Châu Âu – Giá trị của trải nghiệm xa xỉ

Tôi mê châu Âu đắm đuối và đã dành cả những năm tháng thanh xuân rực rỡ nhất để đi “phượt”. Châu Âu, nơi bạn có thể đắm chìm trong nhung lụa bóng bẩy của hàng xa xỉ phẩm, những bữa tiệc “private” mà không phải cứ có tiền là được tham gia. Một nơi thơ và tình như vậy, có dành bao nhiêu năm tìm tòi, khám phá cũng chưa hết chán và càng không thể hết yêu!

Thưởng ngoạn nghệ thuật duy mỹ Châu Âu

Tôi thường chọn mùa Hè, khoảng tháng 6 hằng năm để lang thang qua những lâu đài cổ ở châu Âu. Khoảng thời gian này trời đã bắt đầu nắng ấm, Hè chớm sang nhưng cũng không quá nóng để rong ruổi. Hành trình tôi thích nhất là kiếm một chiếc xe mui trần và chạy từ Ahrensburg, một thị trấn nhỏ với những lâu đài nguy nga tráng lệ của Đức, cách thành phố Frankfurt khoảng 20 phút lái xe. Chúng tôi chạy xe băng qua Thụy Sĩ, ngắm tuyết tan dần trên những đỉnh núi hùng vĩ, chạy sang Milan để phơi nắng trên hồ Como Lake, và ngược lên Sanremo tiệc tùng trên biển Địa Trung Hải, dành thời gian ở Monaco và Nice rồi dừng chân ở điểm cuối là miền Nam nước Pháp.

Châu Âu 1

Ngọn hải đăng cô độc trên bãi biển của Pháp.

Châu Âu 2

Những lâu đài tuyệt đẹp trên cung đường lái xe giữa những thành phố cổ kính châu Âu.

Hầu hết các lâu đài cổ của châu Âu đều mở cửa cho khách du lịch tham quan, hoặc được trưng dụng làm bảo tàng, nhà hàng, khách sạn hoặc cho thuê Airbnb. Dọc đường phượt từ Đức sang Pháp, có rất nhiều lâu đài cổ cho thuê. Chúng tôi thường không đặt phòng trước quá lâu mà chọn cách đặt phòng trong ngày, tùy tốc độ di chuyển và “mood” ngày hôm đó. Tôi sợ nhất mỗi khi đi du lịch là phải gồng lên đi cho bằng hết, đi cho kịp kế hoạch đề ra ban đầu khiến không còn tâm trí để tận hưởng, nghỉ ngơi nữa. Có lần, tôi vô tình thấy một lâu đài rất đẹp nằm giữa một vườn nho ở Ý cho thuê, dự định chỉ ở một đêm rồi sáng mai đi tiếp nhưng vì mê quá, xung quanh lại rất nhiều nhà hàng ngon, có cả nhà hàng Michellin luôn nên quyết định ở 1 tuần để thư thả tận hưởng.

Châu Âu 3

Lâu đài Ahrensburg ở Đức với lối kiến trúc đặc trưng của vùng Bắc Âu.

Châu Âu 4

Đi thuyền đáy bằng chung ngắm những tòa lâu đài ở Cambridge, UK.

Suốt hành trình, tôi thường tranh thủ ghé qua những bảo tàng, phòng tranh và thậm chí là cả những khu phức hợp của các họa sĩ vô danh ẩn dật. Di sản văn hóa châu Âu được xem như sợi dây liên kết giữa quá khứ hàng nghìn năm trước với hiện tại ngày nay. Châu Âu sở hữu gần 15.000 viện bảo tàng và hơn nửa trong số đó được mở ra sau Thế chiến thứ hai nên nói chẳng ngoa, mỗi ngày có đi 2-3 bảo tàng dọc đường cũng không biết chán.

Trải nghiệm mùi hương tuyệt hảo dành cho du khách đến với vùng Grasse của Pháp.

Những mái nhà ven hồ Como của Bắc Ý luôn là cảm hứng lớn của tôi khi du ngoạn Milan. Vùng hồ rộng lớn cũng là nơi ở của rất nhiều tỉ phú thế giới trong những căn biệt thự tráng lệ được xây quanh hồ để hưởng trọn phong cảnh hoàn hảo của thiên nhiên.

Thiên đường đồ xa xỉ phẩm

Một năm, châu Âu có hai mùa sale lớn là dịp Hè (thường bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến hết tháng 7) và dịp Đông (thường bắt đầu từ tháng 1 đến hết tháng 2). Tuy nhiên, với khách du lịch, mùa đại sale Hè là náo nhiệt nhất. Đi mùa sale xếp hàng là điều không tránh được! Tôi thường chọn cách đến sớm hơn giờ store mở cửa cỡ một tiếng để xếp hàng.

Lưu ý là không nên kéo va li theo khi đi mua sắm vì đa phần các store và trung tâm thương mại sẽ không cho phép để đảm bảo an ninh. Cách hay nhất để không phải xếp hàng hoặc được tiếp phòng riêng là: mua nhiều hoặc mua đồ không ai mua. Tôi thường giữ lại name card của nhân viên bán hàng phục vụ mình lần đầu tiên, và sau này khi cần mua gì tôi sẽ nhắn người đó và đặt lịch hẹn trước khi ghé store để tiết kiệm thời gian chờ đợi.

Ở châu Âu cũng có rất nhiều phòng tranh, cửa hàng bán đồ vintage sưu tầm giá trị mà tôi thích mê. Rất nhiều buổi đấu giá thường được tổ chức ở các gallery lớn như Christie’s London.

Hành trình tôi thích nhất
là kiếm một chiếc xe mui trần và chạy từ Ahrensburg,
một thị trấn nhỏ với những lâu đài tráng lệ của Đức,
cách thành phố Frankfurt khoảng 20 phút lái xe.

Tiệc tùng như người bản xứ

Nếu bạn nghiện cocktail và thích nhâm nhi trải nghiệm thử những ly cocktail “world class”, hãy ghé Hemingway Bar. Đây là một quán rượu có từ thời Thế chiến thứ 2 và là nơi uống rượu yêu thích của Ernest Hemingway’s nằm trong khách sạn Ritz Paris Vendome (sau này quán được đổi tên thành Hemingway là vậy). Bartender huyền thoại của quán, Colin Field, nổi danh với món đồ uống Serendipity, French 75, March 2. Cocktail ở đây có giá trung bình khoảng 30 euro/ly và có cả món “độc” rượu Cognac sản xuất năm 1831 với giá 1.500 euro/ly. Một điều đặc biệt, quán khá nhỏ và không chơi nhạc hay bất kỳ âm thanh nào. Tiếng khách nói chuyện là thứ âm thanh đặc trưng của quán, cùng với những bông hồng thơm ngào ngạt trên tất cả ly rượu của khách nữ.

Ngoài những quán bar nổi tiếng, ở Paris và London còn có rất nhiều quán kiểu Speakeasy cho dân cocktail muốn trải nghiệm tay nghề bartender xứ này. Bí quyết là nên đi từ 17h, trước giờ happy hours 15 phút để chắc chắn rằng bar nào cũng sẽ có chỗ cho bạn! Điều thú vị là tiệc tùng ở châu Âu khác với Việt Nam hay châu Á. Người châu Âu thường thích những bữa tiệc riêng và họ hay đi theo nhóm chỉ dành cho hội viên có thẻ member tham gia. Những tụ điểm sập sình tiệc tùng mỗi đêm lại có phần vắng vẻ và không đông đúc thu hút như ở châu Á.


Những bảo tàng và công trình kiến trúc không thể bỏ lỡ: Ahrensburg Palace (Ahrensburg); Pinacoteca di Brera (Milan) Fondazione Prada (Milan); Villa Necchi Campiglio (Milan); Museo Civico (Sanremo); San Remo Casino (Sanremo), Santuario Madonna Della Costa (Sanremo); Parocchia Santa Maria degli Angeli (Sanremo); Bussana Vecchia (Sanremo); Monaco Naval Museum (Monaco); Princess Grace Irish Library (Monaco); Musee Matisse (Nice); Villa Masséna Musée (Nice); Musée Archéologique de Nice-Cimiez (Nice); Musée international de la parfumerie (Grassee).

Ăn tối ở nhà hàng Michellin: Dọc cung đường này bạn có thể tìm thấy cả trăm nhà hàng Michellin. Bạn nên book bàn trước ít nhất một ngày, xác suất có bàn sẽ dễ hơn và nếu không thể book bàn buổi tối, một bữa trưa cũng không phải là ý tưởng tồi.


Săn đồ outlet

Châu Âu có nhiều thiên đường đồ outlet to rộng chẳng khác gì một “làng” thời trang. Tuy vậy, xuất sắc nhất vẫn là outlet ở Milan, Paris và London. Nếu có dịp đi thăm thú săn đồ, bạn có thể ghé:

– Serravalle Designer Outlet (Milan)
– Vicolungo The Style Outlets (Milan)
– Fidenza Village (Milan)
– Franciacorta Outlet Village (Milan)
– Scalo Milano Outlet & More (Milan)
– Foxtown Factory Store (Biên giới Milan và Thụy Sĩ)
– Il Salvagente (Milan)
– La Vallée Village (Paris)
– One Nation Paris (Paris)
– Marques Avenue A6 (Paris)
– La Piscine Paris ( Paris)
– London Designer Outlet (Paris)

Bài: Moon Doãn | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Nautilus Hotel – Cải tạo khách sạn cũ tại Miami

Chuyện của những chuyến đi