Living Unplugged – Tìm lại cuộc sống đích thực phía sau màn hình

Cuộc sống tiện nghi, hiện đại mang đến cho ta rất nhiều lợi ích. Khi mọi thứ gói gọn trong những cú click thì tâm trí ta cũng bị cuốn theo những chặng đua không có hồi kết, và bạn cảm nhận được nghịch lý: công nghệ điện tử giúp đẩy nhanh mọi thứ nhưng con người lại liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng vì không có đủ thời gian!

Theo một nghiên cứu của Dr. Martin Hilbert và nhóm nghiên cứu trường Đại học Nam California, lượng thông tin “bao phủ” lấy chúng ta trong một ngày cao gấp 5 lần so với khoảng thời gian năm 1986, tương đương với việc đọc 174 tờ báo giấy. Về lượng, có thể ta thành công trong việc đạt được mọi thứ, nhưng về chất thì cuộc sống có thực sự trở nên tốt đẹp hơn không khi mức độ căng thẳng ngày một gia tăng và câu cửa miệng mà ta thốt ra hầu như đều là: “Tôi bận lắm”.

Chính vì được bao bọc bởi quá nhiều thứ, nhu cầu nghỉ ngơi, ngưng kết nối thực sự là một yếu tố cần thiết để bạn lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Trong bài viết này, ELLE Decoration không đưa ra những “tips” đối phó nhanh gọn bạn có thể dễ dàng tìm thấy qua Google, mà sẽ cung cấp một chiến lược dài hạn giúp bạn thanh lọc bớt cuộc sống thời kỹ thuật số. Ta chậm lại để đạt được nhiều hơn, rời xa mạng kết nối toàn cầu để thực sự chăm sóc cho cuộc sống cá nhân phía sau màn hình.

cuộc sống 4

UNPLUGGED: NGẮT KẾT NỐI

1. Digital Minimalism – Chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số

Chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số là một khái niệm được giới thiệu trong cuốn sách cùng tên của Tiến sĩ Cal Newport, với trọng tâm giúp người dùng tối giản hóa và tối ưu hóa đời sống online của mình.

Ông đưa ra một phương pháp gọi là Digital Declutter – dọn dẹp kỹ thuật số, áp dụng trong vòng 30 ngày. Theo đó, bạn sẽ loại bỏ hoàn toàn những ứng dụng được xem là “tùy chọn”, nếu thiếu chúng công việc và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng không chịu ảnh hưởng nhiều, ví dụ như những app nhắn tin, giải trí, chỉnh sửa ảnh… Và trong lúc tách mình ra khỏi sự trói buộc đó, Cal Newport khuyên bạn nên tận dụng khoảng thời gian này để tìm kiếm và thực hiện những hoạt động có ý nghĩa, bù lấp vào khoảng trống quý giá ta vừa đạt được. Đó có thể là những hoạt động thể thao ngoài trời giúp rèn luyện sức khỏe, là thời gian đọc sách yên tĩnh, học chơi nhạc cụ mới để gia tăng kiến thức và bồi bổ tinh thần, hay những cuộc gặp gỡ thực sự với bạn bè, người thân. Việc này cũng giống như một chuỗi thay thế, bạn lấp đầy 24 giờ của mình với những thú vui ý nghĩa và lành mạnh thay cho những tiếng ngồi đờ đẫn theo dõi hàng feeds. Cách làm này sẽ giúp bạn tránh được trạng thái chán nản khi tâm trí bỗng dưng được rong chơi và bồi đắp thêm chất lượng cho cuộc sống offline. Sau quá trình dọn dẹp đó, bạn quay lại với những ứng dụng và quyết định chỉ giữ lại những gì mình không thể sống thiếu. Khoảng thời gian unplugged đủ để tạo cho bạn cái nhìn tỉnh táo và sáng suốt hơn về những thứ tự được ưu tiên trong đời, qua đó sàng lọc hiệu quả hơn.

cuộc sống 3

2. Làm việc “Lagom”

Lagom trong tiếng Thụy Điển có nghĩa là “vừa đủ”, đây là một khái niệm được phát triển hẳn thành một phong cách sống, với trọng tâm nằm ở sự cân bằng của cuộc sống thường nhật. Hẳn bạn sẽ nhận ra phần lớn thời gian sử dụng đồ điện tử của chúng ta được dùng dưới danh nghĩa phục vụ cho mục đích công việc, vì thế nó quan trọng và khó lòng cắt bỏ được. Vậy nhưng, người Thụy Điển lại cho rằng thứ chúng ta thực sự cần quan tâm đến là những quãng nghỉ, họ thậm chí còn phát triển cả nếp văn hóa Fika (cà phê giữa giờ làm buổi sáng) để con người tái kết nối những quan hệ xã hội và gia tăng năng suất công việc. Theo triết lý Lagom, bạn không nên làm thêm giờ (overtime) mà tận dụng tối đa khoảng thời gian đi làm để hoàn tất gọn gàng mọi thứ.

Theo triết lý Lagom, bạn không nên làm thêm giờ (overtime)
mà tận dụng tối đa khoảng thời gian đi làm
để hoàn tất gọn gàng mọi thứ.

Điều đó không chỉ là minh chứng cho mức độ hiệu quả trong công việc, mà còn giúp cuộc sống của bạn được cân bằng, tránh trường hợp công việc “nuốt trọn” thời gian của bạn. Với phương châm này, khoảng thời gian sử dụng đồ điện tử của bạn cũng chỉ nên gói gọn trong những giờ hành chính ở công sở. Hãy tránh mang công việc về nhà và sử dụng điện thoại suốt giờ ăn trưa, ăn tối. Quãng thời gian “unplugged” này sẽ thực sự giúp bạn giảm thiểu căng thẳng và có thể tận hưởng cuộc sống xung quanh.

LIVING: TÌM LẠI CUỘC SỐNG ĐÍCH THỰC

1. Tái kết nối với thiên nhiên

Khi mạng xã hội trở nên phổ biến, chúng ta dành nhiều thời gian quan sát cuộc sống qua màn hình hơn là thực sự trải nghiệm nó. Hẳn bạn đã quen thuộc với khái niệm “đi du lịch check-in” hay “cà phê check-in”, khi những khoảng thời gian đúng ra nên được tận hưởng trọn vẹn lại trở thành phông nền cho cuộc sống ảo trên mạng.

Việc gần gũi thiên nhiên cũng trở nên hiếm hoi, xa xỉ khi ta hầu như chỉ nhìn cảnh vật qua màn hình điện thoại hoặc ống kính, thoáng chốc đến đó chụp một pô ảnh rồi dửng dưng lướt qua khi mắt trần còn chưa kịp thu nhận khung cảnh và lưu vào sâu thẳm trong trí nhớ của ta.

Tác giả Richard Louv đã từng đề cập đến vấn đề nói trên trong quyển sách Last Child in the Woods của ông, cụ thể là trong lý thuyết “Nature Deficit Disorder” – Hội chứng rối loạn thiếu hụt thiên nhiên (được nghiên cứu và tìm ra bởi nhà sinh vật học Edward O. Wilson). Theo lý thuyết này, trẻ em chịu sự thiếu hụt về trải nghiệm gần gũi tự nhiên sẽ không thể phát triển với đầy đủ sự tự tin, tư duy và trí tưởng tượng; thay vào đó chúng sẽ cảm thấy sợ hãi trước thiên nhiên và cảm thấy căng thẳng, thiếu thốn ở những nơi không có các thiết bị điện tử, ổ điện hay sóng wifi. Và có vẻ như hiện nay, triệu chứng này không chỉ đe dọa đến trẻ nhỏ mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở người lớn. Với ta, ngày nghỉ lý tưởng hiện nay gắn liền với định nghĩa “có chỗ ngồi thoải mái và luôn phủ sóng wifi”. Không mấy người chọn lấy sự bất tiện của một ngày ngoài trời ngập tràn nắng gió và luôn chân luôn tay vận động nữa.

Trên thực tế, thiên nhiên đem lại cho ta rất nhiều lợi ích về mặt thể chất lẫn tinh thần. Một số quốc gia thực sự coi trọng hoạt động tương tác với thiên nhiên và nâng tầm chúng thành một vẻ đẹp văn hóa. Ví dụ như liệu pháp Shinrin Yoku (đắm mình vào giữa rừng xanh) của người Nhật, mục đích khuyến khích mọi người tìm về tự nhiên, đi dạo chơi trong rừng, tản bộ bên những hàng cây. Các minh chứng khoa học cho thấy rằng Shinrin Yoku thực sự giúp con người duy trì huyết áp ổn định, giảm nồng độ cortisol trong máu, tăng cường khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ cũng như hệ miễn dịch. Chính phủ Nhật thậm chí còn đưa liệu pháp này vào chương trình sức khỏe quốc gia và khuyến cáo dân chúng hãy thực hiện thường xuyên, rộng rãi (theo The Guardian).

Ở Việt Nam, Shirin Yoku có thể được thực hiện dưới dạng dành thời gian đi bộ ở công viên hằng ngày, tạo một vườn cây cảnh ở ban công hay thậm chí là chăm sóc cho những luống rau, quả nhỏ xinh trên sân thượng. Nếu có điều kiện hơn, bạn nên tranh thủ dịp cuối tuần “đi phượt” một chuyến đến những tỉnh thành có rừng tự nhiên và tạm quên đi chiếc điện thoại trong vài ngày. Thiên nhiên luôn ở quanh và chờ đợi bạn khám phá, đừng bỏ lỡ cơ hội quý giá ấy để đánh đổi lấy vài tiếng lướt feeds trên Facebook và cày view Youtube.

cuộc sống 2

Cuộc sống kỹ thuật số nhanh và rất tiện lợi,
nhưng hãy nhớ rằng đôi khi để nâng cao chất
ta cần phải cắt bớt lượng.

2. Zen – sống chậm lại và giản dị hơn

Khi guồng quay thực tại bị đẩy đi quá nhanh, đôi lúc ta cảm thấy kiệt sức và liên tục băn khoăn về chất lượng cuộc sống. Bạn không thể kiểm soát hay chế ngự ngoại cảnh, nhưng bạn luôn nắm giữ khả năng thay đổi chính mình. Đó cũng là lý do vì sao ngày nay nhiều người tìm cách áp dụng cách sống Zen để tìm lại được sự cân bằng nội tại, để có thể ung dung tận hưởng cuộc đời theo một cách tự nhiên nhất.

Zen thường gắn liền với định nghĩa sống chậm và sống đơn giản, ta tách biệt mình ra khỏi nhịp sống rối ren thường nhật để có thể thực sự kết nối với những bản chất cốt lõi đó là sự yên ổn trong tâm trí và hạnh phúc tại tâm. Sống Zen có thể được thực hành qua những hoạt động thường nhật đơn giản như:

– Thức dậy vào sáng sớm để hít thở không khí trong lành và thoải mái chuẩn bị cho một ngày mới. Khi đã quen nhịp sinh học mới, bạn sẽ chẳng cần phụ thuộc vào ứng dụng báo thức trên điện thoại nữa.

– Chọn lấy niềm vui của sự bất tiện khi tự tay chuẩn bị bữa ăn tại gia, đóng một món đồ gỗ nhỏ, may lấy một chiếc áo xinh hay đặt bút trao gửi đi những dòng nhắn nhủ thương yêu thay cho những tin nhắn soạn sẵn… Khi cuộc sống quá tiện lợi và trơn tru, ta lỡ mất khả năng được phạm sai lầm và cả những cơ hội lưu giữ ký ức sâu, hãy mạnh dạn thay đổi điều đó bạn nhé.

– Dành ra một khoảng thời gian trong ngày để không suy nghĩ gì và chỉ hít thở thật sâu. Khoảng nghỉ này sẽ giúp tâm trí thư giãn, phản chiếu được hình dung của chính con người thật bên trong và ngộ ra điều gì khiến cho bạn hạnh phúc.

– Ăn chậm để tận hưởng mùi vị thơm ngon của thực phẩm, cũng như khơi dậy lòng biết ơn với những gì ta đang có. Khi ăn, hãy rời xa điện thoại và tivi để có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn nhất.

– Giữ nhà cửa gọn gàng, bỏ đi những vật dụng thừa thãi và áp dụng triết lý Wabi-Sabi (vẻ đẹp của sự bất toàn) vào trong phong cách trang trí; để vẻ đẹp vô tư lự của tự nhiên giải phóng tâm trí, dạy cho bạn cách trân trọng nét đẹp của sự hao mòn thời gian, qua đó chấp nhận sự vật, sự việc như bản chất vốn dĩ.

– Hạn chế sử dụng đồ điện tử khi về nhà, thay vào đó hãy giao tiếp với người thân và chăm sóc cho không gian sống của mình.

– Việc hôm nay chớ để ngày mai, việc trì hoãn sẽ chỉ góp phần chất chồng thêm gánh nặng cho ngày hôm sau.

cuộc sống 1

3. Evening rhythm – đầu tư vào chất lượng giấc ngủ

Chúng ta dành ra 1/3 cuộc đời để ngủ. Một giấc ngủ sâu sẽ giúp bạn khỏe khoắn và luôn mẫn tiệp. Việc liên tục bị “réo gọi” bởi những thông báo ứng dụng có thể khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn. Hãy rời xa điện thoại từ 1-2 tiếng trước khi ngủ và dành thời gian thư giãn cho cơ thể, chuyện trò với gia đình cũng như tự nhìn lại chính mình. Nhịp sống chậm này sẽ giúp cơ thể thả lỏng, chuẩn bị tốt hơn cho giấc ngủ và tránh cho bạn những lo nghĩ dồn dập về công việc ngày mai hay nỗi lo sợ mình sẽ bỏ lỡ những diễn biến không ngừng trên mạng. Hãy ngắt kết nối với bên ngoài để tái kết nối lại với chính bản thân mình. Email công việc có thể chờ đến sáng mai và Instagram sẽ vẫn hoạt động tốt dù thiếu vắng nút like của bạn. Hãy nhớ rằng bạn xứng đáng được nghỉ ngơi và có một giấc ngủ chất lượng.

Cuộc sống kỹ thuật số nhanh và rất tiện lợi nhưng hãy nhớ rằng đôi khi để nâng cao chất ta cần phải cắt bớt lượng. Cuộc đời thật ở ngoài kia, ta chỉ cần đặt điện thoại xuống để có thể giải phóng tầm mắt mình. Bạn hoàn toàn có khả năng tự chủ thay đổi cuộc sống theo cách tích cực hơn, đừng để nhưng giây phút quý giá trong cuộc sống chỉ tồn tại dưới định dạng những Gigabyte hình hay những bài đăng Facebook.

Tổng hợp: Phương Nguyễn | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Thiết kế resort “thuận tự nhiên” – Sự giao thoa giữa văn hóa bản địa và chuẩn mực quốc tế

Thể chất & Tinh thần – Chuẩn mực mới của thiết kế không gian