhà cũng chính là một sự gắn bó về mặt cảm xúc. “An cư lạc nghiệp” không hẳn là một tư tưởng lỗi thời bởi nếu hiểu rộng ra “an cư” không chỉ nói về việc sở hữu một miếng đất, một căn nhà mà chính là sự ổn định về gia đình; có sự yên tâm về đời sống cá nhân mới có thể thăng hoa trong sự nghiệp. Đi sâu hơn vào mặt tâm lý, “an cư” chính là sự bình ổn về giá trị tinh thần, có được một nơi cư ngụ cho linh hồn mình, nơi ta dành tình cảm gắn bó và tìm thấy sự bình an. Có lẽ mọi người đã quá sa đà vào giá trị vật chất hữu hình mà quên đi rằng nhà cũng chính là nơi chứa đựng cả trái tim ta.

Chính trải nghiệm
mới trở thành một phần con người chúng ta
chứ không phải những thứ ta sở hữu.

trải nghiệm 2

Hãy đầu tư sao cho phù hợp nhất với bản thân mình

Năng lực và cách phân bổ tài chính là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến quyết định mua nhà hay không. Với những ai muốn đạt được sự an tâm dựa trên quyền sở hữu, họ sẽ chọn mua nhà. Những ai tự do, thích khám phá những khả năng mới sẽ lùi dần chuyện nhà cửa để dành tài chính cho trải nghiệm cuộc sống: du lịch, học hành, đầu tư, tích lũy…

Có những bạn trẻ còn ví von hài hước về mục tiêu mua nhà là “dành cả thanh xuân để trả nợ”, bởi việc mua nhà cần đến một sự tích lũy lớn và lâu dài về mặt tài chính. Hiện nay, cách suy nghĩ phổ biến cho rằng người tăng thêm chứ đất không thể nở ra được đã tạo ra nhu cầu lớn quá mức của việc sở hữu nhà đất. Nỗi sợ “nếu không mua ngay thì chẳng biết bao giờ có thể” biến thành động lực mạnh mẽ để nhiều người dồn hết tâm sức cho việc kiếm tiền mua nhà. Và sự kỳ vọng vào tương lai ấy vô tình trở thành áp lực trói buộc bạn khỏi việc đầu tư cho bản thân, ngay trong hiện tại.

Mọi người thường chỉ định nghĩa về căn nhà
dưới phương diện vật chất hữu hình
mà quên đi rằng
nhà cũng chính là một sự gắn bó về mặt cảm xúc.

trải nghiệm 1

Cuộc đời ta chia làm nhiều giai đoạn, thay vì dồn hết những năm tháng tuổi trẻ để mua nhà đổi lấy sự ổn định, bạn có thể dàn trải thời gian và kế hoạch tài chính sao cho hợp lý hơn. Các bạn trẻ giờ đã trở thành những công dân toàn cầu, nhu cầu chỗ ở có thể xê dịch theo nhu cầu di chuyển về công việc. Khi còn trẻ, bạn có thể ở nhà thuê để tăng vốn sống và tiết kiệm chi phí. Qua thời gian, khi đã có đủ tích lũy và cảm giác muốn được dừng chân, lúc đó hẵng mua nhà. Đừng vì để có được mái nhà mà đánh mất cơ hội được đi đây đó, mở rộng tầm mắt của chính mình. Khi ấy, quyết định sở hữu nhà lại biến thành một sự đầu tư tồi.

Thanh xuân là hữu hạn, chọn học tập, rèn luyện và trải nghiệm cũng chính là một cách tích lũy. Khi giá trị bản thân bạn được nâng lên nhờ sự giàu có trong vốn sống, tri thức, cơ hội kiếm tiền cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận. Việc đó có thể giúp rút ngắn khá nhiều kế hoạch mua nhà trong tương lai. Có như thế, các bạn trẻ mới tránh được cạm bẫy.

Tổng hợp: Phương Nguyễn.


Xem thêm:

Điện ảnh và cảm hứng thiết kế không gian

Living Unplugged – Tìm lại cuộc sống đích thực phía sau màn hình