Trầm tích của văn hóa

Với phần vỏ ngoài hài hòa cùng tổng thể không gian chung của khu vực, căn biệt thự gói vào bên trong một “kho báu nghệ thuật” mang chiều sâu văn hóa mà chủ nhân đã nhọc nhằn khai phá.

Trước khi về ở nơi đây, chủ nhân căn nhà sống ở căn hộ chung cư, không sửa sang nâng cấp nhiều nên điều dễ hiểu là chị đặt rất nhiều kỳ vọng và tâm huyết vào công trình mà lần đầu tiên chị được tham gia cùng KTS gây dựng ý tưởng từ ban đầu. Đối với chị, căn nhà là nơi mỗi thành viên phải cảm thấy thoải mái nhất có thể, không nên hi sinh sự tiện nghi cho phần nhìn. Vậy nên khi nhận được giải pháp thiết kế cân đối giữa đam mê nghệ thuật và mong muốn tổ chức không gian sống hài hòa từ KTS, chị thật sự cảm thấy bất ngờ và hạnh phúc.

CĂN NHÀ XÂY DỰNG TRÊN KHU ĐẤT CÓ TỔNG DIỆN TÍCH GẦN 600M2 VỚI TỔNG CỘNG 16 THÁNG THI CÔNG, CHỦ NHÀ CHO BIẾT CHỊ ĐÃ VẬN ĐỘNG CẢ NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH THAM GIA QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH ĐỂ CÓ THỂ HOÀN THIỆN VỚI HÌNH THỨC VÀ CẤU TRÚC HOÀN HẢO NHẤT.

Văn hóa 1

Ảnh: Đỗ Sỹ.

Văn hóa 2

Ảnh: Đỗ Sỹ.

Văn hóa 4

Không gian bếp được đặt gần khoảng giếng trời để tận hưởng nguồn sáng tự nhiên hào phóng nhất mỗi ngày. Chất liệu bề mặt cũng được lựa chọn giữ lại những nét thô mộc, chân phương để hài hòa với concept thân chiếc tàu. Bức tranh trong không gian này là tác phẩm của họa sĩ Lưu Tuyền. Ảnh: Đỗ Sỹ.

Không gian ngôi nhà lấy ý tưởng từ một chiếc tàu bị đắm xuống đáy đại dương. Nếu lặn xuống đáy (tầng hầm ngôi nhà) sẽ khám phá được một “kho tàng”. Xương sống của căn nhà chính là không gian thông tầng được mở thông liên tục lên tận đỉnh mái, nơi nguồn ánh sáng le lói (qua một hồ nước bằng kính) sẽ nâng kẻ khám phá ấy vươn lên, chạm đến nguồn sáng văn minh, và đó cũng chính là phần thưởng cho kẻ đã chấp nhận nhọc nhằn khai phá “kho tàng”.

Những đường xéo liên tục trong kiến trúc được sử dụng không chỉ để tạo nên những đường cắt mạnh mẽ, biến cả không gian thành một khối điêu khắc rỗng khổng lồ mà nó còn tạo nên những đường đi chuyển đóng mở liên tục, bất ngờ và trên đó bạn sẽ bắt gặp, chạm đươc vào những tác phẩm – những báu vật của riêng không gian sống–thưởng lãm vô cùng đặc biệt này. Theo ý đồ thiết kế, tầng hầm của căn nhà chính là đáy tàu chứa những tinh hoa mỹ thuật được dày công sưu tầm từ những nghệ sĩ Việt Nam đương đại. Cả quá trình tìm hiểu về tác phẩm, tác giả và hành trình sáng tác của họ là một sở thích mà chủ nhà từ lâu nuôi dưỡng, chính vì vậy phần công năng thẩm mỹ của không gian sống này cũng đem đến sự thư giãn, cân bằng trong cuộc sống của chị.

TẦNG HẦM CỦA BIỆT THỰ ĐƯỢC CẤU TRÚC VỚI HÌNH DUNG NHƯ ĐÁY TÀU VỚI PHẦN HỒ NƯỚC BẰNG KÍNH TREO LỬNG LƠ TRÊN TRẦN ĐÓN ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN VÀ TẠO MẠCH KẾT NỐI CẢM XÚC KHÔNG DỪNG NGHỈ, TRỌN VẸN CẤU THÀNH MỘT TRẢI NGHIỆM THƯỞNG LÃM.

Văn hóa 5

Tác phẩm của họa sĩ Hà Mạnh Thắng là điểm nhấn trong không gian trưng bày của tầng hầm căn nhà. Ảnh: Đỗ Sỹ.

Văn hóa 6

Tác phẩm sắp đặt Specula đặc sắc của nghệ sĩ Oanh Phi Phi đã gây tiếng vang trong cuộc triển lãm một vài năm trước, nay được nâng niu sưu tầm trong một không gian được thiết kế riêng. Ảnh: Đỗ Sỹ.

Văn hóa 7

Tác phẩm của các tác giả Hà Mạnh Thắng, Bùi Thanh Tâm, Phạm Tuấn Tú, Bùi Công Khánh cũng là một phần của BST ấn tượng này. Ảnh: Đỗ Sỹ.

Văn hóa 8

Ảnh: Đỗ Sỹ.

Những chuyến đi và trải nghiệm thưởng lãm nghệ thuật được đắp bồi trong nhiều năm là nguồn chất liệu cảm hứng và động lực để gầy dựng không gian sống mang trầm tích của văn hóa, được biểu đạt bằng hình thức cấu trúc khúc chiết, chặt chẽ trong ý tứ nhưng cũng rất phóng khoáng trong sắp đặt bố trí. Những phút lặng người trước tác phẩm nghệ thuật là trải nghiệm vô giá mà chị mong muốn lưu giữ cho mình, trong hành trình khai phá kho tàng cảm thức về cái đẹp.

MỘT CẤU TRÚC ĐẾ KIM LOẠI SẮC GỌN NÂNG ĐỠ MẶT BÀN GỖ TRẦM MẶC, TRONG KHÔNG GIAN PHÒNG LÀM VIỆC NƠI CHỦ NHÂN DÀNH NHIỀU THỜI GIAN TRONG NGÀY NHẤT. CÓ THỂ NHẬN THẤY CHỦ ĐÍCH CÂN BẰNG GIỮA CẢM QUAN NGHỆ THUẬT VÀ TÍNH ỨNG DỤNG TRONG THIẾT KẾ VÁCH NGĂN GỖ CHẠM KHẮC CỦA NGHỆ SĨ PHẠM TUẤN TÚ NGĂN GIỮA PHÒNG NGỦ VÀ PHÒNG LÀM VIỆC.

Văn hóa 9

Ảnh: Đỗ Sỹ.

Văn hóa 10

Không gian nghỉ ngơi ở tầng trên được thiết kế với phong cách kín đáo, trầm mặc và đủ tĩnh, nhẹ để cân bằng với phần “đáy tàu” vốn chất chứa những trầm tích nghệ thuật đặc sắc, đầy sức nặng văn hóa. Ảnh: Đỗ Sỹ.

Văn hóa 11

Ảnh: Đỗ Sỹ.


Bài: Pink Q | Hình ảnh: Đỗ Sỹ | Stylist: Hoàng Minh Huỳnh | Trợ lý: Phạm Tú


Xem thêm:

Khối hộp & Đường cong

Đường dẫn mạch lạc