“Trâm manzi” & Cuộc sống với nghệ thuật đương đại

“Tôi yêu căn hộ của mình vì nó là tổ ấm đầu tiên khi chúng tôi bắt đầu cuộc sống riêng của mình và đây là nơi thực sự thuộc về hai chúng tôi”, chị Trâm chia sẻ.

“Lý do để tôi yêu ngôi nhà này còn vì nó yên tĩnh, tràn ngập nắng và gió (trên tầng 16 của khu chung cư với cửa sổ hướng ra 3 phía của thành phố). Đêm xuống, có thể ngắm quầng đèn vàng rực từ nội đô. Vào những đêm rằm, từ cửa sổ có thể ngắm trọn cả trăng. Vào mùa Đông lạnh, chúng tôi có thể nghe tiếng gió hú ngoài ban công, và thậm chí vào những buổi đêm, từ tầng 16, tôi có thể nghe được tiếng rao của những người bán hàng rong. Và còn vì bức tường đỏ rực khu phòng ăn, vì các bức tường gốm mosaic ở trong bếp và toilet do chính cậu bạn làm thiết kế nội thất tự tay gắn gốm, tự tay sơn. Vì các bức tranh, những tác phẩm mà bạn bè tặng, và chúng tôi tự mua.

Những kỷ niệm đẹp nhất thuộc về ngày đầu tiên chúng tôi chuyển về nơi này. Bạn bè mua từng cái chảo, bát ăn và đồ làm bếp cho bữa tối đầu tiên tại căn hộ. Bức tranh đầu tiên được mua riêng cho không gian này (2 bức sơn mài của Trương Tân) và những cuộc cãi vã “thực sự” của 2 vợ chồng khi phải quyết định tranh treo ở đâu, đồ đạc bày thế nào.

Nghệ sĩ yêu thích nhất của chị Trâm là Nguyễn Mạnh Hùng vì tính hài hước trong tác phẩm. Nguyễn Minh Thành vì sự duy mỹ, vẻ đẹp và nỗi u sầu trong tranh. Nguyễn Huy An vì tính trầm lặng nhưng dữ dội, cùng các phức cảm trong tác phẩm.

Món đồ luôn luôn cần hiện diện trong không gian sống đối với tôi là sách (văn học, artbook, art catalogue, dứt khoát không có… sách dạy làm người/kỹ năng sống) và các tác phẩm (tranh, điêu khắc, đồ thiết kế) do chúng tôi mua và sưu tầm được, như tranh của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam, các đồ thủ công – thiết kế mua từ các nước mà chúng tôi từng tới. Và hoa tươi (tất nhiên!). Thứ không bao giờ được phép có trong nhà là tranh sứ, đồ mỹ nghệ sản xuất hàng loạt của Việt Nam, đèn huỳnh quang ánh sáng trắng.

“Tôi không có nhiều bí quyết về decor nhưng với riêng tôi, nếu ngôi nhà chỉ cần có nhiều sách và nhiều tác phẩm được treo-bày đúng chỗ thì dù ngôi nhà có xấu mấy cũng trở nên có duyên hơn”.

Một không gian sống thoải mái phải có thật nhiều ánh sáng, và nhiều sách cùng tranh tượng.

Không gian nghệ thuật manzi

Chị Trâm cùng 2 người bạn thành lập manzi như không gian café/bar và giới thiệu, bán các tác phẩm của những nghệ sĩ Việt Nam đương đại. Đây còn là nơi tổ chức trình diễn âm nhạc thể nghiệm, giới thiệu thơ, sách…

Chị Trâm có thể kể một chút về lịch sử ngôi nhà này?

Nhà số 14 Phan Huy Ích được xây dựng từ những năm 1920 của thế kỷ trước. Nguyên gốc là một trong 5 ngôi nhà do Bạch Thái Bưởi (nhà tư sản dân tộc đầu tiên của Việt Nam) mua. Nghe kể lại thì ông Bưởi mua đất trên phố này và thuê người xây 5 ngôi biệt thư liền nhau, ông Bưởi ở nhà chính giữa (ngay cạnh manzi) còn 4 nhà còn lại chia cho con trai và con gái. Sau khi ông Bưởi bị phá sản và chết thì ngôi nhà số 14 được bán cho Tổng đốc Hà Nội Phạm Gia Thụy. Vào đầu những năm 1950, nhà số 14 được bán cho cụ Lương Văn Ngoạn (Tòa Đổng lý Hà Nội). Hiện gia đình con trai cụ Ngoạn vẫn đang ở đây. Trải qua biến thiên lịch sử, từ cải tạo tư sản trong những năm 1950, chiến tranh…, ngôi nhà may mắn vẫn giữ nguyên được hiện trạng cũ. Từ thời kỳ Đổi mới, nhà số 14 được dùng cho người nước ngoài và các công ty thuê, còn nhà chủ xây một ngôi nhà khác ngay sân sau để ở. Tháng 10/2012, chúng tôi thuê lại và manzi đã ra đời. Nhóm cố gắng phục hồi lại hiện trạng cũ của ngôi nhà và cố gắng mang hơi thở đương đại vào trong đó.

Tại sao lại có cái tên manzi?

Manzi được thành lập như một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận với tiêu chí hỗ trợ nghệ thuật đương đại Việt Nam, khuyến khích sự đa dạng trong biểu đạt và sáng tác. “Manzi” được lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của học giả Nguyễn Văn Vĩnh khi ông trả lời thư của Phan Bội Châu: “Tôi là một người man di hiện đại”. Những người thành lập nghĩ rằng manzi mang một ý nghĩa khác nữa: manzi là sự độc lập và slogan của không gian này là “Chúng ta là những người manzi khác”.

Chị yêu gì nhất ở đây?

Vẻ đẹp thanh nhã cùng kiến trúc nửa Pháp, nửa Đông Dương của nó. Vì các họa tiết sắt mảnh mai trên cánh cửa, vì sân trước vào mùa lá rụng và cây xanh, vì tầng 2 luôn tràn nắng và giàn hoa giấy đỏ như lửa, vì ban công yên ả nhìn ra bức tường rêu phong…

Không gian tầng 1 – “vì manzi không phải là ngôi nhà để ở, nên tôi luôn phải có hoa tươi theo mùa, tranh và tượng”.

Tầng 2 là một không gian cho ước mơ nghệ thuật, cho nghệ sĩ cũng như những người yêu nghệ thuật đương đại.

Bài: NGUYỄN DANH QUÝ – Ảnh: LUKAS LÃ, GIANG HUY